Trung Quốc làm càn hay “mềm nắn rắn buông”?

Thứ Tư, 06/07/2016, 16:20
Càng tới ngày Tòa quốc tế ra phán quyết, Trung Quốc càng phản ứng mạnh, rất biết cách “mềm nắn rắn buông” tùy nơi và tùy đối tượng dụng võ. Ngoài việc ngon ngọt với Philippines yêu cầu nước này rút lại đơn kiện, Bắc Kinh còn gồng mình “khoe cơ bắp” khi liên tục tập trận quân sự ở Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (PCA) tuần trước tuyên bố là họ sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc vào ngày 12-7 tới. Trong suốt mấy tháng nay, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để vận động, ép buộc và cả “ve vãn” các quốc gia, không những trong vùng mà cả bên ngoài vùng, nhằm mục đích khiến những quốc gia này phải lên tiếng ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông.

Nền tảng căn bản của lập trường này là giải quyết, điều đình “tay đôi” giữa Trung Quốc và lần lượt từng quốc gia có tranh chấp mà không cần một cơ quan quốc tế nào can thiệp vào. Dĩ nhiên ai cũng biết khi tiến hành điều đình song phương giữa “ông khổng lồ” Trung Quốc và các nước nhỏ láng giềng thì ai sẽ chiếm ưu thế hơn.

Người Philippines phản đối các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Có điều Trung Quốc đã không mấy minh bạch khi thông báo những ai ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông. Có khi họ chỉ phổ biến biên bản của một cuộc gặp gỡ ngoại giao trong đó có ghi nhận là các quốc gia họ vừa bàn luận đã lên tiếng ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông, nhưng không cho biết viên chức đại diện nào nói điều như vậy.

Khó hiểu hơn nữa là trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi có bao nhiêu quốc gia ủng hộ, đã dẫn ra con số 60 quốc gia hay lãnh địa, nhưng đó là con số mà một nhà báo đã đưa ra trước câu hỏi này. Trung Quốc đã đưa ra những con số tương tự trong quá khứ, nhưng có vẻ đến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, vốn có nhiệm vụ đi “gom góp fan” của mình cũng không biết có bao nhiêu nước ủng hộ họ nữa! Chuyện này chứng tỏ Trung Quốc muốn có một số các quốc gia ủng hộ lập trường của họ để tạo một thứ chính nghĩa nào đó một khi tòa có phán quyết.

Tờ China Daily hôm 4-7 cho hay, Trung Quốc đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán về vấn đề Biển Đông với Philippines nếu Manila bỏ qua phán quyết của PCA. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn Manila không được sử dụng kết quả vụ kiện làm cơ sở đàm phán giữa 2 nước. Trung Quốc từng nhiều lần “gạ” Philippines rút đơn kiện rồi đàm phán, nhưng đều bị Manila từ chối.

Nhiều ý kiến cho rằng, Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó hôm 3-7, Cơ quan quản lý nhà nước của Trung Quốc về an toàn hàng hải thông báo nước này sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông từ ngày 5 đến 11-7. Thông báo này còn ngang ngược đưa ra lệnh cấm mọi tàu thuyền của tất cả các nước không được qua lại gần nơi diễn ra cuộc tập trận. Các chi tiết khác của cuộc tập trận sắp tới không được đưa ra.

Cuộc tập trận này của Trung Quốc được coi là một nỗ lực thể hiện bằng hành động lời tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc là quyết “không khoan nhượng ở Biển Đông”. Nhưng các nước có liên quan tranh chấp chắc chắn cũng sẽ không khoan nhượng với người phát lời tuyên bố đó.

Trong diễn văn đọc tại Đại lễ đường nhân dân hôm 1-7, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không bao giờ “từ bỏ chủ quyền” Biển Đông và Trung Quốc không sợ rắc rối.

Ngày 22-6, hãng Kyodo của Nhật cho rằng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và coi đây là hành động trả đũa nếu PCA ra phán quyết ngược với quan điểm của Trung Quốc.

Phán quyết này đang được trông ngóng ở trong vùng và ở ngoài vùng, đặc biệt ở Washington, vốn hy vọng và chờ đợi để xem khẳng định chủ quyền của Trung Quốc có bị tòa bác bỏ. Bắc Kinh đã nhiều lần nói họ không công nhận quyền tài phán của Tòa, không tham dự vào các cuộc điều trần mặc dù được mời, và cũng nhiều lần nói là họ sẽ bất chấp những phán quyết của Tòa.

Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông từ ngày 5 đến 11-7.

Liệu một phán quyết không tốt cho Trung Quốc có làm hại gì họ không? Theo giáo sư Hugh White của Viện Đại học Quốc gia Australia (ANU) thì Mỹ cùng các bạn bè và đồng minh đoan chắc phán quyết chính thức của một tòa án được quốc tế công nhận sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc nhằm “hãm đà” của Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải một cách hung hăng như vậy. Washington có vẻ tin là đối diện với một phán quyết không có lợi cho mình, Bắc Kinh sẽ hứng chịu thiệt hại ngoại giao cho vị thế của họ ở Đông Nam Á và trên trường thế giới khiến họ phải rút lui.

Nhưng những bằng cớ mới nhất cho thấy Trung Quốc không “lành tính” như thế. Cách đây vài tuần, Trung Quốc đã buộc các ngoại trưởng của khối ASEAN vào một vị thế hết sức khó chịu khi phải rút lại một bản tuyên bố chung mà lời lẽ rất gượng nhẹ về Biển Đông là “một vấn đề trong liên hệ và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”. Điều đó cho thấy rõ ràng Bắc Kinh không muốn và không cảm thấy cần hạ nhiệt bầu không khí ngoại giao căng thẳng hiện nay.

