Tam giác quan hệ Nga – Trung - Ấn: Trung tâm sức mạnh mới của thế giới
Theo nhận định của giới chuyên gia, đối diện với những "thách thức mới", ngoại trưởng ba nước đã nâng cuộc gặp này lên một cấp độ mới, với mục tiêu xây dựng một "tam giác sức mạnh" mới của thế giới.
Trong thông cáo chung, ngoại trưởng ba nước đã quyết định thành lập một cơ chế tham vấn về các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi sớm tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về cơ chế mới.
Theo nhận định của giới quan sát, cơ chế tham vấn hiếm hoi này sẽ tập trung vào việc điều phối các vấn đề trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được coi là khu vực cốt lõi cho các lợi ích chung của ba nước.
Hãng tin Sputnik News dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế về các quốc gia mới Aleksei Martynov chỉ ra rằng, quan hệ giữa tam giác Moskva - Bắc Kinh - New Delhi đã duy trì được 10 năm, đến nay đã phát triển thành một cơ chế đa phương hóa có sức mạnh.
Ông Martynov nhận định, cơ chế mà Nga - Trung - Ấn đang xây dựng có cơ hội trở thành một cấp quan trọng trong thế giới đa cực.
Với ý nghĩa như vậy, cuộc gặp của ngoại trưởng ba bên lần này chính là một bước tiến vững chắc để thực hiện điều đó.
Toàn cảnh cuộc họp lần thứ 13 Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Trung - Ấn. |
Mỗi quốc gia đều khiến Mỹ phải nhìn nhận rằng, thời đại thế giới đơn cực của họ đã trở thành lịch sử. Mưu đồ chi phối thế giới sẽ không đem lại kết quả. Dù Mỹ muốn lôi kéo Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc, hay mượn Trung Quốc làm đối trọng Nga đều sẽ không đi đến đâu.
Ông Martynov cho rằng, Hội nghị Bắc Kinh 2015 sẽ phát đi tín hiệu mới đến Mỹ, rằng "tam giác" G3 Nga - Trung - Ấn là một hiện thực địa - chính trị phải được thừa nhận".
Chia sẻ quan điểm này, theo nhận định của Chủ tịch Trung tâm Truyền thông chiến lược Nga Dmitry Abzalov, xu thế xây dựng G3 đã được hình thành: "Ba nước là đại diện trung tâm sức mạnh mới tại Nam Á và Đông Á, một vector phương Đông trong nền chính trị toàn cầu, bất chấp thực tế chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á là dựa vào mâu thuẫn Trung - Ấn".
Mặc dù, Ấn Độ và Trung Quốc đều có mối quan hệ phức tạp với các đối tác quan trọng của Washington. Cụ thể trong trường hợp Ấn Độ là Pakistan và trong trường hợp Trung Quốc là Nhật Bản.
Tuy nhiên, Moskva hoàn toàn có thể đóng vai trò đối tác đàm phán tích cực, một đối tác có khả năng củng cố vững chắc cho quan điểm của ba nước.
Ông Abzalov nêu rõ, rất có thể, trong tương lai gần, G3 sẽ là một hình thức thay thế nhất định hoặc trở thành một "G20 thu nhỏ".
Trong thông cáo chung gồm 30 điểm, các ngoại trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường phối hợp và hợp tác trong nỗ lực chung để duy trì nền hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hoan nghênh Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và Tuyên bố Thượng Hải đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh.