Triều Tiên phát tín hiệu nghiêm trọng mới, tạo sức ép ngoại giao tối đa
Nghe thì có vẻ rối rắm nhưng nó phản ánh cách nghĩ của người Triều Tiên, sự thay đổi những ưu tiên khi Triều Tiên đặt ra những yêu cầu dành cho Mỹ và cộng đồng quốc tế để đổi lại phi hạt nhân hóa. Giống như người du mục khát nước chạy theo ảo giác trên sa mạc nhưng khi ảo giác ấy biến mất, các nhà ngoại giao Mỹ thường nhận ra rằng đòi hỏi chủ chốt mà Triều Tiên đưa ra đã biến mất mà thay vào đó là một yêu cầu mới.
Chính vì việc đàm phán cứ rượt đuổi như vậy nên đàm phán Mỹ - Triều vẫn đang đi vào bế tắc và hai bên chưa có được lòng tin ở nhau. Thậm chí, Bình Nhưỡng gần đây còn thực hiện những bước đi liều lĩnh và có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng.
Sức mạnh mang tên SSB
Trong những tuần gần đây, truyền thông Triều Tiên đã công bố hình ảnh về một “chiếc tàu ngầm mới được chế tạo” và các phân tích sau đó của các nhà nghiên cứu và các chuyên gia, cố vấn đưa ra giả thuyết rằng đây là tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Sinpo thứ hai (SSB) có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Nếu đúng là như vậy, Triều Tiên đang cho thế giới thấy rằng họ có thể tiếp tục đạt được những phát triển quan trọng về khả năng hạt nhân chiến lược của mình bất chấp sức ép tối đa và đối thoại ngoại giao ở các cấp cao nhất.
Chắc chắn, Triều Tiên còn một chặng đường dài trước khi SSB mới này chứng tỏ là mối đe dọa tác chiến thực sự. Mối quan tâm của Triều Tiên trong việc phát triển một tàu ngầm tên lửa đạn đạo và năng lực tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đã được biết tới từ nhiều năm.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lực tàu ngầm SSB và tên lửa SLBM, căn cứ vào các nguồn lực giành cho các chương trình này. Nếu tàu ngầm này đi vào hoạt động, SSB sẽ đại diện cho giai đoạn 2 của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Con tàu này nếu ra biển mà không bị phát hiện, có thể làm gia tăng lòng tin của ông Kim Jong-un về khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Có thể nói, các tàu ngầm đã đóng một vai trò quan trọng trong toan tính của Chủ tịch Kim Jong-un. Với khoảng 70 tàu ngầm, Triều Tiên có một trong những đội tàu tấn công và tàu ngầm mini lớn nhất thế giới. Các tàu ngầm này đang cũ đi và, theo hầu hết mọi số liệu, về mặt công nghệ đều thua kém các tàu ngầm của các lực lượng hải quân khác.
Tuy nhiên, trong khi những tàu ngầm này chắc chắn gây tiếng ồn, chậm chạp và không thể lặn từ khoảng cách xa, Triều Tiên đã có thể sử dụng chúng với hiệu quả hoạt động và hiệu quả chiến lược trong quá khứ.
Một “tàu ngầm nhỏ” của Triều Tiên đã đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc hồi năm 2010. Và, năm 2015, giữa lúc căng thẳng gia tăng sau vụ đánh bom ở khu phi quân sự DMZ, Triều Tiên đã triển khai khoảng 70% tàu ngầm của họ (khoảng 55 tàu ngầm) ở phần bán đảo của Triều Tiên trong một màn trình diễn vũ lực khi đang diễn ra các cuộc đàm phán liên Triều nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Những tàu ngầm này sẽ không giành được bất kỳ giải thưởng nào cho tính hiện đại hoặc tàng hình nhưng chúng là một công cụ quan trọng để Triều Tiên đe dọa hải quân và các tàu thương mại hoạt động quanh Bán đảo Triều Tiên. Một SSB được triển khai cùng với các tàu ngầm bổ sung của Triều Tiên hoạt động như một tấm chắn, nằm sát bờ biển Triều Tiên có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un muốn tạo ra những dấu ấn của riêng mình. |
Khép lại cánh cửa đàm phán?
Khi hiện tại đàm phán ngoại giao Mỹ-Triều đang trong tình trạng bế tắc, ông Kim Jong-un có thể sẽ tiếp tục thử thách khả năng chịu đựng của Mỹ đối với việc gia tăng trở lại các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong mùa hè này.
Có lẽ, ông Kim Jong-un muốn gây sức ép đối với Mỹ và Hàn Quốc để có vị thế đàm phán thuận lợi bằng cách tiến hành các vụ thử mới đối với tên lửa Pukkuksong hoặc bằng cách chứng minh khả năng kết hợp của SSB với SLBM.
Những hành động như vậy chứng tỏ Triều Tiên quyết tâm tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt cũng như việc Washington không có lập trường đàm phán cởi mở, linh hoạt hơn. Với việc thử triển khai SSB mới này, cánh cửa đàm phán Mỹ - Triều rất có thể sẽ khép lại.
Những “ý đồ” của Bình Nhưỡng càng thể hiện rõ thông qua chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Triều Tiên và Trung Quốc. Chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã làm gia tăng những mong đợi rằng một hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm diễn ra.
Theo các nhà phân tích chính trị ở Seoul, mặc dù không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra từ cả hai phía liên quan tới vấn đề này nhưng khả năng cao hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau, bởi trong lịch sử cả Trung Quốc và Triều Tiên đều thường xuyên tận dụng mối quan hệ đồng minh giữa hai nước khi họ nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Seoul và Washington đang xảy ra tranh cãi ngoại giao. Hơn nữa, qua đây, Triều Tiên muốn phô trương mối quan hệ đồng minh giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Nếu một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Trung Quốc và Triều Tiên diễn ra, nhiều khả năng ông Kim sẽ thảo luận chiến lược phi hạt nhân hóa của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đối với Trung Quốc, Triều Tiên cũng là một trong những đối tác chiến lược nhất trong thời điểm hiện nay, khi Bắc Kinh đang vướng phải một cuộc chiến tranh tổng lực về thương mại với Washington.