Trung Quốc hứng búa rìu tại ASEAN về Biển Đông
Hội nghị Thượng đỉnh G20 kết thúc tại Trung Quốc ngày 5-9 mà không có nhiều tranh luận cũng như tuyên bố về Biển Đông do từ khi chuẩn bị cho hội nghị này, Bắc Kinh đã “rào” rất kỹ. Hơn nữa, ngay từ đầu Trung Quốc đã hướng dư luận quốc tế vào sự cố đón tiếp Tổng thống Obama ở sân bay Hàng Châu, thành thử trong suốt hai ngày diễn ra hội nghị G20, truyền thông quốc tế tràn ngập chuyện ông Obama bị “khinh rẻ” ở Trung Quốc mà không chú tâm nhiều vào chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ngay sau đó tại Lào, vấn đề Biển Đông trở thành đề tài tranh luận chính và mọi mũi dùi đều hướng về Trung Quốc trong các phiên thảo luận. Nổ phát pháo đầu tiên về vấn đề an ninh Biển Đông là phái đoàn Philippines trong ngày đầu của Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane. Philippines trưng ra các tấm không ảnh chụp bên trên vùng bãi cạn Scarborough bị hải quân Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012.
Đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Vientiane (Lào) ngày 8-9. |
Tuy đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa có phi đạo cho máy bay quân sự và gắn hải đăng, nhưng Bắc Kinh khẳng định chưa xây dựng gì trên bãi cạn Scarborough mà họ gọi là Hoàng Nham. Thế nhưng, Manila trưng bày hình chụp cho thấy có nhiều tàu có khả năng nạo vét và các hoạt động cần thiết để xây dựng một đảo nhân tạo chỉ cách đảo Luzon của Philippines 140 hải lý, nơi có hai căn cứ đóng quân của Mỹ.
Theo các chuyên gia quốc phòng, nếu Trung Quốc xây xong đảo nhân tạo tại Scarborough thì điều này sẽ làm thay đổi cục diện Biển Đông trong tiến trình chinh phục của Bắc Kinh và làm tăng thêm xác suất xảy ra đụng độ với Hải quân Mỹ. Từ căn cứ tiền đồn này, các giàn tên lửa và chiến đấu cơ của Trung Quốc sẽ áp đảo lực lượng Mỹ đóng tại Philippines một cách dễ dàng.
Sau Philippines, Tổng thống Mỹ Obama vào cuộc. Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Lào, ông Obama muốn đặt vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trở thành trọng tâm trong lịch trình làm việc của hội nghị trong ngày 8-9 mặc dù nguyên thủ nhiều nước khác lại chỉ muốn phản ứng “một cách nhẹ nhàng” với Trung Quốc trong vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo rằng mọi tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình”, ông Obama nói trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hồi tháng 7 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông là “có tính ràng buộc, giúp làm rõ các quyền hàng hải ở khu vực”.
Ông Obama yêu cầu Trung Quốc tuân thủ pháp luật và không tiến hành các biện pháp đơn phương có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng. Tổng thống Obama nói rằng, Mỹ muốn tham gia cùng với các nước Đông Nam Á giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao cũng như sự ổn định của khu vực.
Ngày 8-9, tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) có sự tham gia của các nước ASEAN và Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Trung tổ chức vào tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông.
Trước đó, trong Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh tính quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp phải dựa trên luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên đương sự bao gồm Trung Quốc và Philippines cần tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã phủ nhận lập trường của Trung Quốc liên quan tới “đường chín đoạn” tại Biển Đông.
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29, tại các cuộc hội đàm riêng rẽ với các nước như Philippines, Lào, Australia, Việt Nam... ông Abe kêu gọi các nước đoàn kết, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết từ Tòa Trọng tài. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan, lãnh đạo các nước đã chia sẻ mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông...
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Vientiane, Lào, ngày 8-9. |
Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29 nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết kiềm chế trong việc thực thi các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Chúng tôi tái khẳng định sự tôn trọng cũng như cam kết đối với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông được công nhận bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đồng thời giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình mà không cần đến đe dọa hay sử dụng vũ lực”.
Cho dù bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN không lên án Trung Quốc đe dọa hòa bình tại Biển Đông, và không nhắc đến phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc, nhưng hành động lấn chiếm biển đảo và thái độ xem thường luật pháp đã khiến cho Bắc Kinh bị chỉ mặt nhiều lần ở hội nghị lần này.
Bản thông cáo chung của ASEAN, do nội bộ chia rẽ vì thái độ bênh vực Trung Quốc của ít nhất hai thành viên là Campuchia và Thái Lan, không chỉ trích đích danh Trung Quốc nhưng xác nhận là “có một số lãnh đạo quan ngại sâu xa vì những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ”. ASEAN cũng cảnh báo “căng thẳng sẽ tăng cao nếu hành động đắp bồi đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn”.
Trong bài xã luận đăng ngày 8-9, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã giở giọng ngạo mạn cho rằng Trung Quốc đã thắng lợi về ngoại giao khi tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 đề cập đến vấn đề Biển Đông nhưng không nhắc đến phán quyết trọng tài.
Thủ tướng Australia Turnbull cảnh báo khủng bố đánh bom ASEAN Chiều 7/9/2016, trong phiên thảo luận về an ninh với các nhà lãnh đạo đang dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lên tiếng cảnh báo rằng, khủng bố sẽ tổ chức đánh bom tự sát tại Vientiane. Ông thông báo muốn mở rộng các hiệp định chống khủng bố của Australia với Indonesia, Malaysia và các nước láng giềng khác và Australia sẽ trợ giúp các nước ASEAN trong nỗ ngăn chặn có hiệu quả những cuộc tấn công khủng bố của những thành viên Tổ chức Nhà nước tự xưng (IS) nhắm vào khu vực ASEAN. Thủ tướng Turnbull cho rằng, mối đe dọa như vậy cần phải được xem xét nghiêm túc trong bối cảnh sau khi IS thất bại trên chiến trường Iraq và Syria vì lãnh thổ của IS đang bị thu hẹp lại, chúng sẽ hướng các hoạt động khủng bố bên ngoài Trung Đông. Ông cũng khẳng định rằng, những chiến binh IS sẽ tấn công khủng bố theo kiểu “con sói đơn độc”, như đã từng thực hiện thành công tại Bỉ, Pháp, hai thành phố lớn của Australia là Sydney và Melbourne. Ông nói: “Chúng ta phải rất cảnh giác trước hành động của những kẻ tấn công đơn độc vì nhiều lý do, có thể là cực đoan. Hiện Chính phủ Australia đang tiến hành những biện pháp ngăn chặn các chiến binh nước ngoài có thể được tuyển chọn từ Đông Nam Á và Australia”. Vào năm 2015, trước khi rời nhiệm sở, Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng đã khuyến cáo về những vụ đánh bom tự sát xuất phát từ IS. Sau đó, cụ thể hơn, Mỹ và Australia cảnh báo về một vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Đại sứ quán Mỹ và Australia tại Malaysia đã từng lên tiếng cảnh báo về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra tại một con phố nổi tiếng ở thủ đô, và cảnh sát địa phương đã bắt giữ ba người có liên quan. Theo BBC News, Đại sứ quán Mỹ cho biết họ có thông tin đáng tin cậy về mối đe dọa và hối thúc các công dân tránh xa phố ẩm thực Jalan Alor, nằm ở vành đai mua sắm Bukit Bintang tại trung tâm thành phố và các khu vực lân cận. Đại sứ quán cho biết các tổ chức khủng bố trong quá khứ lên kế hoạch về các cuộc tấn công trùng vào những ngày có ý nghĩa. Đại sứ quán Australia cũng đã phát cảnh báo tương tự với công dân nước này dựa trên cảnh báo của Mỹ. Cảnh sát Malaysia sau đó xác nhận họ đã bắt ba người có mối liên hệ với khủng bố, gồm một người Indonesia, một Syria và một người địa phương. Theo cảnh sát, một trong ba người bị bắt, đã thường xuyên tới Yemen và vào Malaysia trong quý III/2015. Cảnh sát Malaysia xem xét những lời cảnh báo rất nghiêm túc và sẽ gặp các đại diện đại sứ quán để điều tra. Được biết, cảnh sát Malaysia đã bắt hơn 100 người ủng hộ IS trong vòng hai năm qua, một số bị cho là âm mưu tấn công nước này. Miên Tường |