Trung Quốc tiếp tục xem thường dư luận quốc tế

Thứ Hai, 22/02/2016, 15:40
Ngày 17-2, Hãng tin Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7-2012.

Các vệ tinh thương mại ghi nhận: 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai từ tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã xác nhận  thông tin này và đưa ra nhận định: Việc triển khai các khẩu đội tên lửa này nằm trong chuỗi động thái quân sự được thực hiện đơn phương, trái với cam kết của giới lãnh đạo Trung Quốc "không quân sự hóa Biển Đông".

"Trung Quốc nói một đằng nhưng dường như đang làm một nẻo" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kirby nói - "Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy các nỗ lực quân sự hóa được dừng lại. Điều này chỉ khiến cho tình hình khu vực thêm mất ổn định và gây ra những tác động khó lường".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ sẽ có cuộc trao đổi "rất nghiêm túc" với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin này và chỉ quanh quẩn lặp đi lặp lại rằng "Bắc Kinh đã có các hệ thống phòng thủ trên các đảo từ hàng chục năm nay" (!)

Các chuyên gia quân sự  sau khi xem xét các bức ảnh chụp từ vệ tinh nhận xét: các xe quân sự trong 2 khẩu đội tên lửa HQ-9 đậu song song trên bãi biển chứ không phải nằm trong các công sự chuyên dụng. Dù HQ-9 là hệ thống tên lửa di động sử dụng các xe tải hạng nặng để di chuyển, chúng vẫn cần có nhà kho, căn cứ để bảo dưỡng phương tiện, đạn tên lửa và radar.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy những công sự, nhà kho này chưa xuất hiện trên đảo Phú Lâm. Từ đó, họ đưa ra nhận định: tên lửa HQ-9 có thể chỉ được triển khai tạm thời trên đảo Phú Lâm chứ không phải là phương án bố trí lâu dài. Các hệ thống vũ khí hiện đại rất dễ bị ăn mòn, gỉ sét trong môi trường khắc nghiệt trên Biển Đông. Dù các tên lửa HQ-9 này hiện diện trên đảo Phú Lâm là tạm thời hay lâu dài, chúng cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực quan ngại, bởi hệ thống phòng không hiện đại này có thể bao phủ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cửa ngõ phía nam đảo Hải Nam, nơi có các căn cứ tàu ngầm và hải quân lớn của Trung Quốc, theo chuyên gia Euan Graham tại Viện Lowy ở Australia.

Graham cho rằng việc đưa tên lửa HQ-9 tới Phú Lâm là một động thái leo thang nằm trong mưu toan thực thi quá trình "quân sự hóa" trên Biển Đông, hướng đến mục tiêu chiếm ưu thế quân sự trên Biển Đông, trước mắt răn đe những chuyến tuần tra trên Biển Đông của hạm đội Mỹ.

Chiến dịch tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải gần đây nhất của Mỹ được thực hiện trong phạm vi 12 hải lý gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Phú Lâm không xa. Hành động này của Mỹ lúc đó đã khiến Trung Quốc bất ngờ, và việc đưa HQ-9 tới Phú Lâm có thể là động thái ngăn chặn những chuyến bay có mục đích tương tự của Mỹ trong tương lai. Đây có thể là một động thái của Bắc Kinh nhằm thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi nước này có thể tiến hành các bước quân sự hóa phi pháp những đảo nhân tạo được bồi đắp ở Hoàng Sa, Trường Sa, hay thậm chí là phục vụ cho ý đồ  thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc điều hệ thống tên lửa HQ-9 đến Hoàng Sa.

Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong lúc lãnh đạo các nước ASEAN đang tham dự hội nghị cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Sunnylands. Sự xuất hiện của tên lửa HQ-9 trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể được coi là "lời răn đe" của Trung Quốc rằng ASEAN không được quá "cậy nhờ và tiếp cận" Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 18-2, trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng  Australia Julie Bishop phát biểu: "Bất cứ việc quân sự hóa đảo nào cũng sẽ là mối quan ngại nghiêm trọng với không chỉ khu vực và toàn cầu".

Bà Bishop là quan chức phương Tây đầu tiên thăm Trung Quốc sau khi xuất hiện thông tin Bắc Kinh triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cũng vào hôm 18-2 cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi tình hình, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất nhanh chóng và với quy mô lớn, xây dựng căn cứ và sử dụng cho các mục đích quân sự. Đó là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế - hãng tin CNN dẫn lời - "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những hành động như vậy và thêm một lần nữa nhấn mạnh: Nhật Bản không thể chấp nhận", ông Suga nói.

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.