Trung Đông: Máu đổ trong “Ngày Tai ương”

Thứ Hai, 23/05/2011, 10:35

Ngày 15/5 (Chủ nhật) vừa qua được xem là ngày thành lập Nhà nước Do Thái cách đây 63 năm (tính theo Dương lịch), còn thế giới Arập thì gọi là "Ngày Tai ương" (Nakba Day) để kỷ niệm cái ngày "tai ương" của người Arập đến, ngày hàng trăm người Palestine đã bị Israel thảm sát tại thị trấn Kfar Kassem và hàng trăm ngàn người Palestine khác bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, nơi chôn nhau cắt rốn của mình đi tị nạn khắp nơi để Israel được thành lập.

Nakba Day năm nay, 15 người Palestine đã gục ngã dưới làn đạn của lính Israel trên đường biên giới Israel-Liban. Hàng trăm người khác cũng bị thương ở khắp các quốc gia xung quanh Israel.

Ngày 16/5, Thủ tướng Israel cho báo chí biết, ông đã ra lệnh cho quân đội Israel hành động với sự "kiềm chế tối đa". Tuy nhiên, thực tế thì theo Tân Hoa xã, những gì xảy ra tại vùng biên giới Liban-Israel là một màn bạo lực không tương xứng. Theo tường thuật của báo chí quốc tế, khoảng 50.000 người Palestine từ các trại tị nạn trên đất Liban, có cả hàng trăm người Syria vượt biên sang Liban, đã đổ về các địa phương dọc biên giới Liban-Israel vào sáng sớm 15/5 để tổ chức biểu tình phản đối Israel. Khi một số người biểu tình có biểu hiện trèo qua hàng rào an ninh thì binh lính Israel được trang bị vũ khí tận răng đã xả súng bắn vào đám đông người biểu tình ở bên kia hàng rào biên giới giết chết ít nhất 12 người Palestine, hàng chục người khác cũng bị thương do trúng đạn.

Trong khi đó, ở khu Bờ Tây sông Jordan, đám đông biểu tình tại thành phố Ramallah đã làm giới quan sát nghĩ đến một màn biểu tình phản đối kiểu "cách mạng hoa nhài" đang diễn ra khắp Trung Đông và Bắc Phi. Cuộc đàn áp của quân đội và cảnh sát vũ trang của Israel cũng đã làm 4 người Palestine thiệt mạng, hàng chục người bị thương.

Khắp Trung Đông, hàng ngàn người Arập cũng đổ ra đường phố biểu tình phản đối Israel. Tại Cairo, Ai Cập, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình, đụng độ đã xảy ra làm 120 người bị thương. Quân đội Ai Cập đã phải dựng lên 15 chốt kiểm soát dọc đường biên giới giữa 2 thành phố El-Arish (Ai Cập) và Rafah (Gaza) để ngăn dòng người Palestine từ Gaza đổ sang biểu tình. Còn trên biên giới Syria - Israel trên cao nguyên Golan, hàng ngàn người Syria cũng tổ chức biểu tình phản đối Israel, hàng trăm người đã đạp đổ hàng rào biên giới tràn sang địa phận Israel, nhiều người đã bị bắt. Ở Jordan, hàng ngàn người cũng xuống đường biểu tình để phản đối Israel.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney lại truyền đi thông điệp phiến diện của nước Mỹ đổ lỗi cho Syria kích động vụ phản đối Israel ở biên giới Golan "nhằm đánh lạc hướng dư luận đối với cuộc biểu tình phản đối trong nước". Rõ ràng, với phát ngôn này, nước Mỹ lại cố tình làm ngơ trước những diễn biến thái quá do phía Israel gây ra, nhưng lại đánh đồng những hành động không ăn nhập với nhau từ phía Syria. Báo chí quốc tế có mặt tại hiện trường vụ đụng độ hôm 15/5 đã nói rõ, những người biểu tình ở Syria chỉ thuần túy phản đối người Do Thái nhân "Ngày Tai ương" - ngày thành lập Nhà nước Do Thái. Trong số họ có thể có cả những người Syria tham gia biểu tình chống chính phủ, nhưng họ không phải do Damascus "dàn dựng", như Mỹ và Israel cáo buộc.

Biểu tình có tổ chức chặt chẽ ở thành phố Ramallah.
Lính Israel trấn áp một người Palestine biểu tình ở Bắc Gaza hôm 15/5.

Các vụ đụng độ và biểu tình phản đối Israel khắp nơi trong "Ngày Tai ương" đã nhắc cho thế giới nhớ một thực tế rằng, cho dù Mỹ cố bênh vực Israel, xem các tổ chức Hồi giáo của người Arập là "khủng bố" hay gì khác, thì trong mắt người Arập ở Trung Đông, Israel vẫn là một "tai ương" của họ - kẻ xưa kia đã chiếm đất, giết người của họ, và sau này vẫn luôn mang lại cho họ những bất ổn, xung đột dai dẳng. Khi các cuộc biểu tình bùng phát và lính Israel nổ súng vào người biểu tình, báo chí và giới quan sát quốc tế rất lo ngại vì đây có thể là dấu hiệu lan rộng từ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Trung Đông.

Tờ Time còn ghi nhận các cuộc biểu tình như một sự chuẩn bị cho cuộc nổi dậy (intifadeh) lần thứ 3 của người Palestine. Tuy tình hình hiện tại đã lắng dịu, nhưng các ghi nhận vừa qua cho thấy người Palestine đang sử dụng chiến thuật đấu tranh mới, tương tự như đang diễn ra tại các nước trong khu vực, được tổ chức và phối hợp rất chặt chẽ.

Trong các cuộc biểu tình ngày 15/5 vừa qua, người Palestine đã mang theo khẩu hiệu đòi quyền được quay trở về quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình xưa kia, trước khi người Do Thái đến. Đó là quyền chính đáng, là đòi hỏi hợp pháp của người Palestine, lẽ ra phải được đáp ứng từ lâu, nhưng hiện chưa được Israel trao cho người Palestine.

Chừng nào Israel thôi chiếm đất của người Palestine, ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần đất của Palestine, thôi các hành động bắn giết bừa bãi người Palestine và chấp nhận một Nhà nước Palestine ngay trên phần đất của người Palestine thì chừng đó Israel mới không còn là "tai ương" của người Arập, và hòa bình giữa người Arập với người Israel mới thật sự hiện hữu

Văn Trương (tổng hợp)
.
.