Tương lai Thổ Nhĩ Kỳ về đâu?

Thứ Tư, 20/07/2016, 17:30
Cuộc đảo chính bất ngờ và đẫm máu xảy ra đêm 15 rạng sáng 16-7 vừa qua đã thất bại, để lại nhiều hậu quả và những vấn đề liên quan. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là người chiến thắng sau cuộc binh biến bất thành, nhưng những hành động mà ông tiến hành ngay sau đó lại khiến cộng đồng quốc tế quan ngại, nhất là những đồng minh trong khối NATO và Liên minh châu Âu.

Bất ngờ nhưng không có yếu tố “nhân hòa” nên bất thành

Chỉ khoảng 3 giờ sau khi nổ ra binh biến đêm 15-7, rạng sáng 16-7, lực lượng đảo chính đã phong tỏa các tuyến đường ra vào hai thành phố lớn Ankara và Istanbul. Cuộc đảo chính đã suýt thành công khi các sĩ quan tham gia đảo chính dùng 2 máy bay trực thăng bay đến khách sạn Grand Yazici Marmaris Mares tại Marmaris, tỉnh Mugla, nơi Tổng thống Erdogan đang nghỉ dưỡng với âm mưu bắt giữ hoặc ám sát ông, nhưng ông Erdogan khi đó đã rời đi nhờ được cảnh báo trước (bởi tướng Umit Dundar, Tư lệnh Quân đoàn 1).

Đây là khoảnh khắc quyết định của cuộc đảo chính. Nếu phe đảo chính bắt hoặc giết được Tổng thống Erdogan, cục diện có lẽ đã khác. Thoát hiểm, Tổng thống Erdogan có cơ hội phản công.

Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ an ninh tại một tòa nhà nơi ông Erdogan tới phát biểu.

Một vấn đề nữa của phe đảo chính là họ đã không chiếm được các đài phát thanh và truyền hình nhà nước - một công cụ quan trọng để họ có thể kêu gọi người dân và quân đội đứng về phía họ. Chính vì điều này, Tổng thống Erdogan đã có cơ hội lên đài truyền hình kêu gọi quân đội trung thành với tổng thống và người dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng hành động để ngăn cuộc đảo chính.

Phải nói rằng nhóm sĩ quan, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc đảo chính đêm 15/7 có một ưu thế lớn là sự bất ngờ. Họ ra quân đúng thời điểm Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát, bao vây, chiếm giữ các địa điểm chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm, thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.

Tốc độ triển khai của các nhóm binh sĩ đảo chính tiến chiếm các vị trí quyền lực quan trọng ở các thành phố lớn cho thấy trình độ tổ chức và hiệu suất làm việc rất cao của họ. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế đó, họ lại thiếu đi những yếu tố mà theo các chuyên gia phân tích là đóng vai trò quyết định cho thành bại của một cuộc đảo chính.

Yếu tố đầu tiên là sự đoàn kết, nhất trí trong quân đội. Các chỉ huy dẫn dắt cuộc đảo chính là những người ủng hộ phong trào Gulen và có ảnh hưởng nhất định trong quân đội. Nhưng điều quan trọng là phong trào Gulen chỉ biết khai thác sự chia rẽ trong quân đội, chứ không biết cách phải đoàn kết các tướng lĩnh. Gulen là phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống lưu vong tại Mỹ.

Giáo sĩ Fethullah Gulen tại nhà riêng ở bang Pennsylvania, Mỹ.

Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập lực lượng hiến binh, nơi việc kiểm tra lý lịch tương đối lỏng lẻo, và sau đó dần dần “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ chỉ huy trong quân đội. Với tên gọi khác là Hizmet (Phụng sự), phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng.

Giới phân tích cho rằng cuộc đảo chính vừa diễn ra chỉ là hành động bột phát của một nhóm nhỏ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia thế tục, các tướng lĩnh quân đội khác và cả dân chúng. Bởi khi cuộc đảo chính xảy ra, Erdogan vẫn thực thi đầy quyền lực của mình, có thể kết nối với truyền hình và quan trọng nhất là mạng xã hội, kêu gọi được hàng ngàn người ủng hộ xuống đường.

