Ukraina: Tìm về lối cũ

Thứ Bảy, 07/12/2013, 11:25

Thời gian qua, nước Nga đã dần phục hồi sức mạnh và muốn tái lập vị thế siêu cường thế giới. Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga không chỉ thể hiện bằng những thành công ngoại giao của nước này mà còn được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều nước từ bỏ đồng minh với Mỹ và Liên minh châu Âu để theo Nga.

Ukraina giữa đôi dòng nước

Ví dụ điển hình nhất cho sự "hết thời" của mô hình phương Tây là việc Ukraina đã từ chối tham gia khối Liên minh châu Âu (EU) sau 5 năm đàm phán để gia nhập vào liên minh thuế quan do Nga lãnh đạo. Quyết định này được Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych thông báo hồi tuần trước, đã gây nhiều chấn động tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở thủ đô Vilnius của Lithuania diễn ra ngày 29/11.

Một đoạn video tại hội nghị này cho thấy Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với nhà lãnh đạo Ukraina: "Chúng tôi đã trông đợi nhiều hơn" và ông Yanukovych đáp lại rằng: "Tình hình kinh tế ở Ukraina rất khó khăn. Và chúng tôi có rất nhiều vấn đề với Moskva". Ông Yanukovych than phiền là EU không trợ giúp đủ về mặt tài chính để ông có thể ký. Tổng thống Pháp Francois Hollande bác bỏ đề nghị cung cấp thêm tiền của EU cho Ukraina để đạt được thỏa thuận.

"Tôi đã thương thảo với Nga trong ba năm rưỡi trong những điều kiện bình đẳng" -  Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel để giải thích một lý do mà EU đưa ra là Ukraina đã bị Nga ép buộc. Ông Yanukovych nói: “Ukraina cần phải tiếp tục duy trì quan hệ gắn bó với Nga. Sau khi từ chối tham gia EU, Ukraina được Nga mời tham gia Liên minh thuế quan do Nga lãnh đạo”.

Sau thất bại trên của EU, bài xã luận trên tờ Le Monde (Pháp) ra ngày 30/11 nhận định rằng châu Âu vừa dính vố đau từ Kiev. Theo bài báo, tại hội nghị của EU ở Vilnius diễn ra trong hai ngày 28 và 29/11 vừa qua, trên nguyên tắc, Brussels ký một thỏa thuận đối tác với 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Armenia, Azerbaidjan, Belarus, Gruzia, Moldavia và Ukraina. Thỏa thuận này phác họa ra viễn cảnh hợp tác giữa EU với các quốc gia trong vùng cho tương lai.

Trong số 6 quốc gia kể trên, thì Ukraina là nước có tầm ảnh hưởng và vị trí chiến lược quan trọng nhất: Ukraina có dân số đông nhất, có diện tích lớn nhất và giàu có nhất so với 5 nước còn lại. Từ nhiều năm qua, Nga luôn mời gọi Ukraina tham gia vào dự án thành lập một liên minh kinh tế và thuế quan giữa các nước thuộc Liên Xô cũ. Liên minh kinh tế trên nguyên tắc bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015 gồm Nga - Belarus - Kazakhstan.

Le Monde nhận định: Bruxelles chủ quan cho rằng thỏa thuận sắp sửa ký kết với 6 "đối tác phương Đông" tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius chỉ là một thủ tục. Nhưng bất ngờ, Kiev thay đổi lập trường.

Ngày 21/11, Rada (Quốc hội Ukraina) đã ban hành dự luật cho phép trả tự do cho cựu Thủ tướng đối lập Yulia Timoshenko để sang Đức điều trị chứng bệnh đau lưng. Thế nhưng tất cả đều đã bị bác bỏ - tờ Oukrainska Pravda cho biết. Phiên họp Quốc hội đã kết thúc trong khi phe đối lập hô to: "Đáng xấu hổ!".

