Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn:

Triển vọng về một liên minh kinh tế mới

Thứ Hai, 21/05/2012, 14:45

Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vừa diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của ba cường quốc tại châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với mục tiêu hàng đầu về kinh tế, các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư, đồng thời thông qua lộ trình trong vòng một năm sẽ triển khai đàm phán về một hiệp ước thương mại tự do ba bên, làm nền tảng cho một liên minh kinh tế mới của ba cường quốc hàng đầu châu Á.

Tuy nhiên, triển vọng thực sự về liên minh kinh tế trên vẫn còn là một dấu hỏi, nếu tính tới sự chồng chéo về quyền lợi giữa các quốc gia thành viên trong những tổ chức kinh tế khác nhau, cũng như những tranh cãi về đường biên trên biển với Trung Quốc. 

Trong cuộc gặp đáng chú ý trên - có sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak - các nguyên thủ đã thống nhất thỏa thuận sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức trong vòng một năm tới, cùng với việc cùng công bố thỏa thuận về hợp tác đầu tư.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc họp thượng đỉnh trên là rất rõ ràng: Theo số liệu của Hãng Reuters, các cường quốc tham gia hội nghị chiếm khoảng 19,6% giá trị nền kinh tế thế giới và 18,5% tổng sản lượng thương mại thế giới trong năm 2010. "Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được sự hợp tác kinh tế ở mức độ cao. Thỏa thuận về tự do thương mại giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là một phần đặc biệt quan trọng trong chiến lược quốc gia của chúng tôi… Trung Quốc đơn giản là một thị trường rất rộng lớn" - Thủ tướng Yoshihiko Noda của Nhật đã tuyên bố như vậy về kết quả hội nghị.

Nhiều nhà quan sát đều thống nhất cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Trung -Nhật - Hàn vừa qua về thực chất đã đánh dấu một bước đi nhằm thành lập một khối liên minh kinh tế mới tại Đông Á, được coi sẽ là một đối trọng trong tương lai so với Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Hàn Quốc cũng đã tìm cách bắt tay riêng với Trung Quốc để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trước các công ty Nhật Bản.

Bước sơ khai của liên minh này chắc chắn sẽ gây ra nhiều biến động đan chéo phức tạp, trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng kéo theo nhiều "dự án liên minh kinh tế" khác nhau để phục vụ lợi ích cho một cá nhân hay một nhóm quốc gia đối tác. Điển hình như Mỹ cũng đang nỗ lực thành lập một khối liên kết kinh tế khu vực nhưng phải nằm dưới sự cầm trịch của họ. Dự án được mang tên "Hợp tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP - Trans-Pacific Partnership) trên của Washington có một mục tiêu chính là nhằm kiềm chế sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay có thể xác định được hai xu hướng chính: một mặt là tiến trình toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, còn mặt khác vẫn là sự hình thành của các khối liên kết kinh tế theo khu vực. Nếu như thỏa thuận tự do thương mại Trung - Nhật - Hàn được hiện thực hóa, tất cả các rào cản làm ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa và vốn đầu tư giữa ba nước sẽ được gỡ bỏ. Chưa kể thỏa thuận sơ bộ về đầu tư cũng đang xem xét thành lập một cơ cấu giúp giải quyết các tranh chấp về thương mại và tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một thỏa thuận về tự do thương mại chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy mức độ tăng trưởng GDP tại cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng mặt khác, mỗi một đối tác trong liên minh mới trên vẫn có những lợi ích riêng của mình. Chẳng hạn như các công ty của Hàn Quốc vẫn tỏ ra kém khả năng cạnh tranh so với Nhật Bản. Nhận ra được thực trạng này, Seoul từ ngày 2/5 vừa qua đã đạt được thỏa thuận song phương riêng với Bắc Kinh cũng về tự do thương mại. Trong trường hợp này, các công ty Nhật Bản vô hình trung lại trở nên “yếu thế” về khả năng cạnh tranh so với các công ty Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần này được hy vọng sẽ giúp giảm bớt khả năng xảy ra những mâu thuẫn kiểu trên. Trong số ba đối tác của hội nghị, Nhật Bản đang lâm vào một tình thế khá phức tạp, khi họ phải đương đầu với mâu thuẫn trong giới chức chính trị hàng đầu. Hiện các bên đang tranh cãi về phương án nên gia nhập TPP hay tham gia liên minh với Trung Quốc và Hàn Quốc. Các chính trị gia thân cận với phe sản xuất nông nghiệp đang ủng hộ một liên kết với Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi phe công nghiệp lại ủng hộ cho Liên minh hợp tác xuyên Thái Bình Dương. Với việc quá trình hình thành cả hai nhóm kinh tế đang diễn ra song song, có vẻ như Nhật Bản đang cố tìm cách "ngồi vừa trên cả hai chiếc ghế". 

Cũng phải xem xét đến mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong quá trình hình thành hai liên minh này. Trung Quốc đầu tiên sẽ không hưởng lợi từ TTP, do phương châm của liên minh này có tính tới xóa bỏ gần như hoàn toàn mọi loại thuế nhập khẩu. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn chưa sẵn sàng với một chính sách tự do hóa thương mại đúng nghĩa như vậy. Trong khi một thỏa thuận ba bên đạt được trong hội nghị vừa qua tỏ ra mềm dẻo hơn khá nhiều, khi nó có tính trước tới một loạt những "ngoại lệ".

Cần nói thêm, ý tưởng trong tương lai của liên minh mới Trung - Nhật - Hàn còn tính tới khả năng kết nạp thêm 10 quốc gia ASEAN, Australia, New Zealand, thậm chí cả Ấn Độ. Còn sự tham gia của Mỹ không hề được nhắc tới, và chắc chắn Washington sẽ không hài lòng với điều này. Nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích, triển vọng hình thành liên minh kinh tế mới Trung - Nhật - Hàn sẽ còn gặp nhiều trở ngại, không chỉ xuất phát từ các lợi ích kinh tế. Cả Tokyo và Seoul hiện đều bày tỏ quan điểm lo ngại thực sự trước chiến lược phát triển quân sự mới của Bắc Kinh, cũng như các tranh chấp về ranh giới trên biển chưa được giải quyết giữa cả ba bên

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.