Tương lai nào cho Syria bước sang 2021?

Thứ Hai, 04/01/2021, 19:09
Giao tranh cường độ cao đã chấm dứt kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tại Syria được ký kết vào mùa xuân vừa qua và các mặt trận đã ổn định trở lại. Nhưng, cuộc chiến dường như vẫn chưa kết thúc. Các mặt trận đối đầu hữu hình hoặc vô hình và các cuộc khủng hoảng đánh dấu năm 2020 có thể sẽ ngăn cản quá trình tái thiết Syria ngay từ đầu năm 2021.

Trong năm 2020, Israel đã tiến hành 27 cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Syria, phần lớn tập trung ở vùng nông thôn Damas và Quneitra, nơi có sự hiện diện của lực lượng Hezbollah và các lực lượng dân binh được Iran hậu thuẫn. Trong cuộc tấn công mới nhất nhằm quấy rối lực lượng Iran ở Syria của Israel ngày 30-12, lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ một số tên lửa nhưng vụ tấn công này đã khiến 1 binh sĩ Syria thiệt mạng, 3 người bị thương và các thiệt hại vật chất khác.

Câu chuyện của người Kurd

Năm 2020, Syria bắt đầu bằng một loạt cuộc tấn công của quân khủng bố, tiếp theo là sự phản công từ Damas, với sự hỗ trợ của không quân Nga, vào khu vực Idlib vẫn do phiến quân thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát. Cuộc phản công này đã thành công nhất định, quân Chính phủ Syria tiến lên kiểm soát con đường M5 chiến lược.

Tuy nhiên, những tiến bộ này đã dừng lại với sự can thiệp của Ankara trong khuôn khổ Chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” được khởi động vào ngày 1-3, mà Thổ Nhĩ Kỳ biện minh vào thời điểm đó là cần ngăn chặn dòng người tị nạn đang tụ tập ở biên giới nước này. Thế giới nín thở sau sự can thiệp này, vì lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã tạo ra một lệnh ngừng bắn, kết quả từ các cuộc đàm phán khó khăn, vào ngày 5-3 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó, các cuộc giao tranh luôn diễn ra đều đặn nhưng không được tăng cường quá mức.

Khung cảnh đổ nát thường thấy tại Syria sau nhiều năm chiến tranh.

Ở miền Đông Syria do lực lượng người Kurd kiểm soát, giao tranh cường độ cao cũng ngừng lại trong năm 2020. Vấn đề lớn trong khu vực chiến lược cao này trước hết là việc các lực lượng Mỹ hỗ trợ chính quyền người Kurd có rút lui hay không. Mặc dù nhiều lần bắn tiếng sẽ rút quân nhưng cuối cùng Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn quân Mỹ ở lại Syria để “giữ dầu mỏ”. 

Một thỏa thuận đã được ký kết giữa các nhà lãnh đạo người Kurd và một công ty dầu mỏ của Mỹ vào cuối tháng 7-2020. Riadh Sidaoui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính trị - xã hội Arab (CARAPS), nhận định: “Người Kurd đang chơi với lửa khi ký một thỏa thuận như vậy. Họ có một vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Syria, nơi tốt hơn nhiều so với bất cứ thứ gì họ có thể có ở các nước láng giềng. Tiến thêm một bước nữa để hướng tới quyền tự trị lớn hơn của người Kurd ở khu vực này, trước cửa ngõ của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến họ càng phải đối mặt với mối đe dọa quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cái bóng của IS

Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc và phía Tây không phải là mối đe dọa duy nhất đối với lực lượng người Kurd. Lực lượng khủng bố IS, sau một thời gian hoạt động bí mật đang dần trở lại công khai, vẫn là yếu tổ không thể bỏ qua. Đây là một mối đe dọa lúc ẩn lúc hiện nhưng rất thực tế đối với tất cả các “diễn viên” khác tham gia “vở kịch” ở Syria.

Kể từ sau sự thất thủ vào tháng 3-2019 của Baghouz, thành trì cuối cùng, nhóm khủng bố IS đã liên tục quấy rối kẻ địch của mình. Tại Syria, theo Viện Chính sách Cận Đông của Washington, một tổ chức tư vấn của Mỹ, IS đã thực hiện 1.000 cuộc tấn công kể từ sau trận chiến Baghouz. Và không có gì chỉ ra rằng chúng sẽ khác vào năm 2021.

“IS nhất thiết sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để cố gắng tối đa hóa việc chiếm lại một số vùng lãnh thổ nhất định. Bối cảnh hiện tại của các quốc gia Syria và Iraq, cuộc khủng hoảng Corona virus, sự rút lui của các lực lượng nước ngoài, cũng tạo ra những kẽ hở chiến lược cho IS”, Myriam Benraad, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu về thế giới Arab và Hồi giáo (IREMAM), nhận định.

Đối mặt với tất cả những thách thức này, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang cố gắng cầm cự tốt nhất có thể. Nếu những năm trước áp lực quân sự là đáng kể thì điều mà Damas đặc biệt suy yếu vào năm 2020 lại là cuộc khủng hoảng Corona virus và những hậu quả kinh tế của nó đã tàn phá một nền kinh tế vốn bị tàn phá bởi gần một thập niên xung đột. Thêm vào đó là một chế độ trừng phạt quyết liệt do Washington áp đặt vào tháng 6-2020.

Và về mặt quân sự, quân đội Syria vẫn là mục tiêu của các cuộc tấn công bất ngờ ở mọi nơi trên đất nước, ngay cả ở những nơi Damas nghĩ rằng họ đã an toàn.

Chiến trường ủy nhiệm

Đối mặt với tình hình này, Syria cần các đồng minh của mình hơn bao giờ hết. Dù về mặt quân sự hay kinh tế, Nga tiếp tục hỗ trợ Damas bằng cách thúc đẩy cụ thể “một mô hình kinh tế vượt qua lệnh cấm vận của phương Tây” nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu của cả một quốc gia.

Iran cũng giống Nga đang tích cực hỗ trợ Damas về mặt quân sự và kinh tế nhưng lại phải trả những cái giá lớn hơn Nga vì các lực lượng và lợi ích của Tehran thường là mục tiêu của quân đội Israel khi cố gắng đánh đuổi Iran khỏi Syria. “Israel đang cố gắng ngăn chặn hai điều bằng mọi giá ở Syria: một là Hezbollah không có được tên lửa chính xác cao do Iran cung cấp thông qua Syria, loại tên lửa này có thể cho phép tấn công các trung tâm đô thị và các cơ sở quân sự ở Israel. Thứ hai là tránh bằng mọi giá việc chuyển giao công nghệ có thể cho phép Hezbollah chế tạo tên lửa có độ chính xác cao của riêng mình”, Gil Mihaely, Tổng Biên tập Tạp chí Conflits cho biết.

Cuối cùng, tất cả những thách thức trên sẽ vẫn còn vào năm 2021. Từ Idlib đến Hassaké, từ Damas đến Deir Ezzor, từ Raqqa đến Homs, Syria rất có thể sẽ vẫn là trọng tâm của các vấn đề địa chính trị Trung Đông trong năm 2021 và thậm chí xa hơn nữa. Vấn đề tái thiết đất nước và sự trở lại của những người tị nạn cũng sẽ được đặt ra một khi các vấn đề quân sự được giải quyết và những điều này cũng hứa hẹn sẽ rất khó khăn.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.