Trừng phạt Nga, châu Âu khó mà "tát nước theo mưa"
Trong tuyên bố chung ngày 28/1 vừa qua, EU nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình an ninh ngày một xấu đi, chúng tôi đề nghị Hội đồng Đối ngoại EU đánh giá tình hình và xem xét thực hiện bất cứ hành động thích hợp nào, đặc biệt là các biện pháp hạn chế bổ sung.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung không được thông qua tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo để lãnh đạo EU đưa ra quyết định cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào ngày 12/2 tới.
Cũng giống như lần trước, Nga đã có những phản ứng tức thì phản đối quyết định của EU. Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich, trước báo giới đã khẳng định rằng mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina đều vô nghĩa và gây bất lợi cho bất kỳ quốc gia nào hành động như vậy.
Không quá khó để người ta có thể nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga có thể chỉ là "giơ cao đánh khẽ". Bởi lẽ trên thực tế nếu Nga gặp khó khăn, châu Âu cũng chẳng sung sướng gì. Fiona Hill - chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Brookings, cho rằng bất kể lệnh trừng phạt dù ở mức độ nào, phương Tây cũng chẳng khác gì Nga sẽ gánh thiệt hại kinh tế khá lớn.
Việc châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga cũng đồng nghĩa với việc các tập đoàn kinh tế lớn của phương Tây như BP, Exxon, Chevron, Shell, Boeing và Siemens... sẽ không thể kinh doanh ở Nga. Theo ông Fiona Hill, khi chưa khẳng định được các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn sẽ khiến kinh tế Nga thiệt hại ở mức nào, các chính phủ phương Tây chắc chắn cũng không sẵn sàng hy sinh nhiều lợi ích quốc gia của mình như vậy cho Ukraina.
Hẳn chưa ai có thể quên, mới chỉ cách đây chưa đầy một năm, thời điểm Mỹ và châu Âu tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Crimea tiến hành cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga. Mỹ tuyên bố đóng băng tài sản và cấm visa của 7 quan chức Nga và 4 quan chức Ukraina, song trong đó có tới 3 người nằm trong "vòng tròn quyền lực" thân cận với Tổng thống Putin, đó là: Phó thủ tướng Dimitry Rogozin và hai cố vấn của Tổng thống - Vladislav Surkov và Sergey Glazyev. Trong khi đó, danh sách của EU tuy nhằm vào 21 đối tượng, song không có nhân vật chóp bu nào trong chính quyền Nga. Lý do giải thích cho sự dè dặt này của châu Âu là chia rẽ trong nội bộ khối, giữa một bên là những nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga và một bên là những nước phản đối. Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo: Việc EU gia tăng các biện pháp hà khắc hơn có thể sẽ gây bất ổn thêm cho tình hình ở Nga, song lại đẩy cường quốc châu Âu vào tình trạng hỗn loạn.
Ông khẳng định: "Bất kỳ ai muốn đẩy Nga rơi vào tình trạng đảo lộn cả về kinh tế, chính trị, cũng có nghĩa là sẽ đẩy châu Âu đến một tương lai nguy hiểm hơn rất nhiều".
Theo ông Gabriel, nếu Nga gục ngã, điều đó sẽ không phục vụ gì cho lợi ích của Đức và khi mục tiêu của các bên chỉ là giúp giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina, việc buộc Nga phải khuất phục cũng chẳng có lợi gì. Hơn thế nữa, nếu Nga không còn là một đối tác trong việc giải quyết các cuộc xung đột, thì thế giới cũng đối mặt với những hậu quả khôn lường.
Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng Đức cảnh báo: Nếu nga gục ngã, Đức cũng chẳng được lợi gì. |
Không chỉ Phó Thủ tướng Đức, cựu Thủ tướng Italia đồng thời là giáo sư về kinh tế, ông Romano Prodi, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Messaggero (Italy) đã thẳng thắn rằng, nền kinh tế Nga suy yếu cũng không có lợi cho Italia.
Theo ông Prodi, cùng với các biện pháp trừng phạt được đưa ra liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina, giá dầu mỏ thế giới sụt giảm mạnh khiến GDP của Nga giảm khoảng 5% mỗi năm và điều này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Italy giảm tới 50%/năm. Đó là chưa tính tới việc đồng rúp của Nga giảm tới hơn 50% giá trị so với đồng USD trong những tháng qua đã làm sản lượng xuất khẩu từ châu Âu sang xứ sở Bạch dương suy giảm trầm trọng.
Cùng quan điểm với các nhà lãnh đạo Đức và Italia, Tổng thống Áo Heinz Fischer từng tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn APA vào những ngày cuối cùng của năm 2014 rằng việc EU nhấp nhổm ý định tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là bước đi "ngu ngốc và gây tổn hại" cho châu Âu.
Cho dù chưa thể khẳng định EU sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga theo hướng nào. Song, theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo "cựu lục địa" sẽ không dễ dàng để thông qua các biện pháp này khi đảng Syriza - vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp tuyên bố không ủng hộ quan điểm của EU siết chặt trừng phạt Nga. Việc EU "phớt lờ" Hy Lạp, không tham vấn chính phủ nước này về tuyên bố chung chỉ trích Nga về cái gọi là "sự hỗ trợ ngày càng tăng cho lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraina", mở đường cho việc các ngoại trưởng EU thảo luận các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga khiến tân Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố sẽ cân nhắc bỏ phiếu chống. Chủ trương xích lại gần Nga cũng là quan điểm của đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL), đối tác trong liên minh cầm quyền của ông Tsipras.
Chủ tịch ANEL, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, cũng đã nói về những "liên minh mới" và chi tiêu quân sự trong tương lai của Athens, điều khiến người ta nghĩ tới mối quan hệ với Nga.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, EU và các công ty châu Âu cũng đang chịu tác động ngược từ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Vì vậy, để thuyết phục được cả 29 nước thành viên EU đồng ý nâng mức trừng phạt với Nga là cực kỳ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn hiện nay của châu Âu.