Lệnh giới nghiêm, thiết quân luật không được thực hiện. Cảnh sát, lực lượng trung thành với Erdogan, sẵn sàng đối đầu với quân đội. Điều đó lý giải việc người dân đổ ra đường chặn xe tăng, và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ trở nên mạnh mẽ hơn hay suy yếu đi sau đảo chính?.

Mặc dù chính sách đối ngoại và đối nội của ông Erdogan vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia theo đường lối thế tục và ôn hòa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ một thể chế và một tổng thống được dân bầu. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa quên thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế sau những cuộc đảo chính quân sự trước đây và họ không hề muốn điều đó lặp lại. Cuộc đảo chính này chỉ là hệ quả của sự chia rẽ bên trong quân đội và việc lợi dụng sự chia rẽ đó không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công.

Vai trò của giáo sĩ Fethullah Gulen

Cho đến nay, mọi nghi vấn đều tập trung vào giáo sĩ Fethullah Gulen, giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania, Mỹ, từ năm 1999. Mặc dù ông Gulen đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm trong cuộc đảo chính bất thành, nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và bản thân Tổng thống Erdogan vẫn tin rằng ông này có ảnh hưởng nhất định đối với những kẻ tổ chức và tham gia đảo chính. Một bộ phận dư luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng ông có vai trò nhất định trong cuộc đảo chính bất thành này.

Giáo sĩ Gulen năm nay 75 tuổi, từng là một đồng minh thân cận của ông Erdogan thời ông còn làm Thủ tướng, và cả hai người đều cùng có lợi trong mối quan hệ này. Giáo sĩ Gulen theo quan điểm Hồi giáo ôn hòa, là người có tầm ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong cộng đồng Hồi giáo ôn hòa trên thế giới. Ông đã xây dựng một mạng lưới trường học Hồi giáo tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có hơn 100 ngôi trường chính thống ở Mỹ.

Người ta ước tính Gulen có khoảng 1 đến 8 triệu người đi theo, trong đó phần lớn ở trong nước Thổ Nhĩ Kỳ. Thời còn “nồng ấm”, Gulen đã kêu gọi người của mình ở trong nước ủng hộ ông Erdogan, giúp ông dễ dàng leo lên các nấc thang quyền lực.

Mối quan hệ đó bắt đầu đổ vỡ vào năm 2013, với việc Gulen cáo buộc Erdogan có những hành động bao che tham nhũng và không duy trì dân chủ trong nước mình. Cùng năm đó, Erdogan phá một âm mưu đảo chính trong hàng ngũ các tướng lĩnh chỉ huy quân đội, và cáo buộc ông Gulen chủ mưu, giật dây vụ việc. Một phiên tòa mở vào tháng 10-2014 đã tuyên buộc tội vắng mặt giáo sĩ Gulen tội “lật đổ chính phủ”. Ankara yêu cầu Washington cho dẫn độ Gulen về nước để xét xử. Đây là một trong những vấn đề gây lấn cấn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lính của phe đảo chính bị áp giải lên một chiếc xe, đưa về các trụ sở cảnh sát.

Khi cuộc đảo chính bất thành xảy ra, yêu cầu dẫn độ lại được đặt ra. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, việc xem xét kết tội ông Gulen và dẫn độ ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ phải có bằng chứng cụ thể chứng minh ông ta có tham gia “đạo diễn” hoặc có liên quan với mức độ nào đó đến cuộc đảo chính. Cho đến nay, Ankara vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Cuộc “đại thanh trừng” chưa biết bao giờ dừng lại

Mặc dù Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rõ ràng đã đẩy lùi được cuộc đảo chính, song câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là ông sẽ trở nên hùng mạnh hơn hay trở thành một nhà lãnh đạo yếu thế phải nhân nhượng các đối thủ của mình.

Nigar Goksel, một nhà phân tích kỳ cựu chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết có hai kịch bản có thể xảy ra: Hoặc là ông Erdogan nhân vụ việc này cải tổ các thể chế ở Ankara sao cho có lợi cho ông ta, hoặc là chớp lấy khoảnh khắc đoàn kết nhiều thành phần xã hội khác nhau phản đối vụ đảo chính để đầu tư thực sự cho pháp trị và hợp pháp hóa các hình thức bất đồng chính kiến.

