Tranh chấp bản quyền giữa Proview và Apple: Đục nước, cò nào hưởng lợi?

Thứ Sáu, 02/03/2012, 22:35

Một vụ kiện về tranh chấp bản quyền đang gây cơn bão từ Trung Quốc lan ra tới Mỹ. Đó là việc Tập đoàn Proview Electronics của Trung Quốc đang bên bờ vực phá sản bỗng liên tiếp đưa ra những cáo buộc gay gắt việc Apple xâm hại nghiêm trọng quyền sở hữu thương hiệu iPad của họ. Không chỉ dừng ở việc kiện cáo và tẩy chay Apple tại Trung Quốc, Proview Electronics vừa gửi đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm của quận Santa Clara, thuộc tiểu bang California (Mỹ), tuyên bố Apple đã lừa đảo trong việc mua lại thương hiệu iPad và việc sở hữu của Apple với thương hiệu này là bất hợp pháp.

Trung Quốc nói "không" với Apple

Năm 2006, 4 năm trước khi Apple trình làng phiên bản máy tính bảng iPad đầu tiên vào năm 2010, người ta được biết Hãng "Quả táo" đã mua lại thương hiệu "iPad" từ một công ty luật có trụ sở tại Anh là IP Application Development. Tuy nhiên, Tập đoàn Proview Electronics, trong vụ kiện ầm ĩ tuyên bố rằng, thương vụ mua bán thương hiệu 6 năm về trước của Apple là không hợp pháp và quyền sở hữu thực sự của máy tính bảng iPad ở Trung Quốc vẫn thuộc về họ từ năm 2001 đến nay.

Theo hồ sơ từ tòa án, Proview đã có được thương hiệu iPad tại một số quốc gia vào khoảng năm 2000. Thương hiệu này là tên một thiết bị kết nối Internet có tên gọi "iPad" được Proview phát triển với sự hỗ trợ của Motorola và một số công ty nữa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến cho các khách hàng lớn của Proview bị phá sản kéo theo công ty này cũng bị rơi vào tình trạng thê thảm. Một thỏa thuận bán thương hiệu iPad được dàn xếp êm xuôi giữa Tập đoàn Proview và IP Application Development. Công ty Anh quốc sau này đã bán lại thương hiệu iPad cho Apple vào năm 2006, 4 năm trước khi chiếc máy tính bảng của Apple được trình làng.

Một cuộc chiến âm ỉ được nhen lên khi thị trường đông nhất thế giới này nhận thấy dấu hiệu "xâm lăng" ngày một ồ ạt của những chiếc máy tính bảng của "Quả táo" Mỹ. Proview Technology, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến và là một công ty con của Proview Electronics bắt đầu lên tiếng khẳng định rằng, chính họ mới là người có quyền sở hữu thương hiệu "iPad" tại Trung Quốc. Công ty này khẳng định, khi Apple mua lại thương hiệu iPad từ IP Application Development không hề có sự tham gia ký kết và đồng ý từ phía Proview, mặc dù thương hiệu này đã được bán từ trước đó khá lâu. Tháng 12/2011, Proview Technology đã chính thức khởi kiện Apple yêu cầu khoản bồi thường lên đến 1,6 tỉ USD. Họ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tại hơn 30 thành phố ở Trung Quốc ngăn chặn việc bày bán và phân phối chiếc máy tính bảng đình đám này của Apple.

Một trong những tài liệu thỏa thuận mua lại thương hiệu iPad từ Proview Electronics.

Mặc dù Apple một mực phủ nhận cáo buộc, song Proview Technology vẫn không từ bỏ ý định chuẩn bị cho cuộc đấu dài hơi với Apple. Mới đây, họ đã khơi mào lại vụ kiện và yêu cầu một lệnh trừng phạt gắt gao nhằm vào Apple. Điều này khiến cho chính quyền Bắc Kinh phải tiến hành một cuộc điều tra vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, và có thể sẽ tuyên án phạt Apple số tiền lên tới 38 triệu USD.

Hai trung tâm mua sắm lớn ở quận Xujiahui, Thượng Hải đã ngừng đặt hàng iPad. Tiếp theo, các thành phố như Từ Châu ở tỉnh Giang Tô và Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông đã yêu cầu các cửa hàng bán lẻ dỡ bỏ iPad khỏi các kệ hàng. Thông tin về chiến dịch thu hồi iPad diễn ra rầm rộ trên nhiều thành phố ở Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi chính quyền nước này yêu cầu các cửa hàng bán lẻ tại một thành phố khác gần Bắc Kinh là Thạch Gia Trang ngừng bán iPad. Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại tại thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc đã bắt đầu thực hiện phán quyết của tòa án bằng việc tiến hành thu hồi các sản phẩm iPad đang được bán lẻ tại đây, đồng thời sẽ phạt tiền gấp 5 lần tổng giá trị số iPad nếu phát hiện có cửa hàng nào kinh doanh lén lút loại sản phẩm này.

iPad hiển nhiên thuộc về "Quả táo"

Về phần mình, Apple vẫn một mực phủ nhận cáo buộc vi phạm bản quyền thương hiệu "iPad" tại Trung Quốc và cho rằng, việc Proview Technology khơi lên vụ kiện ầm ĩ này vì những động cơ cá nhân đã cố tình gây tổn hại danh tiếng của Apple. Ngày 20/2 vừa qua, tạp chí Công nghệ PCWorld đã đăng tải nội dung bức thư mà Apple vừa gửi đến Proview. Đây được xem là phản ứng chính thức từ phía Apple sau khi nhà sáng lập công ty này tổ chức một buổi họp báo cách đây vài ngày.

