Trung Quốc đang biện hộ cho hành động bất minh

Thứ Bảy, 24/08/2019, 11:11
Biển Đông dậy sóng bởi những hành động khiêu khích tiếp diễn của Trung Quốc tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong bối cảnh này, càng cần phải hành động với trái tim nóng và cái đầu lạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo hòa bình cho toàn khu vực.

Theo trang mạng chuyên cập nhật tình hình Biển Đông IndoPacific_SCS_Info, ngoài việc đưa con tàu thăm dò Hải Dương 8 với tổng trọng tải 6.918 tấn trở lại Bãi Tư Chính vào ngày 13-8, Trung Quốc còn thay thế tàu hải giám 35111 bằng tàu 45111 đến khu vực gần Lô 06.1, bể Nam Côn Sơn, phía Tây Bắc Bãi Tư Chính, nơi hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 của Nhật Bản và Công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) mà Chính phủ Việt Nam vừa cho phép gia hạn hoạt động cho đến hết ngày 15-9.

Cho tới nay Việt Nam vẫn kiên trì nguyên tắc “sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền chủ quyền”. Tuy nhiên, bằng cách tạo ra các căng thẳng mới ở Biển Đông, Trung Quốc đang muốn gây sức ép với các công ty nước ngoài đầu tư vào khu vực này.

Theo thông lệ quốc tế, khi hai quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, hai quốc gia này có thể tiến hành các hoạt động phát triển chung trong khu vực chồng lấn cho đến khi các tranh chấp được giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp Bãi Tư Chính của Việt Nam, đề xuất của Trung Quốc về phát triển chung trên biển chỉ là một nỗ lực nhằm thao túng các tập quán quốc tế để biến các vùng biển không bị tranh chấp thành bị tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Bên cạnh đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đánh dấu sự leo thang rõ ràng về quân sự hóa trong khu vực. Các cuộc tập trận cùng với các cuộc thử nghiệm tiếp theo về tên lửa chống hạm trên đất liền là một màn phô trương có chủ đích về sức mạnh hải quân của Trung Quốc và được “thiết kế” nhằm đưa ra thông điệp hăm dọa.

Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc đang sử dụng “chiến lược bắp cải” để bành trướng trên biển, bằng cách bố trí nhiều lớp an ninh bao quanh một khu vực để ngăn chặn sự tiếp cận để cuối cùng, sẽ tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với khu vực lãnh thổ. Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc triển khai đội “dân quân đánh cá” để quấy rối ngư dân các nước khác.

Các tàu đánh cá được chính phủ trợ cấp và được huấn luyện về quân sự này thu thập thông tin về các tàu nước ngoài và đã tham gia giải cứu các tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc bị bắt giữ bởi các chính phủ nước ngoài. Việc triển khai tàu Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính được đánh giá là việc thành lập một lớp bao vây mới trong “chiếc bắp cải an ninh” của Trung Quốc.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, phía Việt Nam đã nói rõ nhiều lần, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nam Sơn
.
.