Triển vọng cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3

Thứ Tư, 15/07/2020, 12:17
Trong chuyến thăm Seoul đầu tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm Đặc phái viên phụ trách chính sách CHDCND Triều Tiên Stephen Biegun đưa ra hàng loạt thông điệp mang tính chất hòa hảo với Bình Nhưỡng, thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc đạt được một tiến triển mới cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề cập tới khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3.

Chưa khớp các lợi ích

Đáng chú ý, sau cuộc hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Seoul ngày 8/7, ông Biegun cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với CHDCND Triều Tiên nếu nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un bổ nhiệm một người đồng cấp “có quyền hạn” phụ trách đàm phán với Washington. Tiếp đó, ông Biegun nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong việc xúc tiến mục tiêu hợp tác liên Triều.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết quan chức hai bên đã thảo luận sâu sắc về phương án đưa CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất, đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục nỗ lực để chuyển đổi cục diện Bán đảo Triều Tiên hiện nay sang đối thoại.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 7-7, Tổng thống Trump đã bày tỏ lập trường tích cực về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3, song khẳng định điều kiện là chỉ khi Washington xét thấy cuộc gặp này thực sự hữu ích. Người đứng đầu Nhà Trắng còn tuyên bố rằng CHDCND Triều Tiên nằm cách Mỹ 14.000km và nước này vẫn chưa có được phương tiện vận chuyển tên lửa, một bình luận cho thấy Tổng thống Mỹ nhận định rằng tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn chưa thể đe dọa lãnh thổ nước Mỹ và vì vậy Washington không cần phải vội vàng.

Tương lai về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 còn mong manh dù Tổng thống Donald Trump ngỏ ý mong muốn.

Xét ở góc độ khác, Tổng thống Trump đang rất cần có một bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy cuộc đua tái tranh cử. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 có khả năng sẽ trở thành một “màn trình diễn bất ngờ” của lãnh đạo Nhà Trắng trước thềm bầu cử nhằm lấy lòng cử tri.

Đáp lại những động thái đầy thiện chí từ Washington, Bình Nhưỡng vẫn cho thấy một lập trường “thép”. Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10-7 tuyên bố “không cần thiết” tiến hành một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ trừ khi Washington đưa ra một “thay đổi mang tính quyết định” trong cách tiếp cận của họ.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi năm 2018, song các cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên diễn ra tại Hà Nội hồi đầu năm 2019 bị đổ vỡ do những gì mà CHDCND Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ để đổi lấy các biện pháp nới lỏng trừng phạt.

Hãng tin AP dẫn lời cô Kim Yo Jong nói rằng không có lý do gì để CHDCND Triều Tiên trao tặng ông Trump một “món quà hội nghị thượng đỉnh quý giá” khi mà nước này không nhận lại được điều gì thực chất. Mặc dù cô Kim nói rằng tuyên bố của mình chỉ là quan điểm cá nhân, song toàn bộ thông điệp dài này dường như nhằm phát đi những thông điệp khác nhau.

Một thế cục khó lường

Trong hàng chục năm qua, CHDCND Triều Tiên theo đuổi khái niệm phi hạt nhân hóa không giống với định nghĩa của Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố theo đuổi phát triển hạt nhân cho đến khi Mỹ rút binh sĩ và ô an ninh hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giới chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ coi ngoại giao là việc đàm phán cắt giảm vũ khí giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chứ không phải là các cuộc đàm phán vốn tiến tới việc CHDCND Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí của mình - thứ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi là sự đảm bảo mạnh mẽ nhất cho sự tồn vong của Bình Nhưỡng. Cùng với đó, CHDCND Triều Tiên khẳng định rằng họ cần duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược có thể xảy ra.

Sẽ không có cái bắt tay nào tiếp theo nếu hai bên không làm hài lòng nhau trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Ngày 24-6, sau nhiều tuần đe dọa Seoul, Bình Nhưỡng đã đột ngột dừng lại, mặc dù những điểm cốt lõi gây ra xích mích giữa hai miền Triều Tiên vẫn còn tồn tại. Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục âm ỉ hay leo thang phụ thuộc vào cách thức các bên xử lý vấn đề này trong giai đoạn bấp bênh trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra.

Truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đưa tin Kim Jong-un đã quyết định tạm hoãn các kế hoạch tiến hành một số hoạt động quân sự sau khi cân nhắc một “tình huống phổ biến” không được nêu rõ, trong một cuộc họp trực tuyến sơ bộ của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim Jong-un chủ trì.

Có thể thấy, những ứng phó của CHDCND Triều Tiên với Mỹ hay Hàn Quốc đều chỉ là để giải quyết tình thế chứ không phải là một chiến lược lâu dài. CHDCND Triều Tiên đã đạt được nhiều thỏa thuận với cả Mỹ và Hàn Quốc trong 30 năm qua, từ Thỏa thuận cơ bản liên Triều năm 1991 đến thỏa thuận năm 2012 và sau đó là thỏa thuận năm 2018 đã giúp mở văn phòng liên lạc tại Kaesong. Thế nhưng, Bình Nhưỡng đã vi phạm cả 3 thỏa thuận.

Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng có một điều mà các nhà tư tưởng rõ ràng chắc chắn nên đồng thuận ở giai đoạn này là CHDCND Triều Tiên không coi việc quan hệ tốt với Mỹ và Hàn Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Giải pháp trước mắt để “cảm hóa” CHDCND Triều Tiên, Washington và Seoul vẫn sẽ cần phải khôn khéo để tránh tạo ra cái cớ cho CHDCND Triều Tiên hành động quân sự, đồng thời duy trì sự sẵn sàng và răn đe trên Bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân.

Hơn nữa, nếu Bình Nhưỡng vẫn có các bước đi có khả năng gây bất ổn thì Washington và Seoul cần có kế hoạch phản ứng một cách có chừng mực. Cụ thể, họ cần phát đi tín hiệu rằng sẽ đẩy mạnh các cuộc tập trận chung nếu Bình Nhưỡng leo thang.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.