Trung - Ấn: Nước đi mới trên bàn cờ Nam Á

Chủ Nhật, 09/09/2012, 16:35

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và hầu hết các quốc gia láng giềng đang vướng vấp do tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, đồng thời chuyện Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương đã thành hiện thực, thì thật chẳng mấy khó khăn để đoán được ẩn ý trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong 4 ngày, kể từ ngày 2/9.

Trước hết xin điểm qua quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Trong thời gian gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với nhiều nguy cơ xung đột và thậm chí đã có va chạm xảy ra trong thực tế mà trung tâm ở đây chính là Trung Quốc. Khu vực biển Tây Thái Bình Dương thời gian qua chứng kiến các cuộc tập trận quân sự với cường độ đậm đặc. Những căng thẳng cả về mặt ngoại giao lẫn trên thực địa giữa Bắc Kinh và Manila, giữa Tokyo, Seoul với Bắc Kinh… làm cho châu Á - Thái Bình Dương nổi bật như một điểm nóng của thế giới.

Sự lớn mạnh về mặt kinh tế và quân sự, cũng như chính sách của Trung Quốc với biển Đông khiến không chỉ các nước trong khu vực lo ngại mà cả những cường quốc bên ngoài cũng phải bận tâm. Mỹ chính thức tuyên bố chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh châu Á, ngày 2/6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, số lượng binh sĩ Mỹ và các vũ khí công nghệ cao sẽ được tăng cường tại châu Á Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. Kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á và xa hơn nữa sẽ được tiến hành trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác, chứ Mỹ không xây dựng thêm các căn cứ thường trực mới. Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân của họ tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Đặt chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tới Ấn Độ vào hoàn cảnh như trên ta có thể thấy được nhiều điều. Theo Thời báo Ấn Độ,  về mặt chính thức, mục đích chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Lương Quang Liệt là đưa mối quan hệ quốc phòng còn "mỏng manh" giữa hai nước trở lại quỹ đạo, với việc tăng cường các cuộc trao đổi quân sự, các biện pháp xây dựng lòng tin.

Thời báo Kinh tế (Ấn Độ) số ra ngày 2/9 đi vào phân tích chi tiết khi cho biết rằng, chuyến thăm hiếm hoi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong 8 năm qua tới Ấn Độ sẽ đặt mục tiêu giảm các vụ va chạm dọc biên giới giữa hai nước lớn ở châu Á trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị thay đổi ban lãnh đạo và phải đối phó với mâu thuẫn đang tăng lên ở biển Đông.

Uday Bhaskar - Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại New Delhi - nhận định: "Giới lãnh đạo Trung Quốc đang có một mục tiêu cốt yếu là chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo một cách thuận lợi nhất. Bởi vậy, họ (Trung Quốc) không muốn các xung đột với Ấn Độ gây ảnh hưởng tiêu cực tới giai đoạn quan trọng này".

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Lương Quang Liệt cũng nêu bật sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc đang nổi này trong bối cảnh cả Bắc Kinh và New Delhi đều nỗ lực tranh giành ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên ở châu Á. Theo đó, mục tiêu của chuyến thăm này là trấn an New Delhi về mối lo ngại Bắc Kinh thiết lập vòng cung "chuỗi ngọc trai" bao vây Ấn Độ.

Trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng đầu tư, viện trợ, tăng cường quan hệ với các nước như Pakistan (phía tây Ấn Độ) Maldives, Sri Lanka (phía nam), Myanmar và Bangladesh (phía đông bắc), làm cho New Delhi lo ngại bị Bắc Kinh bao vây. Trước khi tới Ấn Độ, tướng Lương Quang Liệt đã công du Sri Lanka và tuyên bố tại đây rằng, Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với các nước Nam Á và cam kết “củng cố quan hệ chung sống hòa bình hài hòa, hợp tác cùng có lợi với các nước này”.

Tên lửa Brahmos của Ấn Độ được bố trí dọc biên giới phía đông.

Cùng là cường quốc đang trỗi dậy và là láng giềng, Trung Quốc và Ấn Độ có quan hệ khá phức tạp. Trao đổi thương mại song phương phát triển nhanh, nhưng Trung Quốc luôn tỏ ra nghi ngại về việc Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Mỹ. Hơn nữa, ký ức về cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn vẫn còn sâu nặng tại New Delhi. Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành 15 vòng đàm phán cấp cao, nhưng vẫn không giải quyết được các tranh chấp về lãnh thổ trong khu vực Himalaya.

Đối phó với việc Trung Quốc gia tăng viện trợ, đầu tư vào các nước như Pakistan, Maldives, Sri Lanka, Bangladesh, chính quyền Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ với các nước trong khu vực. Dự án hợp tác thăm dò dầu khí Ấn - Việt ở một số khu vực tại biển Đông là một ví dụ cho hướng hợp tác này.

Ông Jayadeva Ranade, một quan chức cao cấp Ấn Độ đã nghỉ hưu, chuyên gia về Trung Quốc nhận định: Trong thời gian qua, việc Bắc Kinh tìm cách thân thiện hơn với New Delhi phản ánh nhận thức của Bắc Kinh cho rằng New Delhi đang hợp tác, giúp Mỹ thực hiện chuyển hướng chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc

M.T. (tổng hợp)
.
.