Trung Quốc - Mỹ: Cuộc chiến tranh thương mại đã bắt đầu
Chuyện Mỹ cáo buộc Trung Quốc dìm tỉ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp khiến thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Bắc Kinh ngày càng phình to ra có thể nói là một đề tài "biết rồi khổ lắm nói mãi". Tuy nhiên, nếu như trước đây câu chuyện được chính quyền Mỹ khơi ra đã nhanh chóng chìm vào quên lãng do chưa đúng thời điểm và chưa có sức ép từ Quốc hội, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc này ngày càng bền chặt thì nay mọi chuyện đang diễn tiến theo chiều hướng quyết liệt hơn.
Hai ngày sau đơn yêu cầu của 130 Hạ nghị sĩ Quốc hội, ngày 16/3, 14 Thượng nghị sĩ Mỹ cũng nêu ra vấn đề đồng NDT của Trung Quốc. Như vậy Quốc hội Mỹ đã đạt được sự nhất chí cao của cả hai đảng để đòi chính quyền Tổng thống Obama phải điều tra làm rõ liệu Bắc Kinh có thao túng hối đoái nhằm xuất khẩu hàng qua Mỹ hay không. Nội dung dự thảo luật này yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ phải xác định tình trạng ngoại hối có sự lệch lạc cơ bản hay không. Nếu có, Bộ Thương mại Mỹ sau đó sẽ phải đưa ra các biện pháp trừng phạt như nâng thuế nhập khẩu để trung hòa cạnh tranh bất hợp pháp bằng tỉ giá hối đoái quá thấp.
Ngày 24/3 tới, Hạ viện Mỹ sẽ có phiên điều trần về vấn đề này và yêu cầu hành pháp phải có quyết định từ nay đến giữa tháng 4 tới. Trước đó, ngày 11/3, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu của Ngân hàng Xuất khẩu Mỹ (Eximbank), Tổng thống Obama đã thông báo kế hoạch gia tăng xuất khẩu của nước này trong năm nay. Đồng thời, ông Obama cũng kêu gọi Trung Quốc nên có một chính sách ngoại hối "gần với quy luật thị trường hơn".
Phát biểu trên đồng nghĩa với việc hành pháp Mỹ cũng đang chuẩn bị gây sức ép với Bắc Kinh vì tình hình kinh tế nước Mỹ hiện nay. Cho nên, rất có thể đề nghị của lập pháp Mỹ sẽ dễ dàng được thông qua để các chính khách tranh thủ lá phiếu cử tri vào tháng 11 tới. Mỹ hiện bị nhập siêu hơn 800 tỉ USD và nặng nhất với Trung Quốc. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức rất cao: 9,7%.
Trong bài diễn văn về tình hình liên bang hồi đầu năm, Tổng thống Obama thông báo kế hoạch tăng xuất khẩu gấp đôi từ nay cho đến 2015, nhằm tạo thêm 2 triệu việc làm. 2010 là năm nước Mỹ có bầu cử nên các nghị sĩ phải chứng tỏ rằng họ quan tâm tới việc làm của người dân và quyền lợi doanh nghiệp. Cho nên cả hành pháp và lập pháp Mỹ đều muốn nâng sức cạnh tranh của Mỹ và ngăn ngừa khả năng cạnh tranh của Trung Quốc bằng hối suất thấp.
Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Bush cũng đã từng yêu cầu Bắc Kinh tăng tỉ giá đồng NDT. Từ tháng 7/2005 đến đầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã có điều chỉnh tỉ giá đồng tiền của mình và tổng cộng lên được 20% so với đồng USD. Nhưng đồng USD lại mất giá và cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến Bắc Kinh neo đồng NDT vào đồng tiền Mỹ với tỉ giá thấp để dùng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Và nay vấn đề này lại gây khó khăn cho một nước Mỹ đang cần đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với hàng loạt sự kiện trên tại chính trường Mỹ, một cuộc chiến mậu dịch giữa Bắc Kinh và
Hơn nữa, trong chuyến công du vào tuần tới tại châu Á, Tổng thống Obama sẽ đẩy mạnh việc xây dựng một khu vực tự do mậu dịch khu vực Thái Bình Dương để trung hòa Hiệp ước Mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo giới quan sát, Bắc Kinh cũng đang lo sợ nếu xuất khẩu không tăng. Và nếu nhân lúc này Mỹ nêu lý do xuất khẩu để mở ra chiến lược bao vây Trung Quốc với hàng loạt quyết định gần đây như Mỹ tranh thủ các nước Đông Nam Á và 4 nước trong lưu vực sông Mê Kông hay bán vũ khí cho Đài Loan... thì là điều chẳng hay ho chút nào.
Do vậy, kết thúc phiên họp Quốc hội kỳ 3 khóa 11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói đến ý chí sắt thép của Trung Quốc về các vấn đề Tây Tạng, Đài Loan và cho rằng chính Mỹ mới phải bày tỏ thiện chí thay vì gây mâu thuẫn về mậu dịch và tỉ giá đồng NDT. Như vậy, theo nhận xét của các nhà quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc đều bị động lực nội bộ đẩy tới việc phải đối đầu với nhau. Và trong cuộc chiến này châu Âu đã lên tiếng sát cánh với Mỹ do khối này cũng muốn thoát khỏi trì trệ và những ảnh hưởng của tỉ giá hối đoái quá thấp của đồng NDT.
Hôm 17/3, IMF đánh giá là giá đồng NDT quá thấp. Còn về phía Liên minh châu Âu, đại diện khối này ở Bắc Kinh, ông Serge Abou, ngày 17/3, đã tố cáo thẳng thừng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc: những thủ tục ngày càng phức tạp, mất rất nhiều thời gian, những quy định ưu đãi đối với tập đoàn trong nước. Trong tình hình này, theo ông Serge Abou, các công ty châu Âu ít có hy vọng làm ăn được ở Trung Quốc. Đòn tấn công cuối cùng đến từ WB. Định chế này đã khuyên Bắc Kinh nên để thả nổi đồng NDT. Lập trường của WB có lẽ không làm cho Trung Quốc hài lòng chút nào, nhất là khi ông phó chủ tịch định chế tài chính lại là một người Hoa.
Tuy nhiên, tất cả những đòn tấn công trên không làm Bắc Kinh lo sợ. Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 9,5% trong năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa dạy cho người Mỹ một bài học. Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ trước đây do chính họ gây ra vì thiếu khả năng quản lý nền kinh tế. Việc kinh tế thế giới và Mỹ thoát khỏi báo động đỏ là nhờ vào Trung Quốc, do mức tăng trưởng cao của nước này trong năm 2009. Thâm hụt thương mại của Mỹ hiện nay với Trung Quốc bắt nguồn từ sự toàn cầu hóa: 60% lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là của các công ty nước ngoài có cơ xưởng tại Trung Quốc... Thủ tướng Trung Quốc kết luận: sẽ không có lý do nào để đánh giá lại đồng NDT. Và theo ông việc chỉ tập trung vào đồng NDT sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp thương mại.
Cuộc chiến này sẽ đi về đâu? Theo các nhà bình luận, nếu Trung Quốc không tăng giá đồng NDT, Mỹ sẽ đơn phương áp các biện pháp trừng phạt với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cũng sẽ trả đũa như vụ lốp xe hơi hồi năm ngoái và như vậy cả hai bên đều bị thiệt. Còn nếu Mỹ nhờ IMF, WB hay WTO can thiệp thì xem ra giải pháp này rất khó khả thi vì cơ chế của các tổ chức này.
Mặt khác, khi lấy lòng các nghiệp đoàn hòng nhận được sự ủng hộ đối với các chính sách trong nước, ông Obama lại làm mất lòng Bắc Kinh trong khi Mỹ đang cần Trung Quốc giúp đỡ về những vấn đề như thay đổi khí hậu, thương thuyết về vũ khí hạt nhân với CHDCND Triều Tiên và Iran và vấn đề kinh tế toàn cầu