Trừng phạt Iran, vì Mỹ hay vì thế giới?

Thứ Hai, 01/06/2020, 15:19
Những lo sợ về đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran trên biển Caribe cuối cùng đã không xảy ra. Các tàu chở dầu của Iran rốt cuộc đã đến được Venezuela mà không gặp trở ngại gì bất chấp lệnh trừng phạt của Washington lên hai quốc gia này.

Tuy nhiên, thay vì tiếp tục đơn phương gia tăng trừng phạt Tehran và Caracas sau hành động bất chấp trên, Mỹ có vẻ như đang đi một nước cờ thâm hiểm hơn.

Trái với lo sợ của mọi người, ngày 28-5, tàu chở dầu thứ 4 của Iran đã vào đặc khu kinh tế của Venezuela. 2 trong số 5 tàu chở dầu của Iran đã cập cảng tại Venezuela và đang dỡ hàng ở cảng El Palito, theo cơ quan theo dõi hàng hải quốc tế.

Nhân viên dầu khí Venezuela chào đón tàu chở dầu Iran.

Dự kiến tàu chở dầu cuối cùng của Iran tới Venezuela là vào ngày 2-6. Tổng số dầu Tehran chuyên chở tới Caracas đợt này là 1,5 triệu thùng. Ước tính, giá trị lô dầu này tới 45 triệu USD, đủ cung ứng nhu cầu năng lượng cho Venezuela trong khoảng 1,5 tháng. Cho tới khi các tàu của Iran vào đến vùng biển của Venezuela, không thấy có dấu hiệu về sự can thiệp nào từ Washington.

Đầu tháng 5, trang tin Al-Masdar News dẫn nguồn dữ liệu giám sát hàng hải do Refinitiv Icon cung cấp cho biết Iran đã cử 5 tàu chở dầu sang Venezuela bất chấp các lệnh cấm vận mà Mỹ và phương Tây đơn phương áp đặt đối với 2 quốc gia này.

Trước tình hình này, Hải quân Mỹ bắn tiếng rằng 4 tàu chiến có mặt tại biển Caribe tham gia chiến dịch chống buôn lậu ma túy sẽ tham gia chiến dịch vây bắt tàu dầu Iran. Tehran lập tức lên tiếng cảnh cáo Mỹ chớ đưa chiến hạm ra để chặn các tàu dầu của họ đang chở dầu sang bán cho Venezuela. Tổng thống Iran Hassan Rohani thề rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả giá nếu ngăn cản các tàu chở dầu Iran.

Venezuela đã cử máy bay chiến đầu và tàu quân sự hộ tống những con tàu này khi chúng vào vùng biển Caribe. Việc Caracas nhận trót lọt các lô dầu và trang thiết bị phục vụ cho ngành dầu mỏ từ Iran sẽ phần nào xoa dịu cơn khát nhiên liệu đang diễn ra tại Venezuela mặc dù nước này có trữ lượng dầu mỏ thuộc loại lớn trên thế giới. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến các lệnh trừng phạt của Mỹ với nền kinh tế Venezulea, đặc biệt nhắm vào ngành dầu mỏ của nước này, hay cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và cũng một phần do đại dịch COVID-19.

Mỹ còn cáo buộc Tehran giúp Caracas khôi phục ngành dầu mỏ. Tờ The Nation dẫn nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết, Iran đã giúp tái khởi động nhà máy lọc dầu Cardon của Venzuela. Một số chuyến bay của hãng hàng không Iran Mahan Air chở các vật liệu quan trọng từ Iran đến Venezuela hồi tháng trước. Sau khi đối mặt với lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ, các nhà máy lọc dầu của Venezuela không thể hoạt động.

Sau những đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm vào hãng hàng không Mahan Air, đại sứ Iran tại Caracas, Hojjatollah Soltani, ngày 26-5 tuyên bố Iran không dùng vàng trong các giao dịch với Venezuela. “Thông tin về việc chuyển 9 tấn vàng từ Venezuela về Iran để đổi lấy nhiên liệu là sai 100%. Có những phương thức thanh toán khác, bao gồm dầu đổi hàng hóa và nhiều sản phẩm khác”, ông Solani nói.