Đối mặt với sự khước từ đó, Yulia Timoshenko đã cho đăng một bản tin trên tờ Oukrainska Pravda cho biết bà sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, đồng thời kêu gọi các dân biểu phe đối lập nên ủng hộ việc ký kết thỏa ước sáp nhập EU của chính phủ.

Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych (hàng đầu, thứ 2 bên phải) cùng các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở thủ đô Vilnius, ngày 29/11.

Từ đó tình hình lại càng rối ren hơn vì trên một bản tin của tờ Den, chính phủ cho biết đã phê chuẩn một chỉ thị nhằm "ngưng tiến trình chuẩn bị việc sáp nhập vào EU". Theo bản tin, vấn đề chủ yếu của Ukraina là việc bù đắp cho mất mát do thỏa ước gây ra trong lĩnh vực "quan hệ kinh tế và thương mại với Nga và những thành viên khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập".

Theo tờ Dzerkalo Tyjnia, chỉ thị đó do Thủ tướng Mykola Azarov ký ngày 21/11 có mục đích ngưng việc chuẩn bị ký kết hiệp ước sáp nhập vào EU và tái lập việc đối thoại tích cực với Nga và Liên minh Hải quan mà Nga ủng hộ.

Vấn đề là trước đó, vào ngày 18/10, Chính phủ Ukraina đã chấp thuận dự án về thỏa ước sáp nhập EU. Với sự hủy bỏ hiệp ước sáp nhập, EU và Mỹ sẽ buộc phải hậu thuẫn tích cực hơn cho phe đối lập trong kỳ bầu cử 2015 mà không quan tâm đến các thủ tục thừa thãi. Sau sự quay ngoắt 1800  đó của Chính phủ Ukraina, phe đối lập đã phản ứng bằng cách xuống đường ngày 25/11.

Khoảng 15.000 người đã biểu tình tại thành phố Lviv ở miền Tây Ukraina và sau đó là thủ đô Kiev trên Quảng trường Độc lập, và nhiều người dựng lều tại Quảng trường Châu Âu gần trụ sở chính phủ. Từ ngày 24/11 đã có hàng chục ngàn người quy tụ, đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất tại Ukraina kể từ sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004.

Khi từ chối gia nhập EU, có thể Ukraina sẽ tránh được các áp lực mới về xuất khẩu từ phía Nga. "Đối với nền kinh tế Ukraina, rõ ràng là thỏa ước sáp nhập sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tức thời, đổi lại là những viễn cảnh mù mờ trong tương lai" - Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng cho biết.

Ukraina đang trải qua một giai đoạn khó khăn với 1 năm rưỡi liên tiếp bị sụt giảm về GDP. Mức nợ công đã bùng nổ trong những năm vừa qua và vượt quá GDP 30% trong khi mức thâm hụt ngân sách có thể vượt hơn 8% trong năm nay.

Trong những tháng gần đây, bà Timoshenko là con cờ trong cuộc chiến quyền lực giữa EU và Nga. Chính phủ Nga đã thắng ván cờ đó.

Hạ viện Ukraina đã hoãn lại việc biểu quyết dự luật cho phép cựu Thủ tướng Timochenko, hiện ở trong tù, ra nước ngoài chữa bệnh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Kiev có thể lại gần với Brussels.

Mở ngoặc một chút nói về điều này. Để gia nhập Liên minh châu Âu, các nước ứng viên phái đáp ửng đủ mọi điều kiện từ kinh tế, tài chính, luật pháp cho đến nhân quyền. Việc không cho bà Timoshenko đi chữa bệnh là vi phạm nhân quyền theo các tiêu chí của EU và như thế là chưa đủ điều kiện.--PageBreak--

Lại các luận điệu giật dây

Thực ra theo giới quan sát, châu Âu đã không thật sự có nỗ lực tương xứng để nhằm lôi kéo Ukraina về phía mình. Quá mệt mỏi với việc mở rộng Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên, trừ Thụy Điển, không nhận thấy được tầm quan trọng chiến lược trong mối liên kết với các nước Đông Âu. Họ đã không nhận thấy Nga thi hành một chính sách ngoại giao ngày càng áp đảo. Thủ tướng Đức Merkel đã bảo vệ dự án hợp tác một cách hùng hồn vào tuần này, nhưng quá muộn. Trong khi đó, Pháp lại không tranh luận về đề tài này.

