Tương lai vô vọng của những đứa trẻ đua lạc đà

Thứ Hai, 06/06/2005, 07:30
Dubai là điểm du lịch có tiếng ở Trung Đông. Nhưng đằng sau cái vẻ hào nhoáng  của nó là một thế giới xấu xa về buôn lậu trẻ em.

Khi Titu mới vừa tròn 5 tuổi, cậu bé đã được huấn luyện để trở thành tay đua lạc đà trong một khu làng ở Dubai do một một tộc trưởng Arập cai quản. Cứ mỗi buổi sáng vào lúc 7h, cậu bé bị buộc lỏng lẻo trên lưng một con lạc đà khiến nó phải cố bám chặt khi con lạc đà phi nước kiệu vòng quanh đường đua Nadal Sheba với tốc độ 40 dặm/giờ.

Một ngày, Titu bị ngã và gãy chân. Cháu bị thương ở đầu và từ đó cháu không thể nhớ gì nữa. Titu phải sống tại Nhà trẻ Proshanti ở Bangladesh.

Titu chỉ là một trong hàng ngàn bé trai đến từ Bangladesh, nhiều đứa còn nhỏ chỉ mới 4 tuổi bị ép buộc để trở thành những tay đua lạc đà ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Tại những quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu lửa này, đua lạc đà là một môn thể thao của những tộc trưởng tỉ phú và của những ông vua sang trọng.

Một số trẻ con bị bắt cóc trên đường phố bởi những nhóm buôn bán trẻ em hung ác, một số trẻ khác thì bị bán bởi những bậc cha mẹ nghèo túng mà thâm tâm họ luôn hy vọng con cái họ sẽ tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Trung Đông.

Chính bà ngoại của Titu quá thơ ngây tin điều đó sẽ tốt hơn cho đứa cháu nhỏ của mình khi rời bỏ Dhaka để có thể tự xoay xở lấy ở Dubai  bằng nghề cưỡi lạc đà.

Một số trẻ được tái đoàn tụ với gia đình nhưng phần đông thì lại không được may mắn như thế. Chẳng hạn như cậu bé Robin mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm tông tích của gia đình để trở về nhưng vẫn thất bại. Kể từ khi được đưa trở lại Bangladesh cách đây 3 năm, cậu bé 9 tuổi này có thân hình gầy nhom với chiều cao chỉ bằng đứa bé 5 tuổi.

Robin kể lại thời gian còn làm nài đua lạc đà: “Lần đầu tiên cháu từ chối vì quá sợ hãi nhưng ông chủ đã đặt cháu lên lưng lạc đà và quất roi cho lạc đà chạy. Ông ta quất roi vào người cháu rồi nói rằng: “Mày không biết điều khiển lạc đà đúng cách”, cháu chỉ biết khóc và khóc.

Cũng như Titu, Robin bị ngã từ trên lưng lạc đà cao hơn 2 mét và bị gãy chân. Nhưng chúng là hai trong số những đứa trẻ còn may mắn. Cậu bé Rubel 12 tuổi kể: “Cháu chứng kiến một đứa bạn chết khi rơi khỏi lạc đà và những con lạc đà khác đã giẫm nát nó. Thật khủng khiếp”.

Rubel biến mất khỏi nhà khi cậu mới  4 tuổi, được đưa đến Dubai bởi một kẻ buôn bán trẻ em, hắn nói với bé rằng bé sẽ được đi chơi xa. Sáu năm sau, khi được trở về đoàn tụ với gia đình, bé không thể nhận ra mẹ và mẹ cũng không thể nhận ra con vì bây giờ bé lớn hơn và chỉ nói tiếng Arập nên bà cũng chẳng hiểu gì.

Theo Hiệp hội Nữ luật gia Bangladesh, tổ chức tài trợ cho Nhà trẻ Proshanti, ước tính có đến 10.000 trẻ Bangladesh bị đem bán mỗi tháng, phần lớn những đứa trẻ này bị bọn buôn người cho là mục tiêu thích hợp để bán cho các gia chủ huấn luyện chúng trở thành những tay đua lạc đà, vì chúng bị suy dinh dưỡng nên người nhỏ con và nhẹ ký nên khi đua lạc đà càng dễ chiến thắng hơn.

Trên 60 trẻ em tham gia cuộc đua lạc đà với tốc độ 40 dặm/giờ.

Sau nhiều năm đấu tranh bởi các nhóm bảo vệ nhân quyền, cuối cùng một bộ luật được thông qua ở Dubai: những người cưỡi lạc đà phải từ 15 tuổi trở lên và cân nặng ít nhất 50 kg, nhưng điều này rõ ràng bị bỏ qua.

Tại Trường đua Madal Sheba, những nài lạc đà đua luôn có khuôn mặt nhỏ nhắn ngồi lỏng lẻo trên những con vật to tướng mà chúng chạy đua. Tiếng khóc với gương mặt đầy sợ hãi của những cậu bé này không thể át nổi tiếng thình thịch của lạc đà và tiếng còi của những chiếc xe Jeep luôn chạy theo sát để thúc cho chúng chạy nhanh hơn.

Đã 10 năm nay, những cuộc đua lạc đà như thế vẫn diễn ra và biết bao trẻ con đã được bán đến đây để làm nài và kiếm tiền cho những kẻ vô lương tâm. Một viên chức Bangladesh nói: "Một số nước như Anh chẳng hạn có thể làm một điều gì đó nhưng họ lại không làm bởi vì họ muốn mọi sự êm xuôi để không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu lửa của họ. Dầu lửa là một nguồn lợi ích sống còn của họ, còn những cậu bé ấy thì chẳng có gì là sống còn, chẳng có ý nghĩa gì cả đối với họ"

Văn Phương (theo tạp chí Naow)
.
.