Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở Biển Đông
- G7 quan ngại hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
- Trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vịnh Bắc Bộ
- Báo chí quốc tế tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 5-4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan khỏi khu vực này.
Trong cuộc họp báo chiều ngày 7-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông Lê Hải Bình cho biết, từ tối ngày 3-4-2016, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º312 Bắc - 110º0418 Đông để tác nghiệp. "Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định", ông Lê Hải Bình nêu rõ.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Trước đó năm 2014, Bắc Kinh cũng đưa giàn khoan trị giá 1 tỷ USD này đến thăm dò dầu khí trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã gây ra những căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa hai nước, đồng thời gây làn sóng phẫn nộ và phản đối rộng khắp trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới.
Trước đó ngày 25-3, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo trên website rằng, Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25-3 đến 31-7. Vị trí này cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 50 hải lý về phía tây nam. Như vậy, hiện nay ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán phân định, Trung Quốc đang đơn phương hạ đặt 2 giàn khoan Hải Dương 943 và Hải Dương 981.
Trong một sự kiện khác có liên quan, ngày 5-4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tổ chức “lễ khánh thành” hải đăng cao 55m trên đá Xu Bi, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Chính quyền Trung Quốc ngụy biện rằng, ánh sáng trắng phát ra từ ngọn hải đăng sẽ giúp tàu thuyền dễ dàng định hướng và di chuyển vào ban đêm, hỗ trợ tăng cường an toàn hàng hải trên Biển Đông. Cũng trong ngày 7-4, Việt Nam đã trao công hàm phản đối việc Trung Quốc khởi động trạm hải đăng trái phép này.
Giải thích về những hành động lấn lướt liên tiếp trên của Trung Quốc, các chuyên gia về Biển Đông cho rằng mục tiêu sâu xa hơn của “con bài” giàn khoan Hải Dương 981 và 943 lần này không gì khác nhằm phân tán sự tập trung của dư luận quốc tế về những gì mà Trung Quốc đang làm tại các bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Một động thái nhằm thăm dò phản ứng của các nước, chứ mục đích về kinh tế chỉ là thứ yếu.
Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc mà Trung Quốc sẽ còn quấy đảo Biển Đông hơn bao giờ hết. Về pháp lý thì họ đã yếu thế trước vụ kiện của Philippines ra Tòa trọng tài quốc tế rồi. Về ngoại giao cũng đang bị nhiều nước lên án, phản đối mạnh mẽ.
Thậm chí ngay trong khu vực ASEAN, các nước như Malaysia, Indonesia vốn rất trung lập về vấn đề Biển Đông nhưng mới đây cũng đã tỏ rõ thái độ kiên quyết của mình nhằm cùng với các nước khác chống lại hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo mà Bắc Kinh cố tình gây ra tại khu vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng hành động của Trung Quốc là một tính toán sai lầm, đẩy các nước láng giềng nhỏ bé về phía Mỹ. Hồi tháng trước, Philippines đã chính thức phê chuẩn cho Mỹ thuê 5 căn cứ quân sự của nước này.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên biển Đông. |
Tạp chí quốc phòng Anh IHS Janes ngày 5-4-2016 đã tiết lộ kế hoạch của Indonesia, tăng cường đáng kể lực lượng tại vùng quần đảo của mình trên Biển Đông. Nổi bật trong kế hoạch này là quyết định triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất của Indonesia đến vùng đảo xa này để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Đó là còn chưa kể liên minh gồm cả Mỹ - Nhật – Hàn Quốc – Australia cũng đang liên kết mạnh mẽ nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông. Điều này chắc chắn giới lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu và vẫn cố công thực hiện cho được chiến lược bành trướng của họ.
Về thực chất, theo các chuyên gia, vai trò của các giàn khoan như Hải Dương 981 hay 943 vẫn mang tính chất hình thức và là các phép thử nghi binh mà nhà cầm quyền Trung Quốc trưng ra. Cái nguy hiểm hơn gấp hàng triệu lần ẩn sau nó không gì khác, là sự xuất hiện của những khẩu đội tên lửa, pháo hạm, tàu chiến, radar tần số cao... mà nước này đã và đang bố trí bất hợp pháp trên các hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi lấp trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong thời gian qua.
Khi đã từng bước tiến hành quân sự hóa các đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa, Hoàng Sa và biến chúng thành các thành trì trên biển với đầy đủ chức năng chiến đấu cho cả không quân và hải quân thì Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát và khống chế tàu thuyền của các nước trong khu vực. An toàn, tự do hàng hải, hàng không sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không có các phản ứng đủ mạnh và cương quyết thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Liên quan tới ngọn hải đăng trên Đá Xubi, các chuyên gia vạch trần âm mưu của Trung Quốc. Đó là Bắc Kinh muốn đánh lừa cả thế giới khi dùng các công trình dân sự để đăng ký với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền. Nhưng thực chất Bắc Kinh đang triển khai nhiều cơ sở quân sự trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhìn lại những phản ứng của Mỹ trong thời gian qua trước sự ngang ngược của Trung Quốc, người ta không thể không nhận thấy điều kỳ lạ. Nếu để ý ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng hễ Mỹ cứ tố cáo Trung Quốc thì nước này lại tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, từ bồi đắp đảo chiếm của Việt Nam đến xây dựng cơ sở quân sự, kéo vũ khí ra đó và mới đây là vận hành ngọn hải đăng ở Trường Sa. Chưa thấy có lần nào Mỹ tố cáo mà Trung Quốc chịu lùi bước. Ngược lại, Mỹ cũng ngày càng đưa nhiều tàu chiến, máy bay xuống Biển Đông với mục đích là “phá đám” âm mưu độc bá vùng biển này của Trung Quốc.
Hải đăng phi pháp của Trung Quốc trên đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Phải chăng đây là trò tung hứng của hai nước nhằm “chia sẻ” quyền lợi ở Biển Đông? Còn nhớ khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 17-5-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Thái Bình Dương đủ rộng lớn để đón tiếp cả Trung Quốc lẫn Mỹ” và hai nước cần giải quyết các khác biệt “sao cho đường hướng chung trong quan hệ song phương không bị ảnh hưởng”.
Từ lâu, đại đa số các chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới đều dự báo không thể xảy ra đụng độ quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Không đối đầu thì phải hợp tác? Như vậy có phải Biển Đông đang bị “chia sẻ”?
Nhằm đáp lại những bước đi quân sự hóa hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong kỳ họp thượng đỉnh 2 ngày sắp tới bắt đầu vào 10-4 tại Hiroshima, Nhật Bản, các ngoại trưởng của G7 sẽ kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Báo Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản hôm 7-4 cho biết sau cuộc họp thượng đỉnh, nhóm G7 sẽ ra một tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó các ngoại trưởng của nhóm này sẽ mạnh mẽ phản đối việc khẳng định chủ quyền và các quyền lợi hàng hải thông qua đe dọa hay vũ lực.
An ninh hàng hải là một trong những chủ đề quan trọng trong nghị trình làm việc của cuộc họp ở Hiroshima, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông bằng việc xây các đường băng, lắp đặt hệ thống radar tiên tiến và tên lửa đất đối không ở những khu vực có tranh chấp.