Tại cuộc họp báo trên, nhà sáng lập Proview, Yang Rongshan tuyên bố Apple đã tìm cách mua lại thương hiệu iPad Trung Quốc từ một chi nhánh của Proview tại Đài Loan, song, công ty con này không có quyền bán nó và Yang nhấn mạnh thỏa thuận giữa hai bên không hợp lệ. Ông Yang cũng thừa nhận tại thời điểm đó, ông không hề hay biết Apple đang tìm cách mua lại thương hiệu iPad từ công ty con của Proview. Tuy nhiên, Apple đã ngay lập tức phản pháo lại những tuyên bố của Proview.

Apple khẳng định trên thực tế, mọi chuyện diễn ra hoàn toàn khác. Bằng chứng là các tài liệu và email của giai đoạn đó sau này được kiểm tra lại cho thấy ông Yang biết rất rõ các cuộc đàm phán này. Rõ ràng, Yang Rongshan, với vai trò là chủ tịch và nhà lãnh đạo cao nhất của Proview, đồng thời là chủ tịch và đại diện pháp lý của Proview Thâm Quyến, đã biết rõ và cho phép các cuộc đàm phán diễn ra cũng như thực hiện việc ký kết thỏa thuận chuyển giao thương hiệu này của Proview Thâm Quyến.

Với 15 trang tài liệu mà Apple đưa ra, trong đó có cả nội dung những email trao đổi giữa Proview và IP Application Development, công ty tại Anh đã mua lại thương hiệu iPad từ Tập đoàn Proview Electronics của Đài Loan, đã được đăng tải công khai vào sáng 20/2 trên trang mạng All Thing D. Nội dung của những tài liệu và email này bao gồm: bản hợp đồng mua lại thương hiệu iPad của IP Application Development từ Proview, có giá 57.900 USD; một bản ký kết thỏa thuận việc chuyển giao và nhượng quyền thương hiệu, cũng như quy định rằng công ty bên bán (Tập đoàn Proview Electronics của Đài Loan) sẽ không được hủy bỏ, cải chính hoặc thực hiện bất kỳ thủ tục tố tụng, pháp lý nào để đòi lại thương hiệu đã bán; những giấy tờ công chứng xác minh hoàn tất các thủ tục mua bán…

Đáng chú ý là trong số những bằng chứng này còn có một ghi chú rằng, thương hiệu iPad thuộc về "một công ty Đài Loan". Nhưng, công ty này không có trụ sở tại Thâm Quyến, nghĩa là không phải thuộc về Proview Technology - kẻ đang gây khó dễ với thương hiệu iPad của Apple. Đặc biệt hơn là trong số các tài liệu này còn có một tài liệu liên quan đến phán quyết của Tòa án tại Hồng Công vào tháng 7/2011, tuyên bố thương hiệu iPad vẫn tiếp tục thuộc quyền sở hữu của Apple tại Trung Quốc.

Động thái gửi thư phản pháo của Apple diễn ra sau khi Proview liên tục yêu cầu chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm bán iPad trên thị trường nước này. Cuối tuần trước, một đại diện của Proview đã đề nghị Apple nên trả khoản tiền bồi thường lên đến 400 triệu USD để kết thúc cuộc chiến tranh giành thương hiệu iPad giữa hai bên. Nhưng có vẻ như Apple không có ý định nhượng bộ và đang triển khai kế hoạch phản công. Luật sư đại diện của Apple tại Trung Quốc đã gọi đơn kiện của Proview là một điều hết sức vô lý bởi vì Proview "không có sản phẩm, không có thị trường, không có khách hàng và thậm chí không có cả nhà cung cấp".

Apple sẽ không nhân nhượng trước yêu cầu đòi bồi thường của Proview để kết thúc kiện tụng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Apple gặp rắc rối với thương hiệu sản phẩm của mình. Vào năm 2007, Apple và Cisco cũng đã có cuộc chiến pháp lý để  cạnh tranh thương hiệu iPhone, và cuối cùng cả 2 đã giải quyết ổn thỏa vụ tranh chấp bằng quyết định sử dụng chung thương hiệu "iPhone" cho cả Apple lẫn Cisco.

Đục nước, cò nào hưởng lợi?

