Ukraina: “Đại liên minh” vì lợi ích quốc gia

Thứ Hai, 14/08/2006, 08:15

Hôm 4/8 sau khi Tổng thống Viktor Yushchenko chấp nhận đề cử đối thủ Viktor Yanukovich làm Thủ tướng, chấm dứt hơn 4 tháng khủng hoảng chính trị. Hơn thế, ông V. Yushchenko còn đi một nước cờ táo bạo, khi hợp cùng với “liên minh chống khủng hoảng” của ông V.Yanukovich để tạo thành một “đại liên minh” chưa từng có trong lịch sử Ukraina.

Với 271 phiếu thuận, chỉ có 9 phiếu chống trên tổng số 296 đại biểu có mặt (154 đại biểu chủ yếu thuộc khối của bà Yulia Tymoshenko không tham gia), ông V.Yanukovich đã được Quốc hội chấp thuận làm Thủ tướng mới của Ukraina.

Viktor Yanukovich, năm nay 56 tuổi, sinh ra và lớn lên ở miền Đông Ukraina, nơi người dân chủ yếu sử dụng tiếng Nga, vì vậy không có gì lạ khi ông nói tiếng Nga rất sành sỏi, còn tiếng Ukraina thì ông chỉ bắt đầu học sau khi bước chân vào chính trị.

Xuất thân từ gia đình nghèo (cha làm công nhân luyện kim, mẹ làm y tá ở thị trấn Yenakiyevo), ngay từ nhỏ V. Yanukovich đã nuôi chí lớn, “tha phương lập nghiệp” để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Và sự nghiệp của ông thăng tiến nhanh đến kinh ngạc: bắt đầu làm nhân viên ngành vận tải trong vùng mỏ miền Đông Ukraina, V.Yanukovich không ngừng học tập, và lấy bằng tiến sĩ Kinh tế học (năm 2000). Ngay sau đó, ông được bầu làm Thống đốc vùng Donetsk, với hơn 3 triệu nhân khẩu và là vùng kinh tế trọng yếu của Ukraina.

Thêm một bước tiến thần tốc: Từ 2002 đến 2004, được Tổng thống Leonid Kuchma bổ nhiệm làm Thủ tướng Ukraina, và được chọn làm người thay thế đáng tin cậy. Trong thời gian ông làm Thủ tướng, nền chính trị Ukraina ổn định và kinh tế phát triển mạnh, các ngành công nghiệp và thương mại đều tăng trưởng vượt bậc. V.Yanukovich được nhiều người mong đợi sẽ trở thành tổng thống mới của Ukraina hậu Kuchma. Tuy nhiên, sau thất bại tại cuộc bầu cử cuối năm 2004 (do sự can thiệp quyết liệt từ các thế lực bên ngoài) V.Yanukovich đã “im hơi lặng tiếng” một thời gian để củng cố lực lượng.

Sự trở lại của ông V.Yanukovich được đánh dấu bằng chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/3/2006. Tuy nhiên, do đảng Các khu vực của ông không giành đủ đa số ghế cần thiết nên đành nhường cơ hội lập chính phủ cho “Liên minh cam” gồm đảng “Ukraina của chúng ta” của Tổng thống V. Yushchenko, khối của bà Yulia Tymoshenko và đảng Xã hội của ông Oleksandre Moroz (nay là Chủ tịch Quốc hội).

Thế nhưng, nhiều bất đồng trong việc chia sẻ quyền lực của "Liên minh cam" đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 4 tháng. Đến đầu tháng 7, bước ngoặt bất ngờ đã xảy ra khi Moroz ngả về phía đảng Các khu vực và đảng Cộng sản (do Tổng thống V.Yushchenko không trao cho ông chức Chủ tịch Quốc hội như đã hứa), tạo nên “Liên minh chống khủng hoảng” đủ đa số ghế để lập chính phủ.

