Tranh chấp ở Bắc Cực bắt đầu quyết liệt khi băng tan

Thứ Ba, 21/02/2006, 14:08

Nhiều nhà khoa học dự đoán: Trong vòng từ 25 - 30 năm tới, lớp băng ở Bắc Băng Dương sẽ tan hết trong mùa hè. Theo các nhà khoa học Na Uy ở Bắc Băng Dương có tới 25% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới chưa được khai thác, đây là vùng 5 quốc gia đang tranh chấp.

Lớp băng ở Bắc Băng Dương tan, cộng với những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải, “Tuyến hàng hải ven biển Tây Bắc” của Canada và “Tuyến hàng hải ven biển phương Bắc” của Siberia (Nga) sẽ trở thành “Tuyến hàng hải chính giữa Đại Tây Dương - Thái Bình Dương”. Khi đã hình thành tuyến hàng hải Bắc Băng Dương, tuyến hàng hải đi từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ sẽ rút ngắn được từ 6.000 - 8.000km.

Canada và Đan Mạch

Hiện nay Đan Mạch đã bắt đầu tiến hành khảo sát Bắc Băng Dương. Sau khi khảo sát, Đan Mạch sẽ chính thức đề nghị Liên Hiệp Quốc xác định chủ quyền của mình. Tàu hộ tống hiệu Watilan 3.500T của Hải quân Đan Mạch đã tiến vào eo biển đang tranh chấp giữa Đan Mạch và Canada. Điều quan trọng eo biển này là biên giới trên biển giữa Canada và đảo Ghleran thuộc lãnh thổ Đan Mạch chỉ cách Bắc Cực có 800km. Ngoài tàu hộ tống, Đan Mạch còn cho đội tuần  tiễu tinh nhuệ có mật danh  “Sao Thiên Lang” tiến hành tuần tra ở vùng biển đảo Ghleran.

Canada không chịu khoanh tay ngồi nhìn những động thái của Đan Mạch. Năm nay, Quân đội Canada sẽ phóng “vệ tinh radar số 2” giám sát vùng Bắc Băng Dương và mua 3 tàu chở dầu, làm nhiệm vụ cung ứng cho tàu tuần tra của mình tại vùng này.

Sự tham dự của Nga

Nga đã tuyên bố một nửa Bắc Băng Dương, trong đó có vùng Bắc Cực là phần đất kéo dài thuộc Seberia, tài nguyên ở đây theo luật pháp quốc tế là thuộc chủ quyền của Nga.

Để có thêm những chứng cứ về chủ quyền của mình đối với Bắc Cực, Nga đã cho tàu khảo sát tới Bắc Cực với hy vọng tìm thêm được nhiều tư liệu về địa lý. Năm 2004, các nhà khoa học Nga đi đầu thế giới, lập một bản đồ địa hình đáy biển Bắc Băng Dương. Hiện nay, tàu ngầm nguyên tử của Nga vẫn lặng lẽ chạy bên dưới lớp băng ở vùng Bắc Cực. Trước những động thái đó, Canada và Đan Mạch đã hiệp thương cùng nhau phối hợp để xác định chủ quyền của mình.

Mỹ và Na Uy không đứng ngoài

Mỹ và Na Uy đã triển khai việc khảo sát địa lý nhằm mục đích phân chia chủ quyền đối với vùng Bắc Cực.

Bang Alaska của Mỹ nằm trong vùng Bắc Cực. Ngay từ năm 1946, Mỹ đã tiến hành khảo sát vùng này. Sau đó, do sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên tuyến Bắc Cực giữa Alaska đến Iceland, Mỹ đã xây dựng hệ thống phòng ngừa tên lửa đạn đạo, bố trí một số tàu ngầm nguyên tử chiến lược và tên lửa đánh chặn, đồng thời phối hợp cùng Canada thành lập “Bộ Tư lệnh phòng ngự không gian Bắc Mỹ”.

Tại một thị trấn nhỏ ở vùng Bắc Cực thuộc lãnh thổ Na Uy mang tên Hamofister có một nhà máy khí hóa lỏng quy mô lớn và một hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ biển Baren tới nên có sự hiện diện của nhiều người thuộc các quốc gia như Na Uy, Nga, Phần Lan, Mỹ và một số quốc gia Tây Âu v.v... Điều đó chứng tỏ cuộc tranh chấp về chủ quyền Bắc Cực đã bước vào giai đoạn tăng tốc

Phạm Xuân Tiến (tổng hợp)
.
.