Theo Le Monde, châu Âu cần phải rút ra bài học từ “cái tát” của Ukraina. Theo phân tích của một quan chức châu Âu, việc Ukraina đang xích lại gần với Moskva không chỉ đơn thuần là một vấn đề hợp tác và kinh tế, mà đấy còn là "một cuộc đọ sức về phương diện địa chính trị" giữa Nga với Liên minh châu Âu. Không phải tình cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố "dân tộc Nga và Ukraina chỉ là một".

Giật mình trước ảnh hưởng của mình đang bị mất dần, tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius hôm 29/11, lãnh đạo EU đã vội vã "ký nháy" hiệp định liên kết và tự do mậu dịch với Gruzia và Moldavia. Lễ ký kết chính thức các văn bản này sẽ được tổ chức trong những tháng tới. Như vậy trong số 6 nước thuộc Liên xô cũ, EU chỉ giành được 2, 4 nước còn lại thì đã có tới 3 nước theo Nga (Belarus, Armenia và Ukraina).

Sau khi bị "quê mặt" vì bị Kiev "chê", EU liền lên tiếng tố cáo Nga gây sức ép. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy ra thông cáo chung với lời lẽ cứng rắn khác thường.

Trong thông cáo có đoạn: "Liên minh châu Âu không ép buộc Ukraina hay bất cứ đối tác nào phải chọn giữa Liên minh châu Âu và một đối tác khu vực khác. (…) Trên thực tế, chúng tôi rất bất đồng với lập trường và hành xử của Nga trong vụ việc này".

Ông Barroso nhắc lại rằng, từ nhiều tháng nay, Moskva tiến hành một chiến dịch răn đe nhắm vào Ukraina, dọa sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho Kiev và siết chặt các điều kiện trao đổi thương mại để giữ nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong vòng ảnh hưởng. Phía EU thậm chí tung tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đe dọa chấm dứt ủng hộ Tổng thống Ukraina về mặt chính trị…

Tuy nhiên sự phản ứng của EU xem ra hơi nực cười. Họ nói không ép buộc Ukraina nhưng lại buộc chính phủ Kiev phải thay đổi đủ thứ từ hệ thống quản lý kinh tế, pháp luật tới các vấn đề nhân quyền… Ukraina là quốc gia có chủ quyền, việc họ tham gia vào liên minh nào là quyền của họ, đương nhiên chính quyền Kiev đâu phải là những người không biết gì để không nhận ra rằng khi tham gia vào EU thì họ được gì mất gì, còn khi chơi với Nga thì họ lợi gì thiệt gì.

Thông cáo của Bruxelles được đưa ra trong bối cảnh, hàng chục nghìn người Ukraina thuộc phe đối lập xuống đường biểu tình phản đối quyết định không tham gia khối EU của chính quyền Kiev. Câu hỏi đặt ra là ai đứng đằng sau giật dây lực lượng này? Người bình thường cũng có thể hiểu rằng chắc hẳn có bàn tay của phương Tây.

Giờ là lúc EU nên tìm ra trách nhiệm của thất bại làm giảm đi một cách đáng kể trọng lượng chính trị của khối châu Âu trên thế giới thay vì đi tố cáo, đổ lỗi cho người khác.

Dân biểu Ukraina phản đối Quốc hội.

