Ukraina: Xung đột nội tại là nguyên nhân kéo dài khủng hoảng

Thứ Năm, 11/09/2014, 04:15

Mặc dù trong cuộc điện đàm gần đây nhất vào ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraina Petro Poroshenko đã nhất trí về "những bước đi nhằm thúc đẩy hòa bình ở miền Đông Ukraine" và Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch hòa bình 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Nhưng theo nhận định mà Tổng thống V. Putin đưa ra trước đó, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa thể sớm kết thúc vì Ukraina đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bầu cử Quốc hội. Theo đó, mọi ứng cử viên đều muốn tỏ ra cứng rắn và sẽ khó có ai tuyên bố lập trường hòa bình.

Qua cuộc điện đàm, hai vị tổng thống đã thể hiện quan điểm khá tương đồng về các phương thức chấm dứt cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina. Tuy nhiên, cái mà hai bên đạt được chỉ là sự "nhất trí trên phạm vi rộng nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn" giữa quân đội Ukraine và lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông, chứ không phải là "một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Donbass" như Văn phòng Báo chí của Tổng thống Ukraina đã công bố.

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo tại Mông Cổ, Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch 7 điểm nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu và thiết lập hòa bình tại Ukraina, gồm: 1) Các lực lượng vũ trang và các đơn vị quân đội thuộc lực lượng dân quân của Donetsk và Lugansk phải ngừng các hoạt động tấn công; 2) Lực lượng vũ trang Ukraina phải rút lui tới khoảng cách không cho phép pháo kích hay bất cứ hệ thống hỏa lực nào bắn phá các vùng dân cư; 3) Tổ chức một hoạt động quốc tế giám sát đầy đủ và khách quan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn; 4) Loại trừ việc sử dụng máy bay quân sự chống lại dân thường và các khu định cư nằm trong vùng xung đột; 5) Tổ chức trao đổi những người bị bắt giữ vô điều kiện; 6) Mở hành lang nhân đạo cho người tị nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo đến các vùng Donetsk và Lugansk; 7) