Tương lai thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3: Hòn bấc ném đi...

Thứ Tư, 24/04/2019, 15:41
Rơi vào tình trạng bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên liên quan đến hồ sơ hạt nhân càng trở nên khó khăn khi xuất hiện những yếu tố mới.

Trong khi Bình Nhưỡng liên tục gia tăng sức ép với Washington, thậm chí Chủ tịch Kim Jong-un đã định hạn cho Mỹ đến cuối năm phải tìm ra sự đồng thuận về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump thay đổi thái độ trước khi đề cập đến hội nghị thượng đỉnh lần 3 thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại có những lời lẽ được coi là “xúc phạm” nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến quan chức nước này đề nghị loại ông Pompeo khỏi cuộc đàm phán và hết sức giận dữ.

Thận trọng với “lằn ranh đỏ”

Ngày 17-4 Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử nghiệm thứ hai kể từ khi khởi động “tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân” trên Bán đảo Triều Tiên. Lần trước là vào tháng 11-2018, 5 tháng sau hội nghị thượng đỉnh lần 1 tại Singapore. Lần này cuộc thử nghiệm diễn ra 2 tháng sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội mà kết cục là phái đoàn Mỹ và Triều Tiên đã không ra được tuyên bố chung. Đường dây liên lạc giữa Washington và Bình Nhưỡng từ cuối tháng 2 đến nay bị “đóng băng”.

Tuần trước Tổng thống Hàn Quốc đã đến Washington, đề nghị Nhà Trắng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, cho phép Hàn Quốc và Triều Tiên mở rộng hợp tác kinh tế, nối lại một số hoạt động du lịch. Song, Tổng thống Moon Jae-in dường như không thuyết phục được ông Donald Trump. Trong bối cảnh đó, truyền thông quốc tế cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đang chuẩn bị hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào nửa cuối tháng 4 này.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một cuộc diễn tập quân sự hôm 16-4 tại địa điểm không được công bố.

Trên thực địa, những ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho thấy bãi phóng tên lửa ở Sohae đã được dựng lại và cơ sở hạt nhân Yongbyon đã hoạt động trở lại, kể cả “khâu xử lý nguyên liệu nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự”.

Về câu hỏi vụ thử nghiệm lần này có nguy cơ phá vỡ cuộc đối thoại Trump-Kim hay không, giới phân tích thận trọng cho rằng vấn đề không đơn thuần là “đen hay trắng”. Trong 2 cuộc thử nghiệm “vũ khí mới” hồi tháng 11-2018 cũng như hôm 17-4-2019, Triều Tiên đã thử nghiệm loại vũ khí nào?

Theo Hãng Thông tấn Triều Tiên KCNA, đó là một loại vũ khí “chiến thuật hiện đại” chứ không phải “thử tên lửa” hay vũ khí “chiến lược”, tức là không đe dọa an ninh của Mỹ. Hơn nữa, hồi tháng 11-2018, Bình Nhưỡng cũng đã cho thử loại vũ khí tương tự nhưng nguyên thủ Mỹ-Triều Tiên vẫn tiếp tục đối thoại và thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 đã được tổ chức tại Hà Nội. Như vậy, tương lai tiến trình đàm phán Mỹ-Triều Tiên tùy thuộc phần lớn vào “loại vũ khí” mà Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm.

Điều thứ hai đáng chú ý là thông qua động thái vừa rồi, Bình Nhưỡng thể hiện nỗi bất bình trước thái độ của Washington và gián tiếp chứng minh cả với Mỹ lẫn với công luận Triều Tiên, rằng chính quyền vẫn có khả năng phát triển những loại vũ khí hiện đại và khả năng phòng thủ của quốc gia khép kín này vẫn rất lợi hại.

Tuy nhiên, như đánh giá của Lee Jong Seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thận trọng không “vượt quá lằn ranh đỏ”, không thử tên lửa tầm xa hay bom nguyên tử để Mỹ nhân cơ hội này tăng thêm cấm vận Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng tránh chọc giận chủ nhân Nhà Trắng vì hành động đó coi như vĩnh viễn chôn vùi hy vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Yếu tố gây căng thẳng

Đã có rất nhiều dự cảm tốt đẹp về 2 cuộc gặp thượng đỉnh từng diễn ra. Thế nhưng, cuộc gặp ở Hà Nội đã kết thúc đột ngột mà không có bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất một “thỏa thuận lớn”, trong đó các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu Bình Nhưỡng chuyển giao mọi vũ khí hạt nhân của mình cho Mỹ, thẳng thừng bác bỏ cách thức tiếp cận từng bước mà ông Kim đưa ra.

Dường như các cuộc thương lượng rơi đình trệ vì sự lệnh pha trong quá tình trao đổi thông tin và sự tổn thương về mặt tình cảm sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội. Gần đây, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Mỹ có khoảng thời gian từ nay cho đến cuối năm 2019 để đưa ra “những điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được” để đi đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã nhất trí hoàn thiện toàn bộ quá trình phi hạt nhân hóa, bao gồm các công tác thanh sát, cho đến cuối năm 2019. Tuy nhiên, cũng chính ông Pompeo sau đó lại đẩy vấn đề đi một bước quá xa. Tại phiên điều trần ở một tiểu ban Thượng viện Mỹ, ông Pompeo đã đổ thêm dầu vào lửa khi trả lời câu hỏi: “Ông tin nhà lãnh đạo Kim là một kẻ bạo chúa không?”, rằng: “Chắc chắn vậy, tôi dám chắc tôi đã nói điều đó rồi”.

Câu trả lời này đã làm thổi bùng ngọn lửa giận dữ từ phía Bình Nhưỡng, khiến ông Jong Gun , một quan chức Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, lập tức chỉ trích Pompeo, cho rằng ông Pompeo đã “đưa ra những nhận xét thiếu thận trọng, làm tổn thương phẩm giá của ban lãnh đạo tối cao Triều Tiên”. Không thể kiềm chế cơn giận, ông Jong Gun còn đề nghị ông Pompeo không được tham gia các cuộc thương lượng Mỹ-Triều đang diễn ra hiện nay.

Giới chỉ trích CHDCND Triều Tiên cho rằng vẫn diễn ra hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này và Bình Nhưỡng có thể đang tái chế nhiên liệu phóng xạ thành nhiên liệu chế tạo bom. Trước kia, ông Kim tuyên bố ông có bom hạt nhân đủ nhỏ để đặt lên đầu tên lửa tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ.

Và chỉ riêng tuyên bố này đã khó có thể diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 nếu như CHDCND Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với sự pha trộn tính cách lớn của hai nhà lãnh đạo thì khả năng hồi sinh một thỏa thuận lớn nhất có thể vẫn xảy ra.

Bảo Trân
.
.