Trung Quốc - Mỹ: Bước đột phá nhỏ để hóa giải mâu thuẫn lớn

Thứ Hai, 26/06/2017, 10:17
Ngày 21-6, Trung Quốc và Mỹ khởi động cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao đầu tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, mà còn có thể góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cuộc đối thoại mang dấu ấn Donal Trump

Đối thoại an ninh - ngoại giao là cơ chế đối thoại nhằm thay thế cho cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung Quốc được tổ chức thường niên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Đối thoại An ninh - Ngoại giao là một trong 4 cơ chế cấp cao được thiết lập sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ D.Trump diễn ra tại bang Florida hồi tháng 4 vừa qua. 3 cơ chế còn lại là đối thoại về kinh tế; thực thi pháp luật và an ninh mạng; và văn hóa - xã hội.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng chủ trì cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao song phương lần đầu tiên này bên phía nước chủ nhà là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Trong khi đó, đứng đầu phái đoàn đối thoại Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy.

Hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề song phương như hợp tác an ninh - quốc phòng cho tới các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, tình hình Bán đảo Triều Tiên và căng thẳng liên quan tới an ninh hàng hải tại một số khu vực biển tại châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nên rất nhiều công việc quốc tế lớn cần có sự tham gia tích cực của cả hai nước này. Từ cuộc khủng hoảng tại Syria, Iraq, Libya, xung đột tại miền Đông Ukraine, CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, mối đe dọa khủng bố gia tăng... đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ quyết định của Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng hai vị Phu nhân trong cuộc gặp hồi tháng 4-2017. Ảnh: Time Magazine.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Giữa hai nước thường xuyên tồn tại những bất đồng về vấn đề an ninh mạng, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông; hay những căng thẳng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ khiến Trung Quốc quan ngại...

Các tranh chấp trên biển hay những cuộc tấn công mạng - dù cho lực lượng nào làm và nhằm vào nước nào - thì cũng sẽ làm đảo lộn toàn bộ chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, kéo theo những thay đổi đáng kể trong định hướng chiến lược của các nước khác.

Đối thoại Ngoại giao và An ninh Trung-Mỹ tại Washington là sự khởi đầu của một cơ chế đối thoại cấp cao nhằm trao đổi các ý kiến và mối quan tâm giữa hai nước, là ý tưởng được nảy sinh sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 4 vừa qua.

Cơ chế này thay thế cho “đường lối chiến lược” của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ trong giai đoạn 2009-2016 dưới thời chính quyền Obama. Cơ chế cũ này thường bị chỉ trích là tập trung quá nhiều vào phần “lễ”, và bị coi là một công cụ kém hiệu quả, chưa thể tạo ra một sự đồng thuận của hàng loạt quan chức tham gia.

Có thể thấy rõ, tất cả những vấn đề này tuy là vấn đề song phương giữa hai nước song phạm vi ảnh hưởng của nó đã lan ra toàn cầu, bởi cả Mỹ và Trung Quốc giờ đây đã là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, Đối thoại An ninh - Ngoại giao Mỹ - Trung Quốc được xem là nền tảng cần thiết cho cả hai bên trong việc xử lý và giải quyết các tranh chấp bằng cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm một sự đồng thuận nhằm đem lại nhiều lợi ích chung.

Đồng lòng giải quyết vấn đề Triều Tiên

Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã chi phối cuộc Đối thoại An ninh - Ngoại giao lần đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã hối thúc Trung Quốc gây sức ép hơn nữa về kinh tế và ngoại giao nhằm giúp kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ông nhấn mạnh “Trung Quốc cần phải thể hiện trách nhiệm ngoại giao trong việc gia tăng áp lực lên CHDCND Triều Tiên nếu muốn ngăn chặn leo thang căng thẳng ở khu vực này”.

Theo Ngoại trưởng Tillerson, Mỹ ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận về dầu khí, hàng không và xuất khẩu lao động nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu bật tầm quan trọng của một tiến trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược tại Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Tillerson cho biết thêm, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm nay, phát đi tín hiệu rằng, Washington đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh bất chấp những bất đồng liên quan tới vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Hai bên tiến hành đối thoại. Ảnh: South China Morning Post.

Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí, các công ty của hai nước không nên có những hoạt động kinh doanh với các thực thể CHDCND Triều Tiên bị LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt. Tại cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết Mỹ đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với giới chức Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Washington không thay đổi lập trường đối với vấn đề Biển Đông.

Đối thoại để cùng kiểm soát bất đồng

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, cuộc Đối thoại An ninh và Ngoại giao Trung-Mỹ lần đầu tiên sẽ rất cần thiết cho cả 2 bên trong việc xử lý và giải quyết các tranh chấp bằng cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm một sự đồng thuận, trong bối cảnh những khác biệt tiếp tục sẽ tác động tới mối quan hệ an ninh giữa 2 nước.

Trả lời phỏng vấn báo trên, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Đào Văn Chiêu (Tao Wenzhao) cho hay: “Ở mức độ nào đó, cuộc đối thoại DSD này tương tự như Đối thoại 2 + 2 (Bộ trưởng Ngoại giao + Bộ trưởng Quốc phòng) giữa Mỹ với các đồng minh".

