Trung Đông hối hả đón “tương lai” nước Mỹ

Chủ Nhật, 22/11/2020, 19:50
Trong tuần này đã có nhiều diễn biến “hối hả” tại Trung Đông, khu vực mang nhiều dấu ấn của Mỹ, trước khi cuộc tranh cãi bầu cử Mỹ chấm dứt, lập nên một chính quyền mới với nhiều chính sách đối ngoại khó lường trước. Những tưởng sự hồi hộp từ kết quả của cuộc bầu cử chỉ xảy ra bên trong nước Mỹ nhưng xem ra, Trung Đông cũng “náo nhiệt” không kém...

Ngày 18-11, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mở rộng danh sách trừng phạt Iran, theo đó 50 công ty Iran, cũng như các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ và Đức bị liệt vào danh sách đen. Bộ Tài chính Mỹ thông báo họ đã “hành động chống lại một mạng lưới hỗ trợ quan trọng với nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, tổ chức Mostazafan, tập đoàn khổng lồ nắm giữ khoảng 160 tòa nhà cao tầng trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế Iran”.

Quân đội Mỹ rút khỏi Syria.

Các công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này thuộc lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, tài chính và du lịch. Thêm vào đó là công ty Thổ Nhĩ Kỳ Turipa và công ty Itritec GMBH của Đức, chuyên về thương mại quốc tế và công nghệ công nghiệp.

Liệu chính quyền ông Trump có đi xa hơn hay không? New York Times nói rằng hôm Thứ năm tuần trước Tổng thống Trump đã rút lại ý định không kích vào các cơ sở hạt nhân Iran vì nguy cơ leo thang. Nhà nghiên cứu Sanam Vakil thuộc Chattam House nhận định Washington có thể tìm cách “khiêu khích” khiến Tehran phải đáp trả. Theo Naysan Rafati, “Iran đang chờ đợi chính quyền ông Trump bắn ra những tràng đạn cuối cùng”.

Theo trang Axios, chính quyền ông Trump muốn áp đặt các trừng phạt mới mỗi tuần một lần, từ nay cho đến ngày 20-1-2021. Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân từ tháng 5-2018 và liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt Tehran khiến kinh tế Iran bị khủng hoảng nghiêm trọng. Để đáp trả, Iran cũng rút khỏi những cam kết và triển khai nhiều dự án làm giàu uranium. Tuy nhiên, ngày 18-11, Iran cho biết sẵn sàng trở lại thỏa thuận và tôn trọng toàn bộ những cam kết về hạt nhân, nếu chính phủ sắp tới ở Mỹ dỡ bỏ mọi cấm vận mà Washington áp đặt từ năm 2018.

Ngoài Iran, ngày 17-11, Lầu Năm Góc thông báo sẽ giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của mình ở Iraq và Afghanistan từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm. Tại Iraq, nơi hiện có khoảng 3.000 lính Mỹ, 500 người sẽ được hồi hương kể từ giữa tháng 12. Thực ra quyết định rút quân chỉ mang tác dụng thông báo phô trương hơn là các tác động thực tế trên bình diện quân sự. Con số 500 quân rất ít so với 2.000 người đã rời Iraq trong những tháng gần đây.

Mức giảm mới này sẽ không thực sự thay đổi cuộc chơi ở Iraq và Mỹ vẫn sẽ luôn luôn có thể cung cấp yểm trợ trên không và thông tin tình báo cho các lực lượng Iraq, hai nhiệm vụ thiết yếu trong cuộc chiến chống lại tổ chức IS mà rất ít quốc gia khác có thể làm. Điều này có thể trấn an các đối tác của Mỹ, ở Bagdad cũng như trong liên quân quốc tế, từng lo ngại trong vài tháng nay là Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng ra khỏi khu vực, như ông Donald Trump đã cho hiểu gần đây.

Ngày 18-11, Mỹ thông báo trừng phạt mạng lưới hỗ trợ quan trọng cho nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, tổ chức Mostazafan.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút 2.000 binh sĩ khỏi Afghanistan, Tổng thư ký NATO đã cảnh báo rằng một sự ra đi vội vàng sẽ “phải trả giá rất đắt”. Jens Stoltenberg gần như đối đầu trực tiếp với Tổng thống Mỹ đương nhiệm, bởi vì nếu NATO rời khỏi Afghanistan thì điều đó phải được thực hiện một cách có phối hợp. Nhưng, ông Trump lại muốn quân đội Mỹ sớm hồi hương.

