Trưng cầu dân ý về Hiến pháp ở Iraq: Mâu thuẫn từ trong nội bộ

Thứ Hai, 17/10/2005, 08:41

9 tháng sau khi bầu một Quốc hội chuyển tiếp, ngày 16/10, người dân Iraq một lần nữa lại có mặt tại các điểm bỏ phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp đầu tiên kể từ khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ.

Những con số bất ngờ

Có đến 15,5 triệu cử tri Iraq có đủ điều kiện trong tổng số 24 triệu dân đã đăng ký tham gia bầu cử tại 6.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Với mục đích vận động dân chúng ủng hộ nhiệt tình bản Hiến pháp, Tổng thống Iraq Jalal Talabani và Thủ tướng Ibrahim al-Jaafari đã trở thành những người đầu tiên bỏ phiếu "đồng ý" tại địa điểm bỏ phiếu Vùng Xanh ở trung tâm Baghdad.

An ninh đã được thắt chặt ở mọi nơi và đâu đâu cũng có áp phích quảng cáo, cổ động cử tri ủng hộ Hiến pháp nhưng trên thực tế, số người đi bầu lại chỉ đạt tới 66%. Đây quả là một con số quá ít ỏi so với những gì mà Chính phủ Iraq mong đợi. Điều đáng chú ý là dòng người Hồi giáo Sunni, vốn trước nay vẫn phản đối bản Hiến pháp vì cho rằng đây là kịch bản của Mỹ nhằm phân chia "miếng bánh Iraq" có lợi cho người Kurd và người Shiites, ban đầu định tẩy chay bầu cử thì nay lại tham gia bỏ phiếu rất đông.

Biết được quyền phủ quyết của mình cho bản Hiến pháp bị coi là "bù nhìn", gần 2/3 cử tri của dòng Hồi giáo Sunni tại 3 tỉnh Salahudin, Diyala và Ninevah đã bỏ phiếu chống với hy vọng sẽ "đánh bại" lợi ích của người Shiites và người Kurd. Các tỉnh còn lại dưới sự kiểm soát của người Shiites và người Kurd thì cầm chừng với con số từ 30% đến 66% người tham gia bỏ phiếu.

Kịch bản nào cho tương lai?

Rõ ràng là không chỉ dòng người Hồi giáo Sunni phản đối Hiến pháp mà ngay cả người Kurd và người Shiites cũng chưa mấy tin tưởng vào cái gọi là "Cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp". Những con số không đầy đủ báo cáo về từ các địa điểm bỏ phiếu đã cho thấy một kết quả nhãn tiền rằng Iraq lại lâm vào cái vòng tròn luẩn quẩn mà trong nửa năm qua, Chính phủ không có cách nào thoát khỏi nó.

Không thể nói rằng chính quyền Baghdad không nỗ lực. Bằng chứng là trước khi được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, bản Hiến pháp đã được thương thảo trong nhiều tháng trời, được chỉnh sửa không dưới 10 lần nhằm giúp thỏa mãn lợi ích của các bên, đặc biệt là lấy lòng người thiểu số Sunni. Ngay trước cuộc trưng cầu dân ý, hàng triệu bản copy dự thảo Hiến pháp cũng đã được phân phát đến từng người dân.

Vậy nguyên nhân là ở đâu? Nó nằm chính trong nội bộ chính quyền Baghdad và ở sự ảnh hưởng của người Mỹ đối với giới chức Iraq. Trong khi các phe phái tôn giáo chẳng bên nào chịu nhượng quyền lợi của mình cho bên khác vì mục đích chung thì không một người dân nào lại có thể đồng ý với một bản Hiến pháp được dựng lên bởi những cố vấn nước ngoài và là một phần của tiến trình chính trị do Toàn quyền Mỹ tại Iraq, Paul Bremer đưa ra.

Hơn nữa, một khi liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn tiếp tục có mặt trên xứ sở Ba Tư, liên tục tổ chức các cuộc càn quét mới khiến tình hình an ninh không ổn định thì làm sao có thể tạo dựng một chính phủ vững chắc, chăm lo tốt cho cuộc sống của người dân.

Sống trên quê hương của mình mà phải nghe theo những quy định của người ngoại quốc là một điều không thể chấp nhận được. Tương lai của Iraq phụ thuộc rất nhiều vào bản Hiến pháp bởi nếu được thông qua, nó sẽ là cơ sở để quản lý đất nước, dọn đường cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến tổ chức vào ngày 15/12 tới. Còn nếu không được đa số cử tri ủng hộ hoặc bị 2/3 số cử tri ở 3 trong 18 tỉnh ở Iraq phản đối thì Hiến pháp mới sẽ chỉ còn là những mảnh giấy vô giá trị.

Nhiều nhà phân tích cho rằng những nền chính trị dựa vào các thế lực nước ngoài như ở Iraq khó có thể trụ vững dài lâu bởi điều quan trọng là nó sẽ không có được sự ủng hộ của người dân

P.V
.
.