Trung Quốc tìm vị thế mới qua việc thúc đẩy hòa đàm Palestine - Israel

Thứ Hai, 13/05/2013, 18:40

Việc Trung Quốc đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Palestine và Israel đặc biệt thu hút dư luận quốc tế. Phải chăng việc Mỹ thất bại trong quá trình điều đình hòa bình tại Trung Đông đang giúp Trung Quốc tranh thủ được vị thế lớn hơn tại Trung Đông?

“Đặc sứ Trung Đông” sẽ không còn là hư danh

Ngày 6/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có mặt tại Bắc Kinh, hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bắt đầu chuyến viếng thăm Trung tâm Tài chính ở phía đông của Thượng Hải, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chào đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Trong một tình huống hy hữu, hai nhà lãnh đạo đối lập ở Trung Đông đã cùng thực hiện chuyến thăm Trung Quốc tại một thời điểm và đó có thể là một cơ hội để Bắc Kinh có được một vai trò lớn hơn ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng giúp thiết lập một cuộc gặp giữa ông Abbas và ông Netanyahu nếu hai nhà lãnh đạo này có ý định gặp gỡ. Trong suốt 4 năm qua, cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine luôn trong tình trạng bế tắc và cho đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy một cuộc họp song phương có thể sẽ diễn ra.

Trung Quốc có truyền thống duy trì một vai trò khiêm tốn trong ngoại giao ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Bắc Kinh đã nỗ lực can dự nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực này với mong muốn có được các thị trường, nguồn tài nguyên và ảnh hưởng ngoại giao. Bắc Kinh đã tìm cách duy trì mối quan hệ ổn định với cả hai bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Trung Quốc đã công nhận nhà nước Palestine vào năm 1988, 4 năm trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Trong cuộc hội đàm với ông Abbas tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng vấn đề Palestine cần được giải quyết trên 4 cơ sở: kiên trì mục tiêu xây dựng một nhà nước Palestine độc lập, cùng chung sống hòa bình với Israel; coi đàm phán là con đường duy nhất để hiện thực hóa hòa bình giữa Palestine và Israel; kiên trì nguyên tắc "đổi đất lấy hòa bình"; và yêu cầu cộng đồng quốc tế đưa ra sự bảo đảm quan trọng cho việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông và Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ là một "cơ hội tốt để Trung Quốc có thể lắng nghe từ cả hai phía".

Ông Netanyahu là nhà lãnh đạo đầu tiên của Israel đến Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert vào năm 2007. Trong chuyến thăm lần này, ông Netanyahu đã cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại. Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của Israel trong các lĩnh vực, từ công nghệ cao đến nông nghiệp, kỹ thuật và phần cứng quân sự, cũng như các loại hình dịch vụ, bao gồm cả việc đào tạo lực lượng an ninh Trung Quốc và mua máy bay không người lái.

Phát biểu trong chuyến thăm một khu công nghiệp công nghệ cao ở Thượng Hải, ông Netanyahu đã nói rằng mục tiêu của Israel là đẩy mạnh việc hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tại sảnh Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 6/5/2013.

Trung Đông là khu vực tập trung nhiều lợi ích của các nước nhất, nhưng do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine từ lâu không được giải quyết, cho nên luôn trong tình trạng bất ổn. Để tìm kiếm và bảo vệ lợi ích, các nước lớn đều muốn can dự vào các sự vụ ở khu vực Trung Đông. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nước này bắt đầu can dự vào vấn đề Trung Đông từ thời nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân cầm quyền nhằm tạo dựng ảnh hưởng đối với tiến trình hòa đàm Israel-Palestine. Vì lợi ích của mình, Trung Quốc còn thiết lập cả chức "Đặc sứ Trung Đông".

Vấn đề là lâu nay việc Trung Quốc can dự vào vấn đề Trung Đông phần nhiều chỉ dừng ở mặt hình thức, chưa đạt được thành quả thực chất. Trung Quốc cũng chưa từng can dự thực sự vào xung đột giữa Israel và Palestine. Cái gọi là "Đặc sứ Trung Đông" cũng chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân một mặt là do vấn đề hình thái ý thức và vấn đề lịch sử. Israel và Palestine chưa từng coi Trung Quốc là bên hòa giải có thể tin cậy.

Đặc biệt, do Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ về mặt đạo nghĩa việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập, cho nên, Israel không muốn Trung Quốc can dự vào xung đột giữa họ và Palestine. Mặt khác, tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine luôn do Mỹ chủ đạo. Mỹ không muốn nước khác nhúng tay vào việc này. Liên minh châu Âu (EU) và Nga từng thử can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, nhưng đều không thành công. Đối với Trung Quốc, Mỹ càng cảnh giác và không muốn để Bắc Kinh tìm kiếm lợi ích trong vấn đề Trung Đông. 

Đầu tư chính trị để trở thành “đại cổ đông”

Tuy nhiên, mấy năm qua, tình hình đã có thay đổi. Quyền phát ngôn của Trung Quốc trong cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine bắt đầu tăng lên. Trước tiên do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng "đá phiến dầu", Mỹ sẽ dần dần hiện thực hóa được việc tự cung tự cấp dầu mỏ. Do vậy, khu vực Trung Đông sẽ không còn quan trọng như trước đây đối với Mỹ nữa.

Bên cạnh đó, việc Mỹ thiên vị Israel đã đắc tội cả thế giới Arập, khiến nước này trở thành đối tượng tấn công khủng bố, bị khủng bố làm cho mệt mỏi. Cho nên, mấy năm lại đây, Mỹ có dấu hiệu rút dần khỏi Trung Đông, không còn nhiệt tình đối với tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine như trước nữa. Sự thay đổi thái độ của Mỹ đã mang cơ hội đến cho Trung Quốc.

