Trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai

Thứ Tư, 23/01/2019, 14:07
Kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên vừa được nhất trí sau chuyến thăm Washington 3 ngày của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Yong-chol.

Việc ông chủ Nhà Trắng lạc quan cho rằng giới truyền thông đã không đánh giá đúng về những tiến triển lớn đạt được giữa Washington và Bình Nhưỡng thời gian qua càng khiến dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp dự kiến diễn ra cuối tháng 2 này.

Liệu có đột phá?

Cuộc gặp kéo dài 90 phút tại Nhà Trắng giữa ông Kim Yong Chol với Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang cố gắng tìm kiếm một hiệp ước phi hạt nhân hóa mà có thể xóa bỏ sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa hai bên.

Còn nhớ, trong cuộc gặp diễn ra tháng 6-2018 tại Singapore, ông Kim Jong-un cam kết sẽ tháo dỡ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuyên bố này sau đó được Bình Nhưỡng hiện thực hóa thông qua việc ngưng các cuộc bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Song, các bước đi này dường như chưa được phía Mỹ công nhận, thậm chí cho rằng CHDCND Triều Tiên chưa thật sự bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí như đã hứa hẹn.

Trong khi các cuộc đàm phán về việc bãi bỏ trừng phạt Triều Tiên gặp bế tắc, Bình Nhưỡng bất ngờ đặt điều kiện là Mỹ cũng phải tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Với hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai có thể sẽ khai thông bế tắc trên, giới phân tích cho rằng Tổng thống Donald Trump đang rất “sốt ruột” để gặp Chủ tịch Kim, thậm chí đánh giá năm 2019 là năm mang tính quyết định cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Giờ đây mọi cặp mắt đều đổ dồn về chủ nhân Nhà Trắng. Trên nguyên tắc, sau cuộc gặp giữa ông Kim Yong Chol với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Donald Trump, ngày giờ và địa điểm cho thượng đỉnh lần hai sẽ sớm được thông báo.

Các chuyên gia cho rằng thượng đỉnh lần hai phải làm sáng tỏ nhiều điểm mập mờ vì giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cho đến nay vẫn không có cùng quan điểm về khái niệm “phi hạt nhân hóa bán đảo”. Trong khi Mỹ khăng khăng duy trì trừng phạt kinh tế nếu CHDCND Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân, phía Bình Nhưỡng đòi giảm nhẹ trừng phạt lập tức, đòi được bảo đảm an ninh, tố cáo Washington muốn nước này đơn phương hạ vũ khí mà chẳng có nhượng bộ nào.

Các nhà phân tích từ Mỹ nói rằng CHDCND Triều Tiên muốn có một thông điệp rõ ràng từ chính quyền của Tổng thống Trump về những nhượng bộ. Và nếu CHDCND Triều Tiên có những bước đi vững chắc tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình thì Washington có thể sẽ đề nghị chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bên cạnh việc đưa ra các viện trợ nhân đạo hoặc mở kênh đối thoại song phương thường trực.

Washington nhiều lần bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nhưng nước này lại coi việc phi hạt nhân hóa ở nghĩa rộng hơn, tìm kiếm một sự chấm dứt trừng phạt và yêu cầu Mỹ ngừng triển khai quân sự ở khu vực rộng lớn, chẳng hạn ở Nhật Bản và đảo Guam. Ông Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên thuộc Đại học Kyungnam đã chỉ ra rằng việc thiếu vắng một thỏa thuận rõ ràng sẽ làm dấy lên nghi ngờ về sự chân thành của Bình Nhưỡng.

Nếu ngôn từ của thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh lần hai giống như tuyên bố ngày 12-6 năm ngoái tại Singapore thì sẽ rất khó để ông Trump bảo vệ chính sách về Triều Tiên của ông. 

Một số nhà phân tích lo ngại về những lời bình luận gần đây của chính quyền ông Trump khi đề cập đến việc loại bỏ mối đe dọa đối với Mỹ, cho rằng điều đó có thể ám chỉ đến việc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng vẫn giữ lại bom và khả năng đe dọa đến các nước láng giềng của họ.

Đặc phái viên CHDCND Triều Tiên Kim Yong-chol và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Washington chiều 18-1.

Chìa khóa giải quyết vấn đề

Kể từ năm 2018, tình hình Bán đảo Triều Tiên đã có những thay đổi tích cực rõ rệt. Ngày 20-4-2018, Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 3 khóa 7 của Đảng Lao động Triều Tiên thông qua các nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại về tuyên bố đường lối song tiến xây dựng kinh tế và xây dựng lực lượng hạt nhân” và “Thích ứng với các yêu cầu của cách mạng phát triển lên một giai đoạn mới cao hơn, tập trung mọi lực lượng để tiến hành xây dựng kinh tế XHCN”.

Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un tuyên bố tại hội nghị rằng, CHDCND Triều Tiên không còn tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào, đồng thời đã phá hủy các bãi thử hạt nhân. Ngày 27-4, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đã ra “Tuyên bố Panmunjom”.

Tháng 9-2018, cuộc họp thượng đỉnh lần ba giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng”. Hai miền Triều Tiên còn ký một thỏa thuận về nhận thức chung trong lĩnh vực quân sự, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên chuyển từ đối đầu sang hữu hảo. Ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp mặt đầu tiên mang tính lịch sử, đồng thời ra “Tuyên bố chung”, đạt được thành quả mang tính lịch sử và đã tiến được một bước quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên cam kết “nỗ lực phi hạt nhân hóa toàn diện Bán đảo Triều Tiên”, Mỹ cam kết sẽ “bảo đảm an ninh” cho CHDCND Triều Tiên, đồng thời đạt được nhất trí trong việc xây dựng “cơ chế lâu dài ổn định và hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên và “quan hệ Mỹ-Triều Tiên kiểu mới” trên Bán đảo.

Giới phân tích cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay của CHDCND Triều Tiên là vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Liệu nước này có thể tạo ra bước đột phá trong vấn đề này hay không có thể là tiêu chuẩn quan trọng để đo lường sự thành công của “cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim” lần hai.

Then chốt để giải quyết vấn đề Triều Tiên nằm ở việc Mỹ cần phải thay đổi chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên, để Chiến tranh Triều Tiên thật sự kết thúc. Đối thoại và thấu hiểu là con đường duy nhất có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tất cả các biện pháp cô lập ngoại giao, trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự và thậm chí giải pháp mang tính xâm lược bằng vũ lực cuối cùng đều đã được chứng minh là thất bại.

Hòa giải là lối thoát duy nhất cho vấn đề Triều Tiên, đồng thời sự hòa giải này có thể sẽ đạt được trong cấu trúc an ninh Đông Bắc Á mà Mỹ tham gia.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.