Trung Quốc cuống cuồng trước ngày phán xét

Thứ Năm, 12/05/2016, 15:45
Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye dự kiến trong tháng 5 hoặc tháng 6 này sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông qua đường 9 đoạn. Bắc Kinh đang cảm thấy bất an vì một loạt nước phương Tây đã kêu gọi Bắc Kinh hãy tuân thủ phán quyết của tòa án.

Theo AFP, có lẽ Trung Quốc e sợ áp buộc họ phải “thượng tôn pháp luật”, nên Bắc Kinh đối phó bằng cách tấn công trước bằng vận động ngoại giao.

Japan Times cho biết, trong hai tuần vừa qua, Bắc Kinh đã thu được một số thành quả trong chiến thuật lôi kéo một số quốc gia ủng hộ lập trường chống “quốc tế hóa” hồ sơ Biển Đông.

Nỗ lực chiêu dụ của Bắc Kinh được khởi động từ tháng 4-2016, nhân một cuộc họp tay ba cấp ngoại trưởng của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Lần đầu tiên một bản thông cáo chung về Biển Đông được công bố, nhưng với nội dung hoàn toàn là một bản sao của lập trường Trung Quốc: giải quyết xung khắc bằng đàm phán song phương giữa hai bên có liên can.

Trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới, tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye sẽ ra phán quyết về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.

Vài ngày sau, Bộ ngoại giao Trung Quốc ra thêm một bản thông cáo cho là ba nước Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Brunei đồng thuận với Trung Quốc(?). Ngay lập tức, Phnom Penh cải chính. Phát ngôn viên Chính phủ Campuchia tuyên bố hoàn toàn “không thảo luận, không thỏa hiệp” gì với Trung Quốc, khi Ngoại trưởng Vương Nghị đến vận động.

Cũng trong chiến thuật hóa giải mọi chống trả trong khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 28-4, đề nghị thăm dò “cách tiếp cận mới về an ninh khu vực”, để thay thế điều mà ông gọi là “tư duy lỗi thời” dựa trên một liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Và sau khi đã xây dựng một loạt đảo nhân tạo lấn chiếm của Việt Nam và Philippines để làm tiền đồn, trong bản tin của Tân Hoa Xã ngày 28-4, Bắc Kinh đưa ra “sáng kiến hợp tác quốc tế” đặt trên nền tảng “đối tác giữa Trung Quốc, ASEAN và Đông Á”.

Hôm 29-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo với Chính phủ Mỹ về quyết định không cho hải đội do hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis chỉ huy ghé nơi từng là thuộc địa Anh này, theo lời bà Darragh Paradiso, một nữ phát ngôn viên của tòa Tổng Lãnh sự Mỹ ở Hong Kong.

Đây là lần đầu tiên một chiến hạm của Mỹ bị Bắc Kinh từ chối cập bến cảng Hong Kong từ tháng 8-2014.

Bên cạnh đó, trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục các hành động tăng cường kiểm soát Biển Đông. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 25-4 đã trích dẫn một nguồn tin quân sự và chuyên gia hàng hải của Trung Quốc đại lục cho biết, nước này sẽ bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines ở Biển Đông vào cuối năm nay và có thể xây trên đây một đường băng để mở rộng tầm với của lực lượng không quân Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này.

Trong khi đó, trên các hòn đảo Trung Quốc đã cải tạo xong, hôm 22-4, Hoàn cầu Thời báo đăng bài nói rằng Trung Quốc sắp xây các “cơ sở điện hạt nhân trên biển” có thể sử dụng để hỗ trợ cho các công trình ở Biển Đông có nhiều tranh chấp. Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc liên tục thử tên lửa như một hành động răn đe các nước trong khu vực.

Dù quốc tế đã kêu gọi Bắc Kinh chấp hành phán quyết, Trung Quốc nói rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết mà dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Theo các chuyên gia, việc tòa trọng tài ở La Haye sắp ra phán quyết đang làm cho Bắc Kinh khó chịu.

Giáo sư quan hệ quốc tế Thi Ngân Hồng tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nói: “Người ta tin rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc, và có những lo ngại rằng các nước khác như Mỹ và Nhật sẽ nhân cơ hội này thách thức thêm đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực”.

Giáo sư Thi tiên liệu Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách bắt đầu bồi đắp bãi Scarborough gần Philippines. Đang có những dấu hiệu củng cố cho nhận định này.

Quan chức ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (giữa) tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc về thực thi DOC tại Singapore ngày 27-4.

Trong khi chờ phán quyết và cảnh giác với các hành động của Trung Quốc, các nước khác có tuyên bố chủ quyền đang tìm cách mua sắm vũ khí mới để đối phó với Trung Quốc. Trong một bài viết được Forbes Asia đăng tải hôm 28-4, cây viết Ralph Jennings, người theo dõi Trung Quốc và Đài Loan trong nhiều năm, cho rằng Tòa La Haye được nhiều người trông đợi sẽ đứng về phía Philippines.

Trung Quốc tin rằng tòa không có đủ thẩm quyền để phán quyết. Trung Quốc đưa ra đường 9 đoạn, để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng đòi hỏi này của Trung Quốc là lớn hơn rất nhiều theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

 Nhận định về tình hình sau khi có phán quyết, cây viết Ralph Jennings cho rằng việc sử dụng Biển Đông với những tranh cãi đi kèm sẽ vẫn diễn ra như trước đây. Không nước nào trong số 6 nước đòi chủ quyền sẽ thay đổi quan điểm cũng như không sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền. Điều đó có nghĩa là việc đánh bắt cá, khoan dầu khí và vận tải biển sẽ tuân theo nguyên trạng, theo nguyên tắc ai đến trước sẽ giành được quyền trước.

Manila sẽ được công chúng trong nước và các nước khác ca ngợi. Trung Quốc sẽ tức giận và tỏ ra thách thức, tiếp sau đó, họ có thể nhanh chóng cho máy bay hạ cánh hay bồi đắp một thực thể ở vùng biển. Các quan chức Trung Quốc có thể phản đối nhiều bên, từ Manila cho đến Washington, thậm chí ngay cả tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Sean King, Phó giám đốc hãng tư vấn Park Strategies ở New York, nhận định: “Bắc Kinh sẽ thể hiện cơn thịnh nộ tối đa về phán quyết, từ chối công nhận giá trị của nó. Việt Nam và các nước khác sẽ lịch sự hoan nghênh một phán quyết có lợi cho Manila, vì phán quyết sẽ làm mất thể diện của Trung Quốc một chút, trong khi làm tăng vị thế của các nước kia đối với Bắc Kinh”.

Nhận định về tương lai tại Biển Đông, tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra trong hai ngày 6 và 7-5 ở trường Đại học Yale (bang Connecticut, Mỹ), các chuyên gia dự báo "tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp hơn". Những động thái của phía Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo, đang ngày càng cho thấy rõ ý đồ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông của nước này.

Các chuyên gia lo ngại và lên án những hành động quân sự hóa các bãi đá, đảo đá của Trung Quốc và coi đây là động thái làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

M.Thạch (tổng hợp)
.
.