Nhưng hơn cả việc Venezuela được đồng minh Iran tiếp nhiên liệu và hỗ trợ khôi phục ngành dầu khí, các phương tiện truyền thông nhà nước Iran những ngày qua liên tiếp có những bài bình luận cho rằng bước đi này là minh chứng rõ nhất cho thấy không gì có thể ngăn cản được ý chí hành động của Iran và họ sẵn sàng chờ xem liệu Mỹ có thể làm được gì. Nói cách khác thì việc Iran chở dầu tiếp tế Venezuela có thể không mang nhiều ý nghĩa để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của Caracas mà là một lời thách thức trực tiếp Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tối hậu thư về Iran.

Thời điểm kỳ bầu cử Mỹ đang đến gần và đại dịch COVID-19 đang đe dọa sẽ xóa sạch những thành tích kinh tế của suốt cả 1 nhiệm kỳ nên ông Trump chắc chắn đang rất cần một chiến tích đối ngoại nào đó để bù đắp. Trong động thái đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran kể từ sau khi thất bại trong việc thực hiện các cảnh báo về các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu Iran đến Venezuela, ngày 27-5, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ đặt ra thời hạn 60 ngày cho các các công ty Trung Quốc, châu Âu và Nga hoàn thành nốt công việc hợp tác với các cơ sở hạt nhân của Iran và 90 ngày đối với lò phản ứng dân sự ở Bushehr, nếu không họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các đe dọa mới nhất từ phía Mỹ được nhận định có thể sẽ đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 vào nguy cơ đổ vỡ. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo không giải thích cụ thể về lý do chính xác của việc kết thúc thời gian miễn trừ trừng phạt liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại.

Cùng ngày, trong thông báo với báo chí, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Iran - ông Brian Hook cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ tất cả các chương trình phát triển hạt nhân của Iran và Ngoại trưởng Pompeo có thể kết thúc các dự án này như một sự đảm bảo an ninh. Sự leo thang hạt nhân của Iran là thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia phản đối việc Iran tống tiền bằng hạt nhân đồng thời khôi phục tiêu chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về chương trình làm giàu urani của Iran. Tiêu chuẩn này đã được thay đổi theo thỏa thuận hạt nhân và nó cần phải được khôi phục”.

Các tuyên bố này của Mỹ đánh dấu bước căng thẳng mới giữa Tehran và Washington kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Hội đồng Bảo an từng coi JCPOA là cần thiết nhằm đảm bảo việc không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Iran, cũng như tạo ra sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, các lệnh miễn trừ sẽ cho phép các tập đoàn tới từ Nga, Trung Quốc hay châu Âu hợp tác với Iran tại nhiều cơ sở hạt nhân, đồng thời đảm bảo những chiến lược về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân được tuân thủ. Hiện nay, các công ty châu Âu, Trung Quốc và Nga vẫn còn một số dự án hạt nhân hợp tác với Iran. Với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, các công ty này còn 2 tháng nữa để lựa chọn có kết thúc các hợp tác với phía Iran hay nhận trừng phạt?

Điều này đang đặt nhiều quốc gia châu Âu vào thế khó, nhất là đối với phía Nga. Năm 2019, Nga đã ký một thỏa thuận với Iran để xây dựng thêm 2 lò phản ứng cho nhà máy điện, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Theo giới quan sát, thay vì tăng cường trừng phạt Iran và Venezuela sau vụ buôn bán dầu “gây mất mặt” trên, Washington hiểu rằng một mình họ khó lòng gây khó dễ được cho Tehran và Carracas, vốn đã quá quen với sự cô lập của Mỹ, vậy nên họ tìm cách gây áp lực lên các cường quốc khác nhằm trừng phạt trong một phạm vi lớn hơn.

Mặc dù hiệu quả chính trị của loại biện pháp này không nhiều vì bản thân Nga hay Trung Quốc đã quen với chiêu bài như vậy của Mỹ nhưng cũng không thể bỏ qua một cách đơn giản được.

Nhân viên dầu khí Venezuela chào đón tàu chở dầu Iran.
Nhân viên dầu khí Venezuela chào đón tàu chở dầu Iran.
Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.