Trung Quốc – Nhật Bản: Nguy cơ đối đầu cận kề

Thứ Hai, 02/12/2013, 17:35

Việc Trung Quốc đơn phương đề ra vùng nhận dạng phòng không mới hôm 23/11 bao trùm cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật đã đẩy nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai cường quốc này thêm một nấc thang mới, đầy nguy hiểm.

Một thông cáo trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 22/11 nói rằng, theo những quy định mới, tất cả các máy bay bay vào "vùng nhận diện phòng không biển Hoa Đông" phải thông báo cho giới hữu trách Trung Quốc và sẽ bị áp dụng những biện pháp quân sự khẩn cấp nếu không xác định lai lịch hay không tuân theo những mệnh lệnh của Trung Quốc. Thông cáo nói rằng các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/11.

Hôm 25/11, hàng loạt hãng hàng không châu Á, trong đó có các hãng của Nhật và Hàn Quốc như ANA, Janpan Airlines, Korean Airway ra thông báo sẽ thực hiện yêu cầu trên của Trung Quốc.

Bản đồ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan báo cho thấy vùng "nhận diện phòng không" này bao trùm phần lớn biển Hoa Đông từ Hàn Quốc ở phía bắc đến Đài Loan ở phía nam và quần đảo Senkaku ở phía đông mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền với Nhật Bản với tên gọi Điếu Ngư. Đảo đá ngầm Ieodo của Hàn Quốc cũng lọt vào không phận mới của Trung Quốc.

Khu vực xác định phòng không được lập ra như một vùng đệm giữa không phận một nước và vùng trời trên biển. Một khi khu vực này bị xâm nhập thì một quốc gia có quyền đánh chặn bằng máy bay chiến đấu.

Ngay lập tức, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng cao độ. Mỗi bên triệu mời đại sứ của bên kia. Hôm 25/11, Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để nghe phản đối về quyết định đơn phương của Bắc Kinh ban hành "vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao gồm các quần đảo tranh chấp.

Cùng lúc đó, tại Bắc Kinh, Đại sứ Nhật cũng được Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu mời để nghe phản đối "phản ứng cường điệu phi lý" của Chính phủ Nhật Bản. Sáng 25/11, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dùng từ “nguy hiểm” để gọi việc làm của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh hoàn toàn không có giá trị gì đối với Nhật Bản.

Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với báo chí rằng hành động của Trung Quốc là hành động đơn phương, không thể chấp nhận được, cũng như có thể tạo nên những nguy hiểm không thể lường trước được.

Chiến thuật nguy hiểm của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông đã làm Washington, đồng minh chính yếu của Tokyo quan ngại. Ngày 22/11, vài giờ sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ áp dụng "những biện pháp quân sự khẩn cấp" đối với những máy bay đi vào khu vực phòng không mới tuyên bố, cả Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đồng thời đưa ra các tuyên bố bày tỏ "lo ngại đặc biệt" trước đe dọa mới của Trung Quốc về lãnh hải. Nhà Trắng gọi đe dọa này là một "diễn tiến leo thang", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gọi đó là "một nỗ lực gây bất ổn nhằm xáo trộn hiện trạng" trên biển Hoa Đông.

Ngoài ra, ông Chuck Hagel nhấn mạnh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư là vùng đảo nằm trong bản hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, có nghĩa là Washington sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản nếu khu vực đảo này bị tấn công.

Quần đảo có tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Phản ứng trên của Mỹ đã bị Trung Quốc đáp trả tức thì. Ngày 25/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối việc Chính phủ Mỹ lên tiếng bênh vực Nhật Bản.

"Chúng tôi đòi hỏi phía Mỹ phải tôn trọng an ninh quốc gia của Trung Quốc, ngưng có những phát biểu vô trách nhiệm về việc Trung Quốc thành lập khu vực nhận diện phòng không, và có những nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định trong vùng châu Á - Thái Bình Dương" - theo lời Đại tá Yang Yujun, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đã tỏ thái độ bất bình vì "không phận" của Trung Quốc lấn sâu vào không phận của Hàn Quốc kể cả vùng trời bên trên bãi đá ngầm Ieodo mà Trung Quốc cũng tranh giành. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định là Trung Quốc đã có thái độ "đáng tiếc" và khẳng định "Hàn Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền truyền thống trên đảo Ieodo". Một cuộc thảo luận giữa cấp Thứ trưởng Quốc phòng hai nước được dự trù vào ngày 28/11 tới tại Seoul.