Hình thái đa cực đang áp đặt lại Washington

Trường hợp của Ukraina là mới nhất cho thấy uy tín của Nga trên trường quốc tế ngày càng tăng. Trước đó, Ai Cập - một đồng minh lâu đời và thân cận của Mỹ, cũng đã ngả về phía Nga. Trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập đang lạnh nhạt, việc một phái đoàn cấp cao của Nga đến Cairo ngày 14/11 khiến nhiều người cho rằng Mỹ đã để mất đồng minh Ai Cập vào tay Nga.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigo đã có một cuộc họp với hai đồng nhiệm Ai Cập tại Cairo là các ông Nabil Fahmy và tướng Abdel Fattah al Sissi. Phía Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cuộc tiếp xúc trên là một "bước tiến quan trọng trong lịch sử bang giao hai nước".

Báo Nga Vedomosti cùng ngày dẫn nguồn tin trích dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng và Tổng công ty nhà nước Rostechnology cho biết, Nga và Ai Cập đang đàm phán về việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự tổng trị giá hơn 2 tỉ USD. Các cuộc đàm phán về việc tăng cường hợp tác quân sự - kỹ thuật đã diễn ra ngày 14/11 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đến Cairo.

Theo Bộ trưởng Shoigu, Nga "đang tiếp tục thảo luận các dự án về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, chúng tôi đã thỏa thuận tromg thời gian gần nhất sẽ thực hiện các bước theo đúng thủ tục pháp lý". Nguồn tin của tờ báo lưu ý là ở đây hiện đang nói đến việc cung cấp cho Ai Cập các máy bay chiến đấu MiG-29M/M2, các hệ thống phòng không tầm ngắn và tổ hợp tên lửa chống tăng Cornet.

Chuyến thăm diễn ra vào lúc bang giao giữa Ai Cập và đồng minh lâu đời là Mỹ dường như đang ở ngã ba đường, với sự kiện Washington cắt đứt viện trợ sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Trước đó, Ngoại trưởng Ai Cập có lưu ý là Cairo đang tìm kiếm một ngõ thoát khác sau khi Washington vào đầu tháng 10 vừa qua tuyên bố ngưng cấp một phần viện trợ quân sự cho Cairo. Từ trước tới nay, Mỹ luôn là điểm tựa quân sự cho Ai Cập. Hằng năm Mỹ cấp cho quốc gia này 1,3 tỉ USD. Ai Cập đã từng đóng vai trò hậu cần cho quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Iraq.

Các tin tức dồn dập về việc Ai Cập bỏ Mỹ theo Nga đã khiến giới chức Ai Cập phải lên tiếng. Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy tuyên bố rằng, Cairo chỉ muốn tăng cường quan hệ với Moskva, nhưng không thay thế Washington để là đồng minh chính yếu. Ông Fahmy nói rằng, đây chỉ là sự tái khởi động của mối quan hệ có sẵn và Ai Cập hy vọng sẽ hợp tác trên nhiều mặt với Nga.

Khi được hỏi là liệu Nga có thay thế Mỹ trong vai trò đồng minh chính yếu hay không, ông Fahmy cho hay Ai Cập không tìm cách "thay thế ai" và Nga cũng đã có mối quan hệ với Ai Cập từ nhiều năm trước đây. Ông Kassem tin rằng một nước Ai Cập với các quan hệ khu vực và quốc tế rộng lớn hơn sẽ giúp nước này lấy lại vị thế của mình, từng đóng vai trò quan trọng và hữu ích trong khu vực.

Sau chiến thắng của Nga trên các mặt trận ngoại giao như Syria, vụ cho Snowden tị nạn, việc Ai Cập và Ukraina từ bỏ các đồng minh phương Tây để theo Nga đã cho thấy uy tín của Nga trên trường quốc tế ngày càng tăng. Những thắng lợi ngoại giao của Nga đang nuôi dưỡng cảm nghĩ rằng một thế giới đa cực có thể đang được "áp đặt" cho Washington

Mộc Thạch – Minh Luân (tổng hợp)
.
.