Ông Đào Văn Chiêu phân tích, so với các mối quan hệ kinh tế và thương mại, thì quan hệ an ninh hoặc quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang bị thụt lùi, vì vậy cuộc đối thoại lần này có thể được coi như là một "bước đột phá" trong quan hệ an ninh song phương.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu An Cương thuộc Viện Nghiên cứu Pangoal cho rằng do Trung Quốc không phải là đồng minh của Mỹ, nên cuộc đối thoại lần này khác với các cuộc đối thoại 2 + 2 khác. Ông An Cương nói: “Thẳng thắn mà nói, sự bất đồng và mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế hơn hoạt động hợp tác và sự đồng thuận”.

Quan hệ Trung-Mỹ đang gặp thách thức trước những mâu thuẫn liên quan tới một số vùng biển. Ông An Cương nhận định, do những bất đồng vẫn tồn tại, cuộc đối thoại này sẽ rất quan trọng đối với cả 2 bên trong việc quản lý và kiểm soát những bất đồng và giúp giữ cho mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định.

Ông nói: “Trung Quốc và Mỹ cũng đã chia sẻ lợi ích trên nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng, do đó cuộc đối thoại lần này sẽ làm tăng sự đồng thuận và giảm bớt những tính toán sai lầm để tạo ra khả năng giải quyết vấn đề”.

Trong bối cảnh căng thẳng song phương Trung-Mỹ đang gia tăng, cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh này vì vậy được xem là "con đường" để hai cường quốc thế giới duy trì mối liên hệ mật thiết và tránh việc đưa ra những thông tin cũng như phán đoán sai lệch.

Đối thoại này chắc chắn không thể tạo ra được một giải pháp nào đó cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hay xử lý tranh chấp trên một số vùng biển, song có thể sẽ có những tiến triển trong việc thúc đẩy hợp tác tích cực hơn giữa hai nước trong những vấn đề khác, chẳng hạn các biện pháp liên quan đến quân đội hai nước.

Nhật báo Straits Times đã đăng bài viết của ông Bilahari Kausikan - Đại sứ lưu động và là cố vấn chính sách Bộ Ngoại giao Singapore. Theo đó, mối quan hệ Mỹ-Trung đang định hình khu vực Đông Á: nếu quan hệ này ổn định, khu vực sẽ bình ổn; nếu quan hệ này bất trắc, khu vực sẽ náo động.

Thiếu lòng tin chiến lược để hóa giải mâu thuẫn

Quan hệ Mỹ-Trung đã trải qua hơn 40 năm kể từ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon làm biến chuyển bối cảnh chiến lược toàn cầu. Mối quan hệ này là sự tương thuộc phức tạp trên một loạt lĩnh vực. Và mối quan hệ này hiện cũng đang thiếu lòng tin chiến lược sâu sắc. Mỹ và Trung Quốc hiện tìm cách hướng đến một sự nhất trí tạm thời với nhau về khu vực Đông Á.

Do đó, để phác thảo một số vấn đề mà mối quan hệ này phải đối mặt, cần tìm hiểu gốc rễ của sự thiếu lòng tin chiến lược đó. Bằng không, cho dù Mỹ và Trung Quốc có thể phối hợp với nhau tốt như thế nào trong vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố hay tài chính hoặc bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào khác, một trạng thái cân bằng mới ổn định sẽ là khó, nếu không muốn nói là không thể, đạt được. Thậm chí, ngay cả khi sự cân bằng nhất định nào đó đạt được, sẽ rất khó để duy trì nó.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng hai vị Phu nhân. Ảnh: The Australian.

Sự thiếu lòng tin chiến lược chủ yếu được phản ánh trong lĩnh vực an ninh truyền thống, điều này được nhận thấy rõ trong cách nhìn nhận của giới học giả hai bên. Trên thực tế, trong những năm gần đây, giới học giả hai bên không tránh khỏi việc công kích lẫn nhau trong một loạt vấn đề liên quan tới các tranh chấp ở nhiều khu vực biển, hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ví dụ, đối với hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cách nhìn nhận của giới học giả hai nước có sự khác biệt lớn.

Có học giả Mỹ đã chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Mỹ tăng cường thể hiện các cam kết của mình đối trong hiệp ước với Nhật Bản, bày tỏ rõ ràng rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư phù hợp với Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, điều này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc duy trì cục diện hòa bình ở khu vực.

Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc cho rằng hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á là nhằm thực hiện cho những toan tính riêng của Mỹ, trên danh nghĩa là để ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên, song trên thực tế là nhằm vào Trung Quốc. Không chỉ có thế, nội hàm chiến lược đồng minh của Mỹ ở châu Á rất nhỏ, đồng thời có tính chất đối kháng và loại trừ rất rõ, không phù hợp với tình hình phức tạp ở Đông Bắc Á cũng như không đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ về địa chính trị ở khu vực.

Cũng theo giới học giả Trung Quốc, hệ thống đồng minh của Mỹ còn làm cho tình hình khu vực ở châu Á thêm căng thẳng, các đồng minh của Mỹ dựa vào nghĩa vụ của Mỹ trong các hiệp ước để gây hấn, làm cho tình hình khu vực bất ổn.

Tuy nhiên, giới học giả hai nước đều cho rằng Mỹ và Trung Quốc có không gian hợp tác rộng lớn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, phòng chống thiên tai và giảm đói nghèo. Hai bên cần hợp tác. Việc hợp tác trong một số lĩnh vực này có thể giúp hai nước hiểu nhau hơn, cho dù chưa đủ để hóa giải những nghi kỵ trong vấn đề an ninh và chiến lược.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thời gian tương đối dài, và đó cũng chính là trở ngại nghiêm trọng kiềm chế sự phát triển quan hệ song phương.

Hoa Huyền
.
.