Thủ tướng Bẹnamin Netanyahu (giữa, trái) nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa, phải) trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa Israel và Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ngày 8/5/2013 ở Bắc Kinh.

Đối với Trung Quốc, việc nước này có thể can dự thực chất vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine có nhiều ý nghĩa như thông qua đó cho thế giới thấy hình tượng nước lớn trách nhiệm của mình. Nhưng, chủ yếu nhất vẫn là thông qua việc can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine để mở rộng quyền phát ngôn tại khu vực Trung Đông.

Không giống như Mỹ, mức độ lệ thuộc vào dầu mỏ của Trung Quốc tại khu vực Trung Đông ngày một lớn. Khu vực Trung Đông chỉ cần xáo động nhẹ cũng ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Trung Quốc. Nếu có thể tăng cường sức ảnh hưởng của mình tại Trung Đông thông qua việc can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, Trung Quốc có thể có được sự bảo đảm hữu hiệu đối với an ninh năng lượng của bản thân.

Tuy nhiên, phải thấy rằng việc Trung Quốc muốn thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine không phải là vấn đề dễ dàng. Nguyên nhân chủ yếu là nút thắt xung đột giữa Israel và Palestine liên quan tới sự tồn vong của hai bên, do vậy, cả Israel lẫn Palestine đều không thể đưa ra nhượng bộ thực chất. Vì thế, Trung Quốc cần phải phòng ngừa khả năng xuất hiện cục diện: hòa giải không thành công, ngược lại còn đắc tội đối với cả Israel lẫn Palestine.

Không chỉ riêng tại Trung Đông, tham vọng có được vai trò lớn hơn trên trường quốc tế còn được Bắc Kinh thể hiện ở nhiều khu vực và tổ chức khác trên thế giới. Trung Quốc từ hơn một thập niên nay đã khước từ chính sách giấu mình và bắt đầu tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận liên quan nhiều vấn đề thế giới nổi cộm.

Sự thay đổi chiến lược từ thận trọng sang cách thức phô trương đã thể hiện tư duy chính trị quốc tế mới của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa phương hóa: họ muốn tăng cường mức độ ảnh hưởng để có thể định hình luật chơi theo cách của họ, hơn là chấp nhận thụ động để Mỹ và phương Tây dắt dây xỏ mũi. Khi đã có thể vỗ ngực xưng tên là "cường quốc" thì "anh" không thể chỉ biết phát ngôn bạo mồm hay có mặt ở các phiên họp biểu quyết tìm kiếm cách thức giải quyết một vấn đề quốc tế mà "anh" còn phải cho thấy "anh" đã bắt đầu có đủ tư cách và làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Với Trung Quốc, sự gánh vác cần có của một nước lớn đối với các vấn đề chung của thế giới còn là điều đang bị tảng lờ. Nói cách khác, "cổ đông" Trung Quốc chỉ "góp vốn" cho các cuộc đầu tư chính trị mà có thể kiếm được lời.

Thử nhìn lại cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch. Vào những giờ cuối cùng trước khi cuộc họp kết thúc, khoảng 4 giờ  chiều thứ sáu 18/12/2009, trong phòng hội nghị trước hơn 20 nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã không kiềm chế được cơn giận khi chỉ trích: “Trung Quốc chẳng lâu nữa sẽ là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới” - lại như muốn nói với thế giới rằng "Những cam kết này chỉ áp dụng cho quí vị chứ không phải cho chúng tôi!... Điều này là không thể chấp nhận!".

Cần nhắc lại, ngay từ đầu Trung Quốc đã chủ trương đánh bài chuồn khỏi những ràng buộc cắt giảm khí thải. Buổi thảo luận được tổ chức bên lề hội nghị Copenhagen, được báo chí gọi là "cuộc họp thượng đỉnh mini" với lãnh đạo đại diện 25 nước, có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi (đại diện Lục địa đen), Tổng thống Mexico Felipe Calderon… "Sĩ số" phòng họp lại vắng mặt một nhân vật quan trọng: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Thay vào đó, ngồi đối diện Tổng thống Obama chỉ là một "anh" viên chức ngoại giao Trung Quốc, hàm thứ trưởng, ông Hà Á Phi!

Và vậy là, như có thể thấy trước, hội nghị với sự tham gia của 192 quốc gia (nhằm đưa ra Nghị định thư Copenhagen, thay thế Nghị định thư Kyoto bắt đầu hết hiệu lực năm 2012), mà Thủ tướng Gordon Brown gọi là "hội nghị quốc tế quan trọng nhất từ sau Thế chiến II", đã hạ màn với kết quả zero! Thế mà trước khi đến Copenhagen, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm khí thải đến 40-45% so với mức năm 2005, vào trước thời hạn 2020!

Liên quan tới vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, lâu nay Mỹ và phương Tây vẫn chỉ trích Trung Quốc không "bắt nhịp" cùng với cộng động quốc tế để xử lý vấn đề tại đây. Tuy nhiên, trong một động thái mới nhất được đánh giá là đầy ý nghĩa, ngày 9/5, Ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd (BOC), một trong những nhà băng lớn nhất Trung Quốc, vừa thông báo đóng tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên bị Mỹ cáo buộc là rót tiền cho chương trình hạt nhân. Đây là bước đi đầu tiên có ý nghĩa và được công bố công khai của Trung Quốc theo hướng cùng cộng đồng quốc tế siết chặt trừng phạt chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.