Từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả

Thứ Tư, 15/11/2017, 10:36
Ngày 10-11-2017, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Công an Nhân dân đã phối hợp với VTV9 - Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp". Chương trình do Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tài trợ.


Hàng giả len lỏi từ "mẹt" tạp hóa đến siêu thị cao cấp

Trong nội dung đề dẫn tọa đàm,  Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên Tập Báo Công an nhân dân đã  nhấn mạnh một thực trạng nhức nhối: "Không dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ, hàng giả, hàng nhái đã thật sự trở thành một "ngành công nghiệp" đen tối đục ruỗng nền kinh tế đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, phá hoại thành quả của nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển trong nước và vươn ra thế giới…

Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp".

Lý giải về thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn quá nhẹ, nên hàng giả, hàng nhái vẫn tràn ngập thị trường".

Nhiều vụ việc nổi cộm như vụ án buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thuốc trị ung thư giả rúng động của Công ty dược VN Pharma mới vừa bị đưa ra xét xử. Và mới nhất là lô hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ đồng liên quan đến một nữ doanh nhân từng được cử đại diện Việt Nam tham gia chương trình bình chọn Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 vừa bị khám phá.

Giữa tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt Nguyễn Văn Sinh (34 tuổi, quê Bắc Ninh, ngụ huyện Bình Chánh) 8 tháng tù giam và Nguyễn Thị Huệ (28 tuổi, vợ Sinh) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo do đang có con nhỏ. Đôi vợ chồng này đã có hành vi làm giả các sản phẩm mang nhãn hiệu võng xếp Duy Lợi rồi tung ra thị trường thu lợi bất chính trong một thời gian khá dài…

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp. Đã kết thúc điều tra trinh sát 94 vụ, 106 đối tượng; đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: từ năm 2014 đến tháng 10-2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả.

Thực trạng này một phần bắt nguồn từ nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng hiện nay có sự thay đổi so với trước đây. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngày càng nhiều người tiêu dùng có tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay; một số khác lại có tâm lý thích hàng rẻ, đẹp. Lợi dụng điều này, các đối tượng tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả chọn thời điểm khan hiếm các loại sản phẩm này đã tung hàng giả ra bán trên thị trường.

Mặt khác, sự phát triển ồ ạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhiều cơ sở không theo kịp thị trường, chậm đổi mới cải tiến công nghệ dẫn đến làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản. Để cứu vãn tình thế, các cơ sở này đã thực hiện hoạt động phi pháp; trong đó có sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngoài ra, lợi dụng chính sách mở cửa, nhiều đối tượng bất lương còn nhập ồ ạt hàng giả sản xuất ở nước ngoài về trong nước. Sau đó tự mình hoặc liên doanh với công ty nước ngoài dùng dán nhãn mác công ty nổi tiếng đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.

Hàng giả nổi bật là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với phương thức hoạt động phạm tội hết sức tinh vi. Hàng giả, hàng nhái, có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các "mẹt" hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí có trường hợp len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những độ thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho "khổ chủ", nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có thể kể như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... giả, kém chất lượng. Những thủ đoạn làm hàng giả thường thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí đến mức tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Lô hàng có giá trị lên tới 30 tỷ đồng gồm các loại giày dép, linh kiện điện thoại, cặp, giỏ xách, các thiết bị xe máy, đồ chơi trẻ em… gắn mác giả các thương hiệu lớn bị phát hiện tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6 vừa qua.

Theo ông Trương Văn Ba, việc buôn bán hàng giả thu lợi nhuận quá lớn, nên doanh nghiệp, người dân vẫn bất chấp pháp luật để sản xuất, kinh doanh hàng giả. Do ham rẻ, người tiêu dùng thường ít quan tâm đến thương hiệu, chất lượng mặt hàng. Công tác chống buôn lậu, hàng giả của lực lượng chức năng vẫn xao nhãng, tạo cơ hội cho một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái đưa ra thị trường.

Có nhiều doanh nghiệp bị xâm hại quyền lợi, bị làm giả thương hiệu đã không thực sự chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh hiệu quả. Có những loại hàng giả như thuốc tân dược chưa có "visa" lưu hành tại Việt Nam nên khi cần giám định không có mẫu thu thập hợp pháp để so sánh theo yêu cầu của cơ quan giám định.

Đặc biệt, các văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm hàng giả, có những điểm trùng với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp. Một số điều quy định của Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Chẳng hạn như quy định "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm". Nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là "số lượng lớn", "gây hậu quả nghiêm trọng", từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.

Cơ chế pháp luật cũng chưa đảm bảo khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh phòng chống hàng giả. Thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh khi phát hiện những hành vi xâm phạm còn khá phức tạp, nhiều phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc...

Lập cầu nối cơ quan chức năng, doanh nghiệp với người tiêu dùng

Có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm cơ quan Quản lý thị trường; thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cảnh sát kinh tế; UBND các cấp cùng cơ quan Hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Đông nhưng không mạnh, hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.

Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ. Chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng. Khâu giám định, tưởng như chỉ là một thủ tục song lại làm "tắc" không ít vụ xử lý hàng giả, hàng nhái.

Hơn 100 tấn bột ngọt nghi làm giả bị lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện ở quận 12.

Hàng giả, hàng nhái được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào.

Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhiều mặt hàng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, và nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó. Nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam.

Không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.

Việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, triệt để, đa số là xử lý hành chính phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao. Ngoài ra, trong quá trình điều tra muốn khởi tố vụ án về hàng giả phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng mà thời gian tạm giữ có hạn đến khi có kết quả giám định, viện kiểm sát phê chuẩn thì việc bắt tạm giam thường rất khó khăn vì phần lớn đối tượng là dân nhập cư, chỗ ở không ổn định.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: các doanh nghiệp hiện vẫn chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý xâm phạm; còn tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả...

Tất cả những hạn chế, nguyên nhân đã khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng,  khó có thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều. Theo ông Trương Văn Ba, để ngăn chặn hàng giả thì cần có sự phối hợp của toàn xã hội, cần phải thiết lập một cầu nối, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp với người tiêu dùng và đặc biệt cần tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ để nói không với hàng giả.

Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin nguồn gốc hàng hóa, các thông tin liên quan đến sản phẩm và đặc biệt là phải có hóa đơn chứng từ. Phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Nếu phát hiện mua nhầm phải hàng giả thì cần thông tin đầy đủ đến cho cơ quan Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng quảng bá sản phẩm, hướng dẫn cho người tiêu dùng đề phòng các thủ đoạn làm giả và kênh phân phối hàng giả, chủ yếu là ở những vùng sâu, vùng xa. Doanh nghiệp cần làm đến nơi đến chốn khi phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả, nhái. Đối với cơ quan Nhà nước thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, cơ quan có liên quan với lực lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm…

Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Phú Lữ - Văn Hào
.
.