Chưa hết, tuần trước, Trung Quốc cho phép căng thẳng leo thang với quốc gia quan trọng nhất của ASEAN là Indonesia. Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối trước phản ứng cũng không kém phần cương quyết của Indonesia khi các tàu đánh cá của Trung Quốc đổ vào đánh cá ở vùng mà Indonesia cho là vùng đặc quyền khai thác kinh tế của đảo Natuna, nhưng lại nằm trong “đường chín đoạn” Trung Quốc vẽ ra.

Phản ứng của Trung Quốc đã gặp phản ứng đáng ngạc nhiên mà cũng vô cùng cương quyết từ phía Indonesia. Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho quân đội Indonesia phải điều động thêm lực lượng đến vùng này và tổ chức một chuyến đi thị sát ồn ào với các bộ trưởng cao cấp trong chính phủ để nhấn mạnh sự việc Indonesia coi đó là một chuyện quan trọng. Một lần nữa, không có chỉ dấu gì là các lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy áp lực ngoại giao nào cả.

Và điều đó đã khiến thế giới phải đặt một câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bất chấp phán quyết? Hơn thế, Washington sẽ làm gì?”. Rõ ràng Washington đang chuẩn bị gặp khó khăn. Trong vòng vài tháng nay, Washington đã phản ứng với điều mà họ coi là việc quân sự hóa của Bắc Kinh đang tạo bất ổn trong vùng bằng cách gửi đến vùng này một lực lượng đáng kể.

Và đỉnh cao của chiến dịch là khi hai hạm đội hàng không mẫu hạm tập trận ngoài khơi bờ biển Philippines mới đây. Đây là cuộc “diễu võ giương oai” lớn nhất của Mỹ kể từ ngày Tổng thống Bill Clinton gửi hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc Khủng hoảng Đài Loan năm 1996. Nó rõ hơn là để gửi một thông điệp không nhầm lẫn được về quyết tâm của Washington.

Hải quân Trung Quốc diễn tập trái phép ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: ChinaNews.

Các nhà phân tích đưa ra hai kịch bản. Một kịch bản là Bắc Kinh không làm gì để phản ứng với phán quyết ngoài việc đưa ra những lời bác bỏ. Họ không lùi lại trong những gì họ đã làm trước đây, nhưng không có một hành động tức thời nào hay cố gắng công khai mới để nới rộng ảnh hưởng hay tăng cường vị thế của họ trong các khu vực tranh chấp. Trong hoàn cảnh đó, không có hành vi khiêu khích của Trung Quốc, thật khó có thể thấy Mỹ sẽ làm gì được mặc dù lực lượng của họ đã sẵn sàng.

Trong kịch bản thứ nhì, Trung Quốc quyết định có một phản ứng mạnh mẽ hơn đối với phán quyết từ La Haye. Chẳng hạn như tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không trên toàn Biển Đông, như họ đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013. Hay họ có thể bắt đầu xây một đảo nhân tạo nữa và lập một căn cứ nữa trên bãi đá ngầm Scarborough, như họ đã làm trong hai năm nay. Trung Quốc chỉ mới chiếm được bãi cạn này, vốn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và còn có thể gọi là cận hải nữa, từ tay Philippines mới từ năm 2012.

Mỹ đã thẳng thắn khuyến cáo Trung Quốc đừng nên tạo những bước đi như vậy và để hỗ trợ cho những khuyến cáo đó họ điều động quân đội đến. Nó có vẻ là một thông điệp cho biết Mỹ sẵn sàng đối diện bằng vũ lực nếu Trung Quốc nới rộng kiểm soát ở Biển Đông. Lối “nói thẳng” đó đã thành công ở Đài Loan cách đây 20 năm. Nhưng lúc đó Trung Quốc không có cách gì để đánh chìm các hàng không mẫu hạm Mỹ. Mọi sự nay khác rồi: bất cứ một đụng độ quân sự nào với Trung Quốc cũng có nguy cơ bùng nổ và có thể gây thiệt hại lớn cho cả hai bên.

Có thể Tổng thống Barack Obama, thận trọng và chủ hòa, sẽ không chấp nhận nguy cơ đó. Nhưng Mỹ sắp có một tân tổng thống vào tháng 11 tới đây và đến tháng 1-2017, người đó sẽ nhậm chức. Cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump đều mang chủ trương “hiếu chiến” hơn ông Obama. Sự việc này sẽ làm cho tình hình khó tiên đoán hơn.

Nếu Trung Quốc coi việc triển khai lực lượng của Mỹ chỉ là một đòn tượng trưng thôi và câu hỏi là nếu Bắc Kinh nghĩ là Mỹ thực sự không dám đối đầu với họ, thì liệu họ có thúc đẩy những hành động vô cùng khiêu khích hay không? Washington có thể phải đối diện với hai lựa chọn. Hoặc là đầu hàng, do đó công nhận ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong vùng của Trung Quốc và sự suy yếu trong vị thế lãnh đạo của Mỹ đối với vùng, hay là họ tung lực lượng để đối đầu sẵn sàng ứng chiến nếu xảy ra đụng độ, một cuộc đụng độ rất dễ leo thang thành chiến tranh. Ngược lại liệu Bắc Kinh có dám coi Washington là “cọp giấy” không? Những chuyện đó phải chờ đến sau ngày 12-7.

Trong cuộc thảo luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ, ngày 20-6, bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS nói rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, thay vì giúp giảm nhiệt.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.