Mặc dù không đề cập trực tiếp tới số quân ở Syria nhưng theo Sputnik ngày 18-11, quân đội Mỹ đã vận chuyển một số phương tiện quân sự với khoảng 50 binh sĩ từ căn cứ bất hợp pháp của họ ở Al-Malikiyah, Syria, đến khu vực phía Bắc của Iraq lần thứ hai trong 2 ngày qua. Những diễn biến này trùng hợp với các báo cáo truyền thông về ý định của chính quyền ông Trump rút quân khỏi miền Đông Syria, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người đã được thay thế bởi Christopher Miller.

Nhưng, không chỉ Mỹ hối hả, một số quốc gia Trung Đông khác cũng đang tranh thủ “vũng nước đục” này để thay đổi trước khi cho rằng nước Mỹ sẽ có một chính sách đối ngoại mới. Israel hy vọng có thêm ân huệ trong khi các nước Arab chờ thời. Về phía Israel, cây bút xã luận Anshel Pfeffer của tờ Haaretz nhận định: “Người ta không có cùng trọng lượng khi là đồng minh thân cận nhất của Washington, so với lúc bị Nhà Trắng thờ ơ dưới thời Obama”.

Theo các thăm dò thì ông Trump có thể được bầu với 70% số phiếu tại... Israel! Trong suốt nhiệm kỳ của ông Netanyahou, không có quốc gia nào trên thế giới được Washington ưu ái như vậy: cho dời đại sứ quán đến Jérusalem; ngưng viện trợ cho Palestine...

Nhà phân tích David Khalfa cho rằng trong thời gian này càng phải tránh bị coi là vô ơn. Nếu ông Barack Obama từng lợi dụng khoảng thời gian trước khi rời Nhà Trắng để thúc đẩy Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án Israel thì theo Politico, nhóm của Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể chính thức coi nhiều tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch, Amnesty International, Oxfam là “bài Do Thái”.

Di sản quan trọng của ông Trump trong khu vực là đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Sudan. Chuyên gia Khalfa dự đoán: “Ông Trump tuyên bố rằng có 9 nước Arab nữa có thể ký thỏa thuận bình thường hóa nhưng họ không có lợi gì khi thực hiện lúc này. Tốt nhất là chờ chính quyền mới lên để thương lượng như một món quà ra mắt”.

Trong khi đó, sau nhiều ngày tạm ngừng các hoạt động tấn công nhắm vào các lực lượng Mỹ, nhiều nhóm vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn ngày 17-11 đã khởi động trở lại khi bắn 4 tên lửa về phía Vùng Xanh ở thủ đô Bagdad, nơi đặt Đại sứ quán Mỹ.

Một chuyển biến đáng chú ý khác tại khu vực Trung Đông trong thời gian này. ngày 19-11, Iraq và Saudi Arabia đã mở lại các cửa khẩu chính ở đường biên, sau 3 thập niên đóng cửa do cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất. Từ lâu vẫn là kẻ thù, Bagdad và Ryad đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1990, khi quân đội của Saddam Hussein xâm lăng Koweit. Mãi đến năm 2015, đối thoại mới được tái lập.

Giờ đây Saudi Arabia rất muốn đầu tư nhiều hơn vào Iraq và về phía Bagdad, tân chính phủ dường như quyết định chấp nhận lời mời gọi hòa giải. Hơn nữa, Thủ tướng Iraq còn là bạn của thái tử Saudi Arabia và không giấu giếm ý định xích gần lại với vương quốc này, dù có nguy cơ làm mất lòng Iran vốn có ảnh hưởng trải rộng ở tất cả các cấp chính quyền Iraq. Những nhóm vũ trang thân cận với Tehran đã nhanh chóng chỉ trích việc mở lại các cửa khẩu biên giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq không bị lay chuyển, thậm chí còn muốn ký thêm các thỏa thuận khác với Arab Saudi trong tương lai.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.