Tương lai hòa bình Israel-Palestine sẽ theo hướng nào?

Thứ Hai, 26/12/2016, 14:35
Liên quan đến vấn đề các khu định cư của Israel trên đất của người Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cuối cùng vẫn không có động thái hay cử chỉ nào thể hiện quan điểm của mình đối với vấn đề này. Trong khi đó, Israel lại đang hối thúc Mỹ dời Đại sứ quán đến Jerusalem ngay trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức.

Chiều ngày 22-12 (giờ New York, tức sáng 23-12 giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định hoãn phiên họp dự kiến diễn ra vào chiều cùng ngày để thảo luận dự thảo Nghị quyết Hội đồng Bảo an do Ai Cập dự thảo và đề xuất.

Trước đó, vào chiều ngày 21-12, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã quyết định mở phiên họp bất thường để xem xét dự thảo Nghị quyết của Ai Cập. Ai Cập sẽ có gặp các quan chức ngoại giao Liên đoàn Arập để xem xét lại nội dung bản dự thảo Nghị quyết này trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Nguồn tin ngoại giao tại LHQ cho biết, thời gian để tổ chức lại phiên họp chưa được xác định.

Dư luận giới ngoại giao ở LHQ cho biết, nguyên nhân của việc hoãn vô thời hạn phiên họp thảo luận Nghị quyết này được cho là xuất phát từ việc Israel đã vận dụng hết công suất guồng máy ngoại giao như đã gây áp lực đối với chính quyền Ai Cập ngay khi biết được thông tin về phiên họp của Hội đồng Bảo an để thảo luận Nghị quyết, lên tiếng kêu gọi Mỹ sử dụng quyền phủ quyết của mình nếu Nghị quyết được mang ra thảo luận và biểu quyết thông qua.

Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng, Nghị quyết mà Ai Cập đề xuất “không có lợi cho hòa bình”, và khẳng định “hòa bình chỉ có được thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên”.

Cần biết rằng, Ai Cập là quốc gia Arập đầu tiên ký kết hiệp định hòa bình song phương với Israel. Tuy nhiên, Ai Cập cũng thể hiện rõ quan điểm của mình là muốn Israel chấm dứt việc xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestine.

Việc xây dựng nhà ở vẫn đang tiếp diễn tại khu định cư Beitar Illit.

Song song với dự thảo Nghị quyết của Ai Cập, New Zealand cũng dự thảo một nghị quyết theo hướng tương tự. Sự xuất hiện 2 dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an vào lúc này xuất phát từ những đồn đoán trong dư luận ngoại giao quốc tế về việc Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama có thể đang thay đổi chính sách đối với Israel và sẽ không phủ quyết các nghị quyết có liên quan đến chương trình xây dựng các khu định cư của Israel.

Những lời đồn đoán này càng được dịp lan nhanh khi dư luận chứng kiến việc chính quyền Mỹ bực tức với động thái gần đây của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông qua luật mới cho phép xây dựng thêm hàng trăm khu nhà ở trên các phần đất tư nhân của người Palestine.

Liên Hiệp Quốc xem các khu định cư của Israel trên đất của người Palestine là bất hợp pháp, vì vậy cần phải có động thái để buộc Israel dừng xây dựng nhà ở tại các khu định cư này. Câu chữ trong dự thảo Nghị quyết ghi rõ rằng, việc xây dựng các khu định cư của Israel “không có cơ sở pháp lý và tạo nên những vi phạm trắng trợn đối với luật pháp quốc tế”. Và Nghị quyết yêu cầu “Israel dừng ngay lập tức và hoàn toàn các hoạt động xây dựng khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine, kể cả Đông Jerusalem”.

Các nhà ngoại giao ở LHQ xem việc thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết do Ai Cập đề xuất là cơ hội cuối cùng để cộng đồng thế giới có tiếng nói mạnh mẽ đối với vấn đề này, thậm chí có thể gây áp lực buộc Israel phải dừng hoàn toàn việc xây dựng nhà ở trái phép. Chính quyền Obama cũng phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư, và vấn đề này cũng là mấu chốt gây sóng gió trong quan hệ Mỹ - Israel suốt 2 nhiệm kỳ của ông Obama.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay Mỹ có vẻ không ủng hộ cho việc thông qua Nghị quyết về vấn đề này tại Hội đồng Bảo an LHQ, vì theo phân tích của giới chức Mỹ, ông Obama đang sắp hết nhiệm kỳ nên không muốn có bất kỳ động thái lớn nào đối với vấn đề Israel - Palestine.

Nếu vậy thì việc thảo luận và thông qua Nghị quyết của Ai Cập sẽ dời sang nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump? Nếu vậy thì số phận của dự thảo Nghị quyết càng bấp bênh, thậm chí có thể sẽ hoãn vô thời hạn. Và nếu phiên họp có được tổ chức để thảo luận thì Nghị quyết cũng sẽ khó được thông qua, bởi khi đó Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết như từng làm trước đây.

Các dấu hiệu đầu tiên cho thấy Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump sẽ không ủng hộ bất cứ hành động nào chống lại Israel. Trong một tuyên bố, ông Trump cho rằng Mỹ nên dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự thảo Nghị quyết. Ngày 22-12, Israel tiếp tục gia tăng áp lực lên nước Mỹ, với việc Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer ra tuyên bố kêu gọi Mỹ cần sớm dời Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem - một cử chỉ được xem là mặc nhiên công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Động thái này được Đại sứ Dermer tính toán kỹ và phù hợp theo xu thế mới trên chính trường Mỹ khi ông Trump lên nắm quyền.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã hứa là sẽ “công nhận Jerusalem là thủ đô Israel” - một hành động mà các đời Tổng thống Mỹ từ trước đến nay chưa bao giờ làm. Tuần trước, Trump lại chọn một người có quan điểm ủng hộ Israel làm Đại sứ Mỹ tại Israel, và chính bản thân ông này cũng đã tuyên bố sẽ không ngăn cản Israel xây dựng các khu định cư.

Ngoài ra, ngay trong gia đình ông Trump cũng đang tồn tại mối quan hệ riêng với Israel. Đó là việc gia đình của con rể ông, Jared Kushner quản lý một tổ chức từ thiện và tổ chức này đã tài trợ cho một số khu định cư của Israel ở Bờ Tây sông Jordan.

Với tình hình như thế, giới quan sát cho rằng tương lai đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ càng trở nên khó khăn hơn dưới thời Tổng thống Obama, vốn cũng đã nghiêng hẳn về phía Israel, chèn ép người Palestine ở mức tối đa.

An Châu (tổng hợp)
.
.