Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm cảng biển ở châu Âu
- Chứng khoán Trung Quốc "mất trắng" 514 tỷ USD vì đòn thương mại của Mỹ
- Mỹ - Trung Quốc tiến gần hơn tới chiến tranh thương mại
Các cảng biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của châu Âu khi có tới 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu chuyển qua đường biển. Các cảng biển ở châu Âu cũng đang tạo ra 1,5 triệu việc làm, xử lý khối lượng hàng hóa trị giá 1.700 tỷ euro.
Gần đây, các cảng biển ở châu Âu thu hút sự chú ý của các tập đoàn Trung Quốc, khi Trung Quốc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” - (BRI).
Trong thập niên qua, các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đã mua cổ phần tại 8 cảng biển ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Nhìn chung, các công ty nhà nước của Trung Quốc vẫn nắm vai trò chủ đạo trong chiến lược đầu tư vào hệ thống cảng biển ở châu Âu. Đi đầu là công ty COSCO Shipping, doanh nghiệp vận tải biến lớn nhất của Trung Quốc, tập trung vào thâu tóm cảng biển tại những điểm nút quan trọng trên các tuyến vận tải biến. Năm 2008, COSCO đã mua lại quyền khai thác, vận hành cảng Piraeus của Hy Lạp.
Với vai trò là đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn hàng đầu thế giới, những dự án đầu tư vào cảng biển của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho các nước châu Âu. Ngoài việc mang lại kỹ năng, công nghệ quản lý cảng, các nhà đầu tư Trung Quốc thường đi kèm với việc xây dựng những khu công nghiệp và kế hoạch phát triển cho những khu vực xung quanh các các biển. Đấy là điều mà các nước có cảng biển ở châu Âu mong muốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Sáng kiến “Vành đai - Con đường” và các cảng biển mà Trung Quốc có cổ phần ở châu Âu. |
Sau khi COSCO giành quyền phát triển và vận hành cảng biển Piraeus, với sự đầu tư vào công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảng Piraeus đã có sự tăng trưởng chưa từng có những năm sau đó. Trong vòng 6 năm, lưu lượng hàng hóa qua cảng biển này tăng hơn 300%.
Năm 2013, cảng Piraeus được kết nối với hệ thống đường sắt Hy Lạp, mang một làn gió mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của châu Âu. Dự án thiết lập các tuyến đường sắt mới nối cảng Piraeus với vùng Balkan phía Tây và Bắc Âu đã tạo ra sức sống cho tuyển đường thương mại quan trọng của châu Âu. Các tuyến đường bộ - đường biển được xây dựng mới thực sự đã giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và EU xuống còn 8-12 ngày.
Việc tăng cường kết nối cảng Piraeus với các tuyến đường sắt ở đất liền đã thu hút các công ty lớn đến Piraeus. Hewlett Packard (HP), Hyundai và Sony đều quyết định mở các trung tâm logistics tại Piraeus và sử dụng cảng biển này làm trung tâm phân phối chính cho các chuyến hàng đến miền Đông và trung tâm châu Âu, cũng như Bắc Phi.
Cảng Piraeus là trường hợp điển hình cho thành công trong chiến lược đầu tư chú trọng vào cảng biển của Trung Quốc ở khu vực châu Âu thời gian qua. Để đạt được những kết quả đó, có sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc. Chỉ tính trong năm 2016, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã hỗ trợ 12,6 tỷ USD cho các dự án BRI.
Theo các phân tích, không phải ngẫu nhiên mà tăng cường đầu tư hạ tầng cảng biển ở châu Âu, chiến lược đầu tư của Trung Quốc rõ ràng xuất phát từ lợi ích kinh tế của nước này. Nền kinh tế Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với thương mại toàn cầu, Trung Quốc hiểu rằng để tăng cường mở rộng ảnh hưởng thương mại toàn cầu, việc đẩy mạnh đầu tư vào cảng biển nước ngoài là cần thiết.
Bên cạnh đó, những lợi ích chiến lược từ việc mở rộng đầu tư cảng biển là động lực để Trung Quốc chú trọng hơn đầu tư vào cảng biển trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng. Theo đó, cảng Piraeus được xem là nằm trong mối quan tâm về mặt quân sự sau khi đã tiếp nhận những chuyến thăm quy mô từ phía hải quân Trung Quốc.
Đối với châu Âu, quan hệ kinh tế với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế các nước châu Âu. Giới chức lãnh đạo và các học giả châu Âu cho rằng, dù châu Âu có muốn hay không thì hiện tại và tương lai gần Trung Quốc vẫn sẽ là siêu cường về thương mại, thậm chí là siêu cường số một thế giới. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc sẽ là lựa chọn khôn ngoan, đảm bảo cho lợi ích kinh tế của châu Âu trong tương lai.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã gây ra nhiều nghi ngại cho các nước châu Âu. Pháp và Đức là điển hình trong số các quốc gia còn do dự khi tham gia BRI. Dù vẫn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc tăng cường hợp tác EU - Trung Quốc, song Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn quan ngại trước Sáng kiến của Trung Quốc khi cho rằng “những con đường mới không có nghĩa là sẽ định hình quyền bá chủ mới” và “điều này không thể diễn ra một chiều”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel có quan điểm tương tự, khi nghi ngại rằng quan hệ kinh tế sẽ được liên kết với các nhiệm vụ chính trị trong Sáng kiến của Trung Quốc.
Liên minh châu Âu đã phải gia tăng các biện pháp kiểm soát hoạt động đầu tư của Trung Quốc. EU hiện đang tích cực để đề ra khuôn khổ cơ chế sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tháng 9-2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề xuất một đạo luật chung áp dụng cho toàn bộ các nước EU, trong đó ngăn chặn việc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Trước đó, tháng 7-2017, Chính phủ Đức đã ra một luật riêng của nước này về đầu tư nước ngoài, trong đó cho phép Chính phủ Đức thời hạn 4 tháng để xem xét có thông qua hay không thương vụ mua bán một công ty Đức trong những ngành công nghiệp chiến lược. Ngoài ra, Pháp và Italy cũng đang ráo riết vận động EU sớm cho ra đời luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành chiến lược.