Tượng Ai Cập cổ đại tự... xê dịch

Thứ Bảy, 06/07/2013, 17:35

Toàn bộ nhân viên Viện Bảo tàng Manchester tọa lạc trong khuôn viên Trường đại học cùng tên ở thành phố Manchester, Anh trong những ngày này như “lên cơn hoảng loạn”, khi mục kích điều chưa từng xảy ra đối với một hiện vật được trưng bày tại đây 8 thập niên trước.

Đó là một bức tượng Ai Cập có niên đại 4.000 năm tuổi, tự dưng cứ dần… xê dịch mà không ai đụng chạm tới, bởi được bảo quản trong tủ kính trưng bày gắn khóa chắc chắn.

Pho tượng trong tư thế đứng cao 1,25m này vốn là xác ướp của giáo sĩ Neb-Senu, được khai quật đầu thập niên 30 thế kỷ trước tại ngôi đền thờ thần Osiris, hiện thân của Diêm vương trong tín ngưỡng Hy Lạp và Ai Cập cổ đại. Cứ sau vài ngày bức tượng lại dịch chuyển sang tư thế đối diện với hành lang tham quan, nghĩa là xoay khuôn mặt sinh động vào trong, phần lưng lại phơi ra trước công chúng, khiến du khách cứ truyền tai nhau rằng pho tượng cổ đã bị “ma ám”.

Bức tượng mô phỏng vị giáo sĩ Ai Cập trong trang phục cổ đội tóc giả, hơi bước chân bên trái lên phía trước. Còn những dòng chữ tượng hình sau lưng tượng có nghĩa là “bánh mì”, “nước uống lên men” và “thịt bò”, dễ làm nhiều người ngộ nhận là lời nguyền của  xác ướp sắp phát huy tác dụng(!).

Còn Campbell Price, người trông coi gian trưng bày cho biết: “Thoạt tiên tôi rất ngạc nhiên, cứ nghĩ đây là dạng biến thể từ lời nguyền của xác ướp như thiên hạ vẫn đồn thổi, bởi chỉ riêng tôi giữ chìa khóa gian trưng bày được ốp kính bảo quản này, trong khi thời hạn bảo trì tượng phải hơn nửa năm sau mới đến”.

Hình ảnh trích từ camera ghi lại các tư thế của tượng.

Trên quan điểm không tin vào sự mê tín dị đoan, một nhóm nhà khoa học thuộc Trường đại học Manchester đã cho đặt camera theo dõi, nhằm phát hiện khả năng có một kẻ đột nhập bí mật nào đó. Té ra tượng cứ dần xê dịch ngược chiều kim đồng hồ do tác động từ những bước chân của khách tham quan, chấn động lan truyền cộng hưởng đã ảnh hưởng tới bệ móng đặt tượng dẫn đến hiện tượng tự xê dịch mà mắt thường khó phát hiện ra.

Cụ thể, nhà vật lý Brian Cox đang giảng dạy tại Trường đại học Manchester giải thích cặn kẽ hơn: “Đó là một dạng ma sát khác biệt. Trong trường hợp này phần đá xù xì dưới chân tượng đã tiếp xúc với mặt phẳng của sàn kính bảo quản, gây ra một sự rung động tinh tế khiến bức tượng chuyển dịch dần”. Sau khi bắt vít gắn chặt vào nền móng thì bệ tượng đã cố định hẳn.

“Vấn đề bí ẩn ở đây là tại sao tượng lại tự xoay giới hạn bởi một vòng tròn khép kín hoàn hảo, trong khi xung lực do du khách tạo ra không đồng đều?”, Giáo sư B. Cox nêu câu hỏi kèm lời đề nghị giới khoa học Anh cùng tham gia phân tích để làm sáng tỏ hiện tượng hy hữu này.

Được biết, Bảo tàng Manchester được thành lập vào năm 1867 là một phần trong cơ cấu hình thành Trường đại học Manchester, gần trung tâm thành phố Manchester với 4,5 triệu hiện vật trưng bày có xuất xứ từ 5 châu lục. Bức tượng nói trên có niên đại khoảng năm 1.800 trước Công nguyên, được tặng cho bảo tàng vào cuối năm 1933

Quang Long (theo Daily Mail)
.
.