Trung Quốc cố làm yên lòng ASEAN

Thứ Tư, 21/10/2015, 17:10
Hai sự kiện quốc tế đáng quan tâm vừa được Trung Quốc tổ chức nhằm trấn an các nước ASEAN. Liệu những lời đảm bảo của Trung Quốc có đáng tin cậy?

Ngày 15/10 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh không chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước thành viên ASEAN tại Bắc Kinh. Sau hội nghị này, hôm 16/10, Bắc Kinh lại tiếp tục chủ trì Diễn đàn Hương Sơn, cũng với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN và mời thêm các nhà phân tích chính trị, các chuyên gia cao cấp về quân sự trên thế giới, để thảo luận về châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề hàng hải và chống khủng bố.

Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng với ASEAN được dư luận hết sức chú ý bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một cuộc họp như vậy. Mặt khác, giữa lúc tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp do việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa, trong khi Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục báo động mạnh mẽ về mưu đồ của Bắc Kinh “quân sự hóa” Biển Đông, dư luận không trông mong gì hơn là Trung Quốc sẽ đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự với các lãnh đạo quốc phòng ASEAN.

Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc tại cuộc họp không chính thức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tại hai sự kiện này, Bắc Kinh đưa ra nhiều điểm để trấn an các nước ASEAN. Hôm 17/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã “giải thích” rằng: “Các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn trái phép chủ yếu được dùng cho mục đích dân sự, nhằm cung cấp các dịch vụ cho tàu thuyền”. Đồng thời, vị tướng họ Phạm cũng cam đoan chúng không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biển Đông và bác bỏ những quan ngại cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố kiểm soát khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Thậm chí, ông Phạm Trường Long còn hùng hồn khẳng định Trung Quốc “sẽ không bao giờ liều lĩnh sử dụng vũ lực, ngay cả trong vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã nêu ra vấn đề “dù Trung Quốc có phát triển quốc phòng lớn mạnh đến đâu thì cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực”.

Đặc biệt, Trung Quốc còn đề nghị các cuộc tập trận chung với các quốc gia ASEAN ở Biển Đông vào năm tới.  Cụ thể, Bắc Kinh đề nghị một cuộc thao dượt về việc thực hiện Quy tắc về những vụ đụng độ không dự kiến trên biển (CUES), cũng như một cuộc thao dượt về tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ thiên tai ở Biển Đông. Nhưng theo giới quan sát, một cuộc tập trận chung ASEAN - Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay sẽ rất phức tạp, nhất là nếu cuộc tập trận này diễn ra ở khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở Trường Sa của Việt Nam.

Không chỉ là một cử chỉ nhằm tỏ thái độ hòa hoãn với các láng giềng Đông Nam Á, Bắc Kinh còn “chiêu dụ” các nước ASEAN “vào thuyền” với mình để đối đầu với Mỹ. Tướng Thường Vạn Toàn trong phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn nhấn mạnh đến khái niệm an ninh mới của Trung Quốc, cũng như những định chế mới để thay thế cho cơ chế liên minh của Mỹ ở châu Á gồm hợp tác trong các lĩnh vực hoạt động nhân đạo, chống cướp biển, chống khủng bố và giải quyết các tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại diễn đàn Hương sơn, Bắc Kinh, ngày 16/10.

Các nhà phân tích nhận định: vào lúc mà Mỹ kiên quyết không để cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng cản trở tự do lưu thông trên Biển Đông, Bắc Kinh rõ ràng là cố lôi kéo các nước ASEAN vào một mặt trận chung để đối đầu với Mỹ, với danh nghĩa tăng cường quan hệ quốc phòng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ bị Bắc Kinh dụ dỗ. Trong phát biểu đọc tại Diễn đàn An ninh Hương Sơn, tướng Zulkefli Modh Zin, Tư lệnh Quân đội Malaysia nói rằng, những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo mà Trung Quốc cho thực hiện ở Biển Đông là hành động khiêu khích phi lý và phi pháp.

Tướng Zin cũng nhắc lại Bắc Kinh từng nói hoạt động của họ chỉ nhắm vào mục đích dân sự, nghiên cứu hàng hải, hỗ trợ cứu nạn và giúp tàu thuyền đi lại trong vực được an toàn hơn, nhưng bản thân ông nghi ngờ mục đích của Trung Quốc, và ông nói thêm là thời gian sẽ cho thấy mục đích thực sự của Bắc Kinh ở khu vực đảo nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền.

Khi được mời phát biểu trong một cuộc thảo luận tại diễn đàn, Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cũng nói rằng, Mỹ và nhiều quốc gia khác quan ngại trước việc Trung Quốc xây hải cảng và sân bay ở Trường Sa, thắc mắc là những cơ sở Trung Quốc mới xây dựng xong sẽ giữ vai trò gì về quân sự. Đô đốc Roughead cũng nhắc lại việc Trung Quốc sẽ đưa người ra Trường Sa du lịch, nhưng theo lời ông, khu vực này chẳng có điểm gì để hấp dẫn du khách.

Về phần mình Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein cho rằng, tuy tuyên bố của tướng Phạm Trường Long làm yên lòng tất cả mọi người, nhưng theo ông cách tốt nhất là phải hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng cho hay đã được Mỹ trình bày kế hoạch mà Washington muốn thực hiện, bày tỏ quan tâm của ông về những va chạm có thể xảy ra giữa 2 cường quốc Mỹ - Trung, vì đó là những điều mà ông gọi là ngoài tầm kiểm soát của các nước nhỏ.

Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin chỉ trích mạnh mẽ những gì Trung Quốc làm trên Biển Đông.

Nhà phân tích Kim Fassler, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Trung Quốc tốt nhất nên để Diễn đàn Hương Sơn duy trì được bản chất vốn có là “một cuộc đàm luận 2 chiều thẳng thắn”, thay vì Bắc Kinh cứ khăng khăng áp đặt quan điểm đơn phương của mình. Còn AFP thì nhận định Bắc Kinh đang cố gắng phân trần rằng, việc họ bồi đắp, xây dựng trên các đảo đá chìm thuộc khu vực Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không làm cho tình hình nguy hiểm và nhất là không làm cho tự do hàng hải tại Biển Đông bị đe dọa.

Theo Navy Times, nếu tin vào những giải thích bao biện, tin vào sự “vỗ về” của Trung Quốc mà Hải quân Mỹ hoặc các đối tác khác không hành động để tỏ rõ quan điểm với các yêu sách chủ quyền, cũng như đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông, thì chẳng khác nào công nhận chúng là hợp pháp và mặc nhiên để Bắc Kinh tiếp tục có những hành động coi thường luật pháp quốc tế và thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, khống chế vùng biển chiến lược này.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.