Dù hiện giờ phiên tòa tranh chấp thương hiệu iPad vẫn chưa được ngã ngũ, song với hành động của Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc cho thấy, có vẻ như Apple đã phải chịu một phần thất bại trong vụ tranh chấp này. Lệnh cấm tạm thời các sản phẩm bán lẻ mang thương hiệu iPad của Apple trên thị trường Trung Quốc đang tác động ghê gớm, vượt ra ngoài phạm vi các doanh nghiệp liên quan. Các phân tích chỉ ra rằng, nếu cấm iPad tại thị trường này thì không chỉ tổn hại đến doanh thu và uy tín của Apple mà còn làm "tổn thương lợi ích quốc gia của Trung Quốc".

Song, đục nước ắt béo cò. Trước tiên đối với Proview, nếu chiến thắng trong cuộc tranh chấp thương hiệu này thì tiền bồi thường, hoặc ít nhất là một thỏa thuận mới mua lại thương hiệu của Apple sẽ là một "món béo bở" bởi Proview đã "tìm được cọc" trong cơn "chết đuối" phải nộp đơn xin phá sản.

Ngoài ra, việc Apple đang lao đao trong cuộc tranh chấp thương hiệu iPad ở Trung Quốc đang vô tình mở ra cơ hội hiếm có cho các hãng công nghệ đối thủ như Lenovo, Samsung trong nỗ lực giành lấy vị trí thống trị của Apple trên thị trường máy tính bảng rộng lớn của nước này.

Do lệnh cấm từ chính quyền sau khi cuộc tranh chấp nổ ra, các cửa hàng bán lẻ và nhiều gian hàng trực tuyến ở hơn 10 thành phố Trung Quốc đã buộc phải ngừng trưng bày và bán sản phẩm máy tính bảng của Apple. iPad của Apple đang chiếm vị trí dẫn đầu với 76% thị phần thị trường máy tính bảng ở Trung Quốc. Lenovo và Samsung xếp vị trí thứ hai và thứ 3 với lần lượt 7% và 3% thị phần ít ỏi.

Song, theo các chuyên gia phân tích thì "tổn thất của Apple có thể trở thành cơ hội lớn của Lenovo và Samsung. Khả năng, Samsung sẽ được hưởng lợi nhiều hơn vì dòng sản phẩm máy tính bảng Galaxy của hãng điện tử Hàn Quốc này ở cùng phân khúc giá với iPad. Một model iPad 2 thường có giá bán khoảng 3.688 NDT (tương đương 585 USD), xấp xỉ giá bán của một chiếc Samsung Galaxy Tab 7 inch. Sản phẩm của Samsung cũng như iPad đều cùng nhắm tới người tiêu dùng thu nhập cao. Do đó, tác động của vụ kiện đối với Lenovo có thể ít hơn vì máy tính bảng Lepad của họ có mức giá thấp hơn và chỉ nhắm đến đối tượng người tiêu dùng bình dân.

Thêm nữa, không chỉ các công ty công nghệ mới được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh chấp thương hiệu của Apple. Trung Quốc hiện có 505 triệu người dùng Internet và xấp xỉ 300 triệu người sử dụng các thiết bị di động để lướt web. Việc bỏ trống thị phần của Apple trong lĩnh vực máy tính bảng iPad sẽ là cơ hội vàng cho nhiều người khác biết chớp thời cơ. Khi các chuỗi cửa hàng điện tử không được tiếp tục bày bán sản phẩm máy tính bảng đình đám iPad, khi trang web Amazon.com và nhà bán lẻ Suning cũng ngừng bán sản phẩm này, khi cả hãng bán lẻ trực tuyến lớn là 360buy.com cũng đã dừng bán chiếc máy tính bảng của Apple mà không nói rõ lý do... thì khách hàng tại Trung Quốc vẫn có thể mua iPad tại Taobao và Dangdang.com của Alibaba.

Khi mà các kênh mua hàng chính thức bị phong tỏa như hiện giờ thì đây chính là lúc nhiều người phải tìm mua iPad qua con đường nhập lậu. Hiển nhiên, giá của những chiếc iPad nhập lậu vào Trung Quốc sẽ tăng hơn trước nhiều. Và như nhận định thì buôn lậu có thể vẫn là nguồn đóng góp chính vào doanh số bán iPad tại Trung Quốc, đặc biệt là khi việc phân phối iPad 3 tại nước này đang bị trì hoãn do cuộc chiến bản quyền.

Nếu kết cục bản quyền chiếc máy tính bảng iPad sẽ không thuộc Apple thì đây là một đòn chí mạng nhằm vào "Quả táo", bởi Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất và là chìa khóa của Apple trên toàn cầu. Và như thế, Proview Technology sẽ thành công. Bởi họ đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng tài chính vì nợ nần và biết sử dụng cách để "vòi" tiền của Apple quá đỗi hiệu quả.

Song, Apple đã chuẩn bị đầy đủ bằng chứng pháp lý và chắc chắn không dễ gì lùi bước dễ dàng như thế

Nguyên Linh (tổng hợp)
.
.