Triều Tiên tuyên bố là “một cường quốc hạt nhân”

Thứ Tư, 15/02/2017, 16:55
Ngày 13-2, Đài phát thanh - truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát một đoạn băng hình về vụ phóng tên lửa đất đối đất Pukguksong-2 mà Bình Nhưỡng thực hiện một ngày trước đó. Triều Tiên tuyên bố loại tên lửa đất đối đất này sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép Bình Nhưỡng bất ngờ phóng tên lửa mà ít có khả năng bị Seoul và Washington phát hiện trước. Sự “thành công” này của Triều Tiên đang gây lo ngại cho toàn bộ khu vực.

Vũ khí nguy hiểm

Theo bình luận của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, vụ phóng tên lửa nói trên là minh chứng cho "khả năng cũng như mức độ đảm bảo an ninh" của một hệ thống phóng tên lửa di động mới, của việc sử dụng nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường cũng như điều khiển tên lửa đạn đạo.

Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã bước vào giai đoạn cuối của việc chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn khẳng định: Triều Tiên đã trở thành “một cường quốc hạt nhân hàng đầu”.

Đánh giá về sự kiện trên, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết, những hình ảnh được phát sóng cho thấy, tên lửa được vận chuyển trên một trong những bệ phóng mới được phát triển trước khi được phóng đi theo một góc gần như thẳng đứng và thay đổi hướng trong khi bay. Công nghệ phóng lạnh cho phép tên lửa được kích hoạt trong quá trình bay sau khi rời bệ phóng.

Quân đội Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể đã vận dụng loại công nghệ được sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới này. Hàn Quốc đánh giá Triều Tiên đang trong tiến trình phát triển một tên lửa đạn đạo với phạm vi tấn công mở rộng đáng kể.

Vậy “hệ thống vũ khí chiến lược mới kiểu Triều Tiên”, cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang ở giai đoạn nào, đang là câu hỏi cấp bách được đặt ra. Hãng tin RIA Novosti dẫn một nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho hay, Pukguksong-2 là loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; tầm bắn khoảng 1.500km. Loại tên lửa này được Triều Tiên nghiên cứu trên nền tảng tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B và biên chế từ năm 1998 tới nay; được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn, tốc độ tối đa 8.650km/giờ, gấp 7 lần tốc độ âm thanh.

Người dân Hàn Quốc theo dõi sát sao diễn biến vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: South China Morning Post.

Tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn, giúp nó có năng lượng lớn hơn, bay được xa hơn. Đặc biệt, nó được phóng bằng phương pháp mới: phương pháp phóng lạnh. Đây là một trong những tên lửa đạn đạo có uy lực và hiệu quả nhất của Bình Nhưỡng, rất khó bị tiêu diệt.

Các chuyên gia quốc tế đều nhận định các tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm cao, tầm xa và tốc độ so với trước đây, và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy những bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa bị cấm của quốc gia này. Một số nhà phân tích nhận định việc Bình Nhưỡng theo đuổi tên lửa nhiên liệu rắn lớn là diễn biến “rất đáng lo ngại”.

“Không dễ để làm cho động cơ nhiên liệu rắn cỡ lớn hoạt động chính xác nên đây quả thật là một bước tiến đáng kể của Triều Tiên”, chuyên gia Jonathan McDowell của Trung tâm Vật lý học thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) nhận định với Reuters.

Vụ thử mới và thế giới “giậm chân tại chỗ” theo cách cũ

Việc Triều Tiên đã phóng thử thành công Pukguksong-2, một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đang làm gia tăng mối đe dọa đối với an ninh, an toàn và lợi ích của nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 13-2 tiến hành họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 13-2 đã lên án mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Trong tuyên bố được đưa ra tại New York, ông Guterres nhấn mạnh: "Giới chức lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cần tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế và tiến tới phi hạt nhân hóa".

Đưa ra quan điểm về vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu nhấn mạnh: "Chúng tôi xem vụ thử tên lửa của Triều Tiên hôm 12-2 là một hành động thách thức và coi thường các quy định được đưa ra trong nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Vụ phóng trên được xem là hành động thách thức tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cam kết có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên khi còn vận động tranh cử. Theo trang Defense One, Washington đang tìm kiếm giải pháp ngăn chặn Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo (ICBM) có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ.

Những lựa chọn như đưa máy bay ném bom hoặc chiến đấu cơ không kích tên lửa trước khi nó được phóng hay việc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ còn nghiên cứu việc bắn laser từ máy bay không người lái để phá hủy tên lửa tại bệ phóng đã được tính tới, tuy nhiên, hành động tấn công trực diện này có nguy cơ dẫn đến một vụ tấn công rốc két trả đũa của Bình Nhưỡng nhằm vào Seoul.

Đề xuất các biện pháp làm giảm căng thẳng tình hình hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev khẳng định: "Các hành động đơn phương được tiến hành bởi Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản sẽ càng làm gia tăng căng thẳng vốn đã ở mức cao".

Bên cạnh đó, ông Kosachev cũng nói thêm rằng bất cứ sự đáp trả nào của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử tên lửa của Triều Tiên cũng nên được tiến hành trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an hoặc cuộc đàm phán 6 bên (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ).

Tuy nhiên, Triều Tiên không muốn đàm phán 6 bên. Bởi Triều Tiên sẽ không tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa. Về cơ bản, các bên đều bất đồng, kết quả là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề Triều Tiên luôn “giậm chân tại chỗ”.

Hoa Huyền
.
.