Về phần Đài Loan, tuy chính phủ Quốc dân đảng hiện nay thân Bắc Kinh, nhưng Đài Bắc cũng vội vã ra thông cáo nói rõ "không liên hệ" gì với quyết định của Hoa lục.

Theo nhận định của giới phân tích, khi thông báo "khu vực nhận diện phòng không" bao trùm Senkaku/Điếu ngư, Trung Quốc tiến thêm một nấc trong chiến thuật tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, từ "trắc nghiệm phản ứng" bước sang "áp đặt chủ quyền trên không". Vấn đề là động thái này của Trung Quốc cũng tác động đến quyền tự do lưu thông và chủ quyền của nhiều nước khác không riêng gì Nhật Bản.

Một số chuyên gia về châu Á tin rằng Bắc Kinh có hành động này nhằm trả đũa việc mới tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật cho phép bắn hạ máy bay nước ngoài khi xâm phạm không phận của Nhật Bản và không tuân theo lệnh phải ra khỏi không phận. Trung Quốc gần đây đã chỉ trích Nhật Bản mở rộng khu vực xác định phòng không của mình ra tới một vùng mà chỉ cách tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc 130km. Khu vực xác định phòng không của cả hai nước giờ đều mở rộng ra xa ngoài không phận của mình, gia tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trên không.

Trung Quốc cho mình là nạn nhân, chịu hành động khiêu khích của Nhật, khi vào tháng 9/2012, Tokyo quốc hữu hóa các đảo Senkaku, nhưng sau đó thì Bắc Kinh đã không ngần ngại gây bất ổn định ở nhiều vùng biển châu Á, và phô trương sức mạnh quân sự của mình.

Dưới tựa đề "Bắc Kinh tăng một bậc căng thẳng quân sự với Tokyo", tờ Le Figaro (Pháp) ra ngày 25/11 cho là Bắc Kinh đã tiến thêm một bước trong tham vọng lãnh thổ ở biển Hoa Đông, khẳng định chủ quyền trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, và áp đặt một vùng nhận dạng và phòng không, bao gồm các đảo tranh chấp. Mối lo ngại hiện nay là sẽ có những vụ "nghênh chiến" hay đụng nhau giữa máy bay Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuần tra trong không gian eo hẹp này.

Ngay sau khi quy định mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, theo truyền thông Nhật Bản, từ ngày 23/11, Đài Truyền hình Trung Quốc đưa tin quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tuần tra trên không gồm máy bay trinh sát và chiến đấu cơ. Tuy nhiên, địa điểm không được nêu rõ.

Ngày 25/11, báo Yomiuri Shimbun đưa tin lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã phải triển khai chiến đấu cơ để theo dõi khi 2 máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện gần không phận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Sau một lúc vờn nhau, cả hai phía đều rút về và không có va chạm nào.

Cách đây 12 năm, một vụ "nghênh chiến" từng xảy ra khi một máy bay do thám EP-3E của Mỹ bay cách đảo Hải Nam khoảng 110km như vẫn từng bay, bị 2 chiếc chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc ngăn chặn, ép trên không. Chiếc EP-3E đâm vào một chiếc J-8 khiến chiếc này rơi, phi công tử nạn, còn chiếc EP-3E thì bị hư hại và phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Đó là chuyện 12 năm trước, giờ đây sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã lớn mạnh hơn nhiều đồng thời tham vọng cũng tăng theo. Nếu một khi xảy ra một vụ đụng độ trên không giữa máy bay Nhật và Trung Quốc thì nguy cơ chiến tranh giữa hai nước là khó tránh khỏi, bởi trước đây cả Bắc Kinh và Tokyo đều khẳng định chắc nịch rằng nếu có khai hỏa sẽ có chiến tranh

M.T. (tổng hợp)
.
.