Lịch sử của chính ông Erdogan cho thấy kịch bản thứ hai ít có khả năng xảy ra. Cứ mỗi khi ông ta vượt qua được thách thức quyền lực, từ các cuộc biểu tình đường phố cách đây 3 năm đến cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào êkíp của mình, Erdogan đều xử lý mạnh tay đối thủ và trở nên chuyên quyền hơn.

Theo ước tính, 265 người đã chết trong cuộc đảo chính, bao gồm 104 binh sĩ thuộc cả hai phe và 161 dân thường. Ngay sau khi dập tắt cuộc đảo chính, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch “đại thanh trừng” chưa từng có.

Thông tin mới nhất cho biết, Cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam hơn 6.000 người bị cho là có liên quan đến cuộc đảo chính, trong đó có hơn 3.000 quân nhân. Hàng ngàn cảnh sát, thẩm phán tòa án cũng bị sa thải. Đáng chú ý trong số người bị bắt có 103 tướng lĩnh quân đội và chỉ huy cảnh sát, đặc biệt là Ali Yazici - cố vấn quân sự của Tổng thống Erdogan - và tướng Bekir Ercan Van, chỉ huy Căn cứ Không quân Incirlik, nơi các máy bay của Mỹ và các đồng minh trong liên quân xuất kích chống IS.

Một số nhà phân tích cho rằng, chiến dịch trấn áp sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là làm nhụt nhuệ khí và làm rời rạc sự phối hợp tác chiến. Việc bắt và tống giam các sĩ quan chỉ huy chiến đấu cũng như các sĩ quan phụ trách hậu cần có nguy cơ đẩy quân đội vào tình trạng vô tổ chức. Các kế hoạch đào tạo sẽ bị đảo lộn vì các cuộc diễn tập định kỳ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tâm lý hoài nghi sẽ lan rộng.

Việc lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn do chính phủ cải tổ các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát. Tất cả những thách thức mới này nảy sinh vào thời điểm không thể tệ hơn được nữa đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng đang phải can dự mạnh mẽ vào cuộc chiến với đảng Công dân người Kurd (PKK) cũng như đang sa lầy tại Syria và Iraq. Một quân đội bị suy yếu sẽ khiến Ankara không còn nhiều công cụ để xử lý những cuộc chiến này.

Sự thiếu gắn kết của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực tại khu vực của các quốc gia khác. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) của Mỹ phụ thuộc nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ vì ở đây có căn cứ cho các chiến dịch không quân của Mỹ.

Washington cũng dựa vào Thổ Nhĩ Kỹ để cắt đứt các tuyến hậu cần cho IS. Trên lý thuyết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là một trong những lực lượng mạnh nhất khu vực nhưng trên thực tế, binh sĩ của lực lượng này có tinh thần chiến đấu không cao và thường bất mãn.

Nga, Mỹ và EU đã lên án cuộc đảo chính đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc “đại thanh trừng” trong hàng ngũ quân đội và cảnh sát, trong bộ máy hành chính, cũng như việc Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ xem xét áp dụng lại hình phạt tử hình nhằm trừng trị đích đáng những kẻ tổ chức cuộc đảo chính lại đang gây quan ngại trong các nước đồng minh, nhất là Mỹ và EU.

Ngày 18-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini đã đồng loạt kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp luật trong các hành động của mình. Bà Mogherini cũng tuyên bố EU sẽ xét lại tiến trình đàm phán thành viên với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara cho áp dụng lại án tử hình như đã tuyên bố, vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Hội đồng châu Âu, đã đặt bút ký vào công ước về nhân quyền châu Âu, vốn cấm áp dụng hình phạt tử hình.

Cách thức xử lý sau đảo chính sẽ quyết định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Tổng thống Erdogan giảm bớt tham vọng và cho phép soạn thảo một hệ thống hiến pháp mới đảm bảo có những quy tắc dân chủ - tự do đồng thời củng cố tiến trình ra quyết sách được thể chế hóa, tình hình nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần.

Trái lại, nếu như ông Erdogan và AKP tổ chức bầu cử đột xuất để đảm bảo nắm giữ đa số tuyệt đối, soạn thảo một hiến pháp thậm chí còn chuyên quyền hơn văn bản hiện hành, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ càng tồi tệ hơn.

An Châu - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.