Trung Quốc: “Một vành đai và một con đường” vây bọc Mỹ Latinh

Thứ Tư, 27/05/2015, 20:35
Ngày 26/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kết thúc chuyến thăm 4 quốc gia châu Mỹ Latinh. Chuyến thăm này của ông Lý đã đem lại những hợp đồng kinh tế lớn chưa từng có cho Trung Quốc nhưng cái quan trọng hơn cả là thực thi sáng kiến “Một vành đai và Một con đường”, một hình thức tăng cường sự hiện diện và sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.

Từ ngày 17/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đi thăm chính thức 4 quốc gia Mỹ Latinh gồm Brazil, Colombia, Peru và Chile. Tại Brazil, Trung Quốc và nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh đã ký kết khoảng 30 thỏa thuận và dự án với tổng giá trị lên tới 50 tỉ USD. Với Colombia, hai nước ký hiệp định tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư, nông nghiệp và viễn thông. Trung Quốc và Peru đã đạt được 12 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và nông nghiệp. Còn ở Chile, Bắc Kinh và Santiago cùng thiết lập văn phòng đại diện của ngân hàng hai nước tại mỗi quốc gia và ký thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần.

Khởi công kênh đào Nicaragua do Trung Quốc làm chủ đầu tư, tháng 1/2015.

Đặc biệt nhất trong chuyến thăm này là việc ký thỏa thuận về nghiên cứu kỹ thuật để xây dựng tuyến đường sắt nối hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trên đất liền xuyên qua lãnh thổ Peru và Brazil.

Chuyến thăm này cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng tại Mỹ Latinh. Vào năm 2013 và 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Mỹ Latinh. Đầu năm nay, Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn của khu vực này, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỉ USD năm 2000 lên gần 275 tỉ USD năm 2013, tăng gần 22 lần. Riêng năm 2014, các thể chế tài chính của Trung Quốc đã cấp hơn 22 tỉ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, vượt tổng số tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - hai nguồn cho vay truyền thống - cấp cho khu vực này.

Đó là những thành tựu kinh tế -thương mại, trong chuyến đi này, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn mang sáng kiến phát triển “Một vành đai và Một con đường” của Trung Quốc đến với châu Mỹ Latinh.

Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribe (Cepal) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), gần 90% đầu tư của Trung Quốc tại Nam Mỹ - từ năm 2010 đến 2013-là để khai thác tài nguyên. Báo cáo LHQ nhấn mạnh: Trung Quốc coi châu Mỹ Latinh trước hết là một nguồn cung cấp tài nguyên.

Theo như Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Đồng Đạo Trì, Trung Quốc đã nhập khẩu đồng của Peru và Chile, đậu nành từ Argentina và Brazil. Bắc Kinh dự trù đầu tư 250 tỉ USD vào châu Mỹ Latinh trong 10 năm tới theo như loan báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến đi thăm vùng này vào tháng 1/2015.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tại Brasilia, ngày 19/5.

Ông Đồng nói rằng, khi đi thăm Brazil, Columbia, Peru và Chile, “chúng tôi hy vọng là thông qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa, Trung Quốc và châu Mỹ Latinh sẽ cùng nhau tăng tiến sự thịnh vượng và phục hồi toàn cầu”. Ông Đồng nói thêm: “Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lý đến 4 nước này, chúng tôi sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng như hợp tác về công nghiệp, hạ tầng cơ sở, vùng mậu dịch tự do, hợp tác kinh tế công nghệ, huấn luyện và hỗ trợ tài chính”.

Theo các học giả châu Mỹ Latinh thì những việc này có thể trở thành một phần của sáng kiến phát triển đầy tham vọng “Một vành đai và Một con đường” của Trung Quốc vào lúc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những quan hệ kinh tế với vùng này.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm củng cố các mối quan hệ của Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi. Đầu tiên được xem như là một mạng lưới các dự án hạ tầng cơ sở vùng, chương trình được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem như là chiến lược kinh tế nội địa và chính sách ngoại giao trọng điểm.

Matt Ferchen, một học giả thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu nói sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể và cuối cùng trở thành một sáng kiến được mở rộng để Trung Quốc và châu Mỹ Latinh khai phá. Ông Ferchen nói: “Có khả năng là các nhà ngoại giao Trung Quốc và các nước châu Mỹ Latinh trong tương lai có thể quyết định về các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh qua sáng kiến này”. Mặc dù sáng kiến “Vành đai và Con đường” không liên hệ đến châu Mỹ Latinh, nhưng ông Ferchen nói: “Có một số tương đồng giữa nhiều việc Trung Quốc sẽ làm tại châu Mỹ Latinh và sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’, nhằm tăng tiến tài chính cho hạ tầng cơ sở và đặc biệt là năng lượng”.

Quách Hải Đào, Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Trường đại học Dầu khí Trung Quốc, nhấn mạnh đến ảnh hưởng kinh tế của chiến lược năng lượng Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh. Dùng Venezuela như một ví dụ, ông Quách nói: “Giữa lúc nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng, là hậu quả của tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, sẽ có nhiều dầu hỏa của Venezuela vào Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề chính trị, đây chính là những lợi ích kinh tế”.

Tuy nhiên những học giả khác không lạc quan như thế về sự mở rộng trong tương lai của Trung Quốc về sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ông Rafael Jimeno, một nhà phân tích chính sách thuộc Datum Analytics, nói châu Mỹ Latinh không phải là một nguyên khối về mặt địa lý chính trị. Ông nói: “Có nhiều quốc gia trong vùng rất mong muốn tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc như là một thách thức đối với ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nước tại châu Mỹ Latinh là những đồng minh chí cốt của Mỹ và các nước này không quan tâm đến việc phát triển những mối quan hệ với Trung Quốc hay không muốn làm như vậy nếu cảm thấy Mỹ không sẵn sàng đón nhận việc này”.

Một số học giả chỉ ra rằng châu Mỹ Latinh có thể không phải là nơi lựa chọn đầu tư lý tưởng của Trung Quốc khi Trung Quốc phải đối phó với một vùng có những khác biệt to lớn về địa lý và văn hóa. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị rất giới hạn tại châu Mỹ Latinh.

Theo ông Matt Ferchen nhận xét là “có những điều không ổn” trong toàn thể các mối quan hệ của Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh. Ông nói thêm: “Có những điều rất thú vị về việc này như là một thời điểm học hỏi đối với Trung Quốc và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại nước ngoài, cách thức Trung Quốc tài trợ các dự án đa dạng, đặc biệt đối với năng lượng và hạ tầng cơ sở. Hiện nay, có nhiều tranh cãi về cách thức làm thế nào Trung Quốc đã quyết định chuyển từ kiểu mẫu tài trợ đơn phương sang kiểu mẫu tài trợ đa phương nhiều hơn và chúng ta chứng kiến việc này trong Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) và một loạt các sáng kiến khác Trung Quốc đang theo đuổi”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.