Trung Đông căng thẳng sau vụ nhà khoa học hạt nhân Iran bị sát hại

Thứ Tư, 02/12/2020, 11:02
Vụ sát hại ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, hôm 27-11, chưa tìm ra được hung thủ nhưng đang khiến cho tình hình an ninh, chính trị của khu vực đang trở nên hết sức căng thẳng với việc lãnh tụ tối cao Hồi giáo Iran Ali Khamenei ra lệnh “trừng phạt triệt để” kẻ nào đứng sau vụ sát hại.

“Mệnh lệnh” của Đại giáo chủ Ali Khamenei được đưa ra trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia sau vụ sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, đã làm cho bầu không khí khu vực Trung Đông bỗng trở nên ngột ngạt. Ngày 30-11, Fakhrizadeh đã được tấn phong là “liệt sĩ tử vì đạo” trong một chương trình truyền hình quốc gia sau khi ông được đưa về nơi yên nghỉ.

Trong một bức thư gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, Iran đã trình bày quan điểm về nghi phạm gây ra vụ tấn công và kẻ chủ mưu, trong đó nêu đích danh Israel phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi nói rằng Iran cảnh báo: “Bất kỳ biện pháp phiêu lưu nào của Mỹ và Israel” đối với Iran, đặc biệt là trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Cộng hòa Hồi giáo Iran có quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ người dân và các lợi ích của mình”.

Ông Mohsen Fakhrizadeh.

Ngay sau vụ sát hại ông Fakhrizadeh, truyền thông quốc tế đã nhanh chóng đưa ra giả thuyết về kẻ chủ mưu là ai, mục đích là gì. Truyền thông Mỹ trích dẫn các nhà phân tích cho rằng rất có thể tình báo Israel đã thực hiện vụ tấn công và hành động đó phải có sự bật đèn xanh của Nhà Trắng. Dễ hiểu bởi cách đây vài năm cũng từng xảy ra loạt vụ tấn công bí ẩn sát hại các nhà khoa học hạt nhân của Iran, kể cả các vụ tấn công bằng virus máy tính. Khi đó, Israel và Mỹ đã gián tiếp xác nhận gây ra các vụ việc.

Để “chọc giận” Iran, không gì hiệu quả hơn là tấn công vào các nhà khoa học hạt nhân của nước này. Hành động đó giống như việc tấn công vào mục tiêu quan trọng nhất của Iran để thách thức tính kiên nhẫn của Tehran. Mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công ngày 27-11 được đánh giá là hơn tất cả các vụ tấn công nhà khoa học hạt nhân từ trước đến nay, bởi ông Fakhrizadeh được cho là có vai trò then chốt trong ngành khoa học hạt nhân của Iran và ông cũng được xem là kiến trúc sư trưởng của chương trình nghiên cứu phát triển hạt nhân của Iran. Giới phân tích so sánh vai trò của ông Fakhrizadeh đối với chương trình hạt nhân tương đương với vai trò của tướng Qassem Suleimani trong chiến lược an ninh toàn khu vực của Iran.

Nhưng ông Fakhrizadeh không trực tiếp tham gia các hoạt động thực tế của chương trình hạt nhân, do đó giới phân tích cho rằng mục đích chính là phá hỏng ngoại giao chứ không thể ngăn cản chương trình hạt nhân. Giới truyền thông cũng cho rằng vụ sát hại rất có thể là nhằm ngăn chặn sự trở lại của chính sách ngoại giao đối thoại của nước Mỹ trong thời gian tới, khi ông Joe Biden lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhằm phá hỏng những nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân Iran.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng tuyên bố sẽ quay trở lại bàn đàm phán với Iran về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân nếu Iran quay trở lại chấp hành nghiêm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

“Nói về động cơ hành động, tôi cho rằng kẻ chủ mưu muốn ép Iran có hành động ngu xuẩn khiến cho chính quyền tiếp quản rơi vào thế bị trói tay, không thể tiếp tục theo phương án đàm phán và cải thiện quan hệ với Iran” - nhà phân tích Dina Esfandiary tại tổ chức Century Foundation nhận xét.

Trong một diễn biến khác, ngày 29-11, Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn chính trị cao cấp của Tổng thống Trump, đã cùng vợ, Ivanka, đến Saudi Arabia trong một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng. Mục tiêu của các hoạt động ngoại giao này là giúp Israel xây dựng quan hệ ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran.

Trong tình hình ngoại giao, chính trị khu vực đang căng thẳng sau vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh, sự xuất hiện của Kushner và Ivanka mang một ý nghĩa thách thức xem “Iran sẽ làm gì” sau những tuyên bố cứng rắn của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

An Châu (Tổng hợp)
.
.