Trung Đông nóng lên vì vấn đề hạt nhân

Thứ Tư, 20/12/2006, 16:00

Năm 2006, Trung Đông nóng bỏng vì ba cuộc chiến tranh ở Iraq, Liban và Gaza. Nhưng một vấn đề khác - lĩnh vực hạt nhân cũng đang khuấy động bầu không khí vốn đã căng thẳng của Trung Đông.

Trong khi vấn đề hạt nhân của Iran vẫn đang nan giải, chưa có lối thoát khả dĩ có thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế thì khu vực Trung Đông lại nóng lên bởi vấn đề hạt nhân của một số nước khác trong vùng.

Lâu nay, mặc dù người ta đã khẳng định là Israel có vũ khí hạt nhân, nhưng nước này lờ đi việc đó, không công nhận mà cũng chẳng phủ nhận. Do đó, vào tuần trước, việc tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và sau đó là Thủ tướng Israel Ehud Olmert tiết lộ: Nhà nước Do Thái là một quốc gia có vũ khí hạt nhân làm hở chiếc lồng thông tin về vấn đề này. Và mới đây, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đã công khai tham vọng hạt nhân của các nước trong tổ chức này càng làm tăng thêm nhiệt độ bầu không khí an ninh của Trung Đông.

Ngày 11/12/2006, phát biểu trên kênh truyền hình Đức N24 Sat1, ông Olmert nói: “Trong khi Iran đã công khai và dứt khoát đe dọa xóa sổ Nhà nước Do Thái khỏi bản đồ. Liệu bạn có thể nói rằng điều này cùng cấp độ khi họ (Iran) đang khao khát có được vũ khí hạt nhân như Pháp, Mỹ, Nga và Israel?”. Tuy sau đó, người phát ngôn của Thủ tướng Israel Miri Eisin đã phải đính chính rằng, ông Olmert không có ý ám chỉ việc Nhà nước Do Thái nằm trong danh sách các cường quốc hạt nhân, nhưng vấn đề không đơn giản được hiểu như vậy.

Trước đó, trong phiên điều trần trước Quốc hội để được phê chuẩn chức vụ mới, ông Robert Gates đã giải thích động cơ thúc đẩy Iran có được vũ khí hạt nhân. "Họ bị các cường quốc có vũ khí hạt nhân bao quanh - Pakistan ở phía đông, Nga ở phía bắc, Israel ở phía tây và chúng ta ở vịnh Persian".

Năm 1986, các chuyên gia đã kết luận Israel có một kho hạt nhân lớn, đứng thứ 6 trên thế giới. Kết luận trên được đưa ra sau khi Mordechai Vanunu, một cựu kỹ thuật viên tại lò phản ứng chính của Israel, cung cấp hình ảnh và tài liệu cho tờ London Sunday Times. Vanunu bị tù 18 năm do tiết lộ các thông tin trên. Kể từ đó tới nay, Israel được coi là cường quốc vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông. Nước này cũng tiếp tục vận động chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

Đến lúc này, hồ sơ hạt nhân của Iran lại dày thêm và mối lo ngại không chỉ xuất phát từ Washington, Paris, London hay Berlin. Mới đây, ngày 9/12, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố, nước ông bắt đầu lắp đặt 3.000 máy ly tâm tại nhà máy làm giàu uranium ở Natanz, miền Trung Iran. Kế hoạch này đã được Iran công khai tuyên bố hồi tháng 10 và họ còn cho biết công nghiệp làm giàu uranium tại Natanz sẽ cần đến khoảng 54.000 máy ly tâm.

Ahmadinejad - nhà lãnh đạo có nhiều phát biểu gây sốc cho chính trường thế giới - khẳng định, việc làm trên của Iran là bước đi lớn tiến tới sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân và nhiều cơ sở khác của nước này. Tổng thống Ahmadinejad còn nói Iran sẽ tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân sau khi lắp đủ 60.000 máy ly tâm. Tại Tehran, ông Ahmadinejad cũng đã từng khẳng định, năng lực hạt nhân của Iran đã tăng lên gấp 10 lần so với năm trước, bất chấp áp lực của phương Tây.

Các quan chức tình báo Mỹ thì cho rằng, Iran có ít nhất từ 4 đến 9 năm không ngừng theo đuổi khả năng công nghệ đủ để sản xuất hạt nhân cho một loại vũ khí. Do Iran từ chối ngừng làm giàu uranium nên các nước châu Âu và Mỹ đang loay hoay tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt quốc gia cộng hòa Hồi giáo này. Trong khi đó, Mỹ đã đơn phương áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran trên một số lĩnh vực và hiện không có quan hệ ngoại giao với Tehran.

Ngày 11/12, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cảnh báo Tehran sẽ có biện pháp đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp đặt chống các hoạt động hạt nhân của nước này. Tổng thống Ahmadinejad nói: “Chúng tôi xem thái độ đối đầu đối với dân tộc Iran là mang tính thù địch và sẽ có hành động tương xứng. Anh và Mỹ nên biết rằng dân tộc Iran sẽ đạt đến đỉnh của công nghệ hạt nhân mà không hề phải trả giá dù là thấp nhất, và sẽ chinh phục được đỉnh cao này với niềm tự hào”.

Theo giới quan sát, ở Trung Đông, hiện không chỉ có Iran, Israel mà một số nước khác cũng có thể tìm kiếm để có công nghệ này. Người ta cho rằng có ít nhất 6 nước Arập đang phát triển chương trình năng lượng hạt nhân nội địa để đa dạng nguồn năng lượng. Theo tạp chí Kinh tế Trung Đông, Arập Xêút, Ai Cập, Morocco và Algeria đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng hạt nhân, nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay dầu mỏ và để khử muối trong nước biển... Các kế hoạch tương tự của Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Tunisia mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.

Ở Ai Cập, một nước lớn ở khu vực Trung Đông cũng mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng hạt nhân. Điều đáng nói là các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc coi đây là yêu cầu chính đáng và cho biết sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập. Tuy nhiên, một số ý kiến đã tỏ ra lo ngại rằng, mặc dù Ai Cập cam kết chỉ phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng về lâu dài, không ai dám chắc Ai Cập sẽ chỉ dừng lại ở mức độ này.

Trong khi đó, mới đây, các nước Arập tại vùng Vịnh muốn có năng lượng hạt nhân và sẽ xem xét để bắt đầu một chương trình hạt nhân chung. Tuyên bố trên được đưa ra vào hôm 10/12 khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Arập Xêút, Qatar, Bahrain, Oman, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về tham vọng hạt nhân của Iran và sự tiết lộ về việc Israel có vũ khí hạt nhân. Dư luận khu vực Trung Đông có cơ sở khi lo ngại rằng, IranIsrael với vũ khí hạt nhân có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng đất luôn nhiều biến động này

Nguyễn Khắc Đức
.
.