Thêm một thắng lợi cho V.Yanukovich khi ông được liên minh đề cử chức thủ tướng. V.Yushchenko có 15 ngày theo Hiến định để chấp nhận đề cử ông V.Yanukovich hoặc giải tán Quốc hội bầu cử lại. Bất chấp sức ép từ các “đồng minh cam”, V.Yushchenko đã chọn giải pháp an toàn: hợp tác với V.Yanukovich.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu V.Yushchenko chọn phương án giải tán Quốc hội và bầu cử sớm như ý muốn của bà Tymoshenko và các “đồng minh cam” thì không những đảng của ông V.Yushchenko thất bại nặng nề mà tình hình Ukraina sẽ càng tồi tệ hơn vì tình trạng đối đầu dai dẳng và lộn xộn về chính trị.

Theo báo chí Ukraina, việc V. Yushchenko tung ra bản dự thảo “Hiệp ước thống nhất quốc gia” gồm 27 điều khoản, và yêu cầu tất cả các chính đảng Ukraina tham gia ký kết (tất cả đều ký, chỉ có khối của bà Tymoshenko từ chối), là một nước cờ táo bạo nhằm lôi kéo sự hợp tác của V.Yanukovich trong tình hình uy tín chính trị của ông này đang lên nhanh!

Nhưng V.Yanukovich không dễ dàng ký ngay vào bản hiệp ước mà đòi ông V.Yushchenko thay đổi một số điều khoản, và ông V.Yushchenko đã nhượng bộ, chẳng hạn như tiếng Ukraina không phải là quốc ngữ “duy nhất” và tiếng Nga được công nhận là ngôn ngữ chính thức thứ 2 của Ukraina; phải tiến hành trưng cầu ý dân về việc gia nhập NATO; và Ukraina nên xem xét gia nhập không gian kinh tế thống nhất (bao gồm Nga, Kazakhstan và Belarus). Ngược lại, V. Yanukovich cũng nhượng bộ khi đồng ý theo đuổi mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong chính sách “hướng Tây” của V.Yushchenko.

Ngoài ra, V.Yushchenko và đảng của ông cũng đã ký kết thỏa thuận liên minh với “Liên minh chống khủng hoảng” của V. Yanukovich, tạo nên một “đại liên minh” chưa từng có trong Quốc hội Ukraina. Như vậy, từ nay “đại liên minh” Yushchenko - Yanukovich sẽ nắm quyền kiểm soát tuyệt đối ở cả Quốc hội lẫn Chính phủ, tránh được tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” như “dự đoán” của phương Tây.

Hẳn nhiên, phương Tây không hài lòng với việc ông V.Yanukovich trở lại làm Thủ tướng Ukraina lẫn việc 2 đối thủ liên minh với nhau, vì như thế có nghĩa là Ukraina sẽ quay trở lại đường lối thân Nga, đồng thời việc Ukraina gia nhập các tổ chức, định chế chính trị, quân sự của phương Tây sẽ bị chậm hơn dự kiến.

Theo nhận định của giới phân tích, tân Thủ tướng Ukraina V.Yanukovich sẽ phải thực hiện cho được nhiệm vụ quan trọng nhất là “cân bằng địa chính trị”, tức phải lèo lái Ukraina sao cho vừa bảo đảm chính sách “hướng Tây” của Tổng thống V.Yushchenko, vừa cải thiện được mối quan hệ thân thiện với “láng giềng gần” Nga (đã sứt mẻ nghiêm trọng sau cuộc “cách mạng cam”).

Phát biểu với báo chí hôm 5/8, ông V.Yanukovich cho rằng, việc “làm lành” với nước Nga chỉ có lợi cho Ukraina, vì dù muốn dù không Ukraina vẫn phải lệ thuộc vào Nga để cung cấp năng lượng (khí đốt). “V.Yanukovich có khả năng đưa Ukraina ra khỏi tình trạng bất ổn và khó khăn kinh tế”, như lời của Tổng thống V.Yushchenko nói với báo chí

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.