Trùm phiến quân Libya kiện CIA và MI-6 ra tòa

Thứ Bảy, 15/11/2014, 10:25

Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao Anh hôm 30/10 đã ra phán quyết cựu thủ lĩnh phiến quân Libya Abdel Hakim Belhaj được quyền kiện Chính phủ Anh và các cơ quan tình báo liên quan đến vụ bắt cóc và tra tấn ông ta, trong đó có Cục Tình báo trung ương Mỹ và Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh. Đây là vụ kiện mang tính chất danh nghĩa, thủ tục hơn là vụ tranh chấp quyền lợi giữa các bên liên quan, nhưng đồng thời cũng phản ánh tính chất nghiêm minh của luật pháp đối với các hành động phi pháp, cho dù vì lý do gì.

Belhaj 48 tuổi, hiện là lãnh đạo đảng chính trị Al-Watan ở Libya. Cách đây 20 năm, ông ta từng đến Afghanistan để tham gia cuộc thánh chiến của các nhóm Hồi giáo chống quân đội Xôviết. Năm 1992, Belhaj trở về Libya, đổi tên thành Abu Abdullah al-Sadiq và tham gia vào Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya (LIFG) chiến đấu chống lại ông Gaddafi.

Belhaj đóng vai trò một chỉ huy quân sự trong nhóm LIFG mở cuộc nổi dậy chống chính quyền Gaddafi từ năm 1994, đến năm 1998, cuộc nổi dậy thất bại, LIFG bị quân đội Gaddafi đàn áp tan rã, Belhaj phải bỏ trốn ra nước ngoài.

Theo đơn tố cáo của Belhaj, ông ta và vợ là Fatima Bouchar đã bị CIA bắt cóc tại Trung Quốc vào tháng 1/2004, sau đó được đưa qua Malaysia rồi Thái Lan và sau cùng về đến Tripoli trên chuyến bay luân chuyển của CIA mang số hiệu N313P, bị biệt giam trong nhà tù Tajoura, ngoại ô Tripoli, suốt 7 năm. Trong thời gian tại đây, Belhaj cho rằng CIA và các quan chức an ninh Libya đã dùng các hình thức tra tấn như trói xiềng vào cửa sổ, không cho ngủ,… để khảo cung.

Tháng 3/2010, Belhaj được trả tự do theo lệnh của Saif al-Islam Gaddafi, con trai ông Gaddafi, theo một chương trình "phi cực đoan hóa".

Tháng 12/2011, Belhaj bắt đầu đâm đơn kiện Chính phủ Anh. Trong đó, Ngoại trưởng Jack Straw được nêu đích danh là người phải chịu trách nhiệm do có liên quan trong hoạt động bắt cóc và luân chuyển trái phép Belhaj và vợ ông ta. Ông Straw đã chối bỏ trách nhiệm liên quan. Tháng 12/2013, một thẩm phán Tòa án Tối cao Anh đã tuyên bác đơn kiện của Belhaj.

Vụ kiện của Belhaj có lẽ sẽ không bao giờ được quan tâm và xử lý đến nơi đến chốn nếu không xảy ra biến cố chính trị, quân sự tại Libya năm 2011, khi đó các nhóm phiến quân từ miền Đông Libya, được sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu, đã tấn công đánh chiếm Tripoli, lật đổ chế độ của ông Gaddafi. Trong đống tàn thư vùi lấp trong đống đổ nát năm đó, người ta tìm thấy một kiện tài liệu mật trong đó có các thư tín trao đổi thông tin giữa chỉ huy cơ quan tình báo Libya Moussa Koussa (hiện đã bị bắt giam) với các quan chức tình báo cấp cao của Anh, Mỹ, trong đó nêu đích danh Mark Allen, khi đó là Trưởng bộ phận chống khủng bố của MI6.

Trong các tài liệu có nhiều thư từ và fax dop CIA và MI-6 gửi cho Moussa Koussa có nội dung chúc mừng ông này vì đã bắt giữ được Belhaj. Các tài liệu cũng cho thấy các điệp viên MI6 đã theo dõi và cung cấp cho CIA biết về địa điểm trú ngụ của Belhaj để cơ quan này thực hiện việc bắt cóc và luân chuyển.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw đang đối mặt các cáo buộc trong đơn kiện của Abdel Hakim Belhaj.

Vụ kiện của Belhaj có lẽ sẽ khiến cho Chính phủ Anh và các cơ quan tình báo có liên quan bối rối vì sẽ phải tiết lộ một số bí mật mà họ muốn giữ kín. Hơn nữa, Chính phủ Anh cũng lo sợ nếu vợ chống Belhaj có được tuyền ra toà khởi kiện có thể khiến cho nước Mỹ nổi giận. Chính vì vậy, khi Belhaj tiến hành khởi kiện, Chính phủ Anh đã nỗ lực ngăn cản, kể cả viện dẫn cơ sở pháp lý là "hành động theo học thuyết nhà nước" để ngăn toà án ra phán quyết chấp thuận đơn kiện của Belhaj.

Tuy nhiên, rốt cuộc Toà phúc thẩm Toà án Tối cao Anh quốc vẫn không thay đổi quyết định, bảo lưu quan điểm nạn nhân tra tấn phải được quyền đòi lại công lý cho mình, cho dù người đó là ai. Phán quyết của Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao Anh nêu rõ. Việc điều tra là cần thiết nhằm bảo đảm công lý được thực thi cho nạn nhân tra tấn.

Các luật sư đại diện cho Belhaj tuyên bố ông ta không đòi hỏi mức bồi thường cao, chỉ cần Chính phủ Anh bồi thường... 5 USD kèm theo lời tuyên bố thừa nhận hành động phi pháp của Bộ Ngoại giao Anh và cơ quan tình báo MI-6 trong vụ bắt cóc ông ta, đồng thời phải xin lỗi ông ta một cách công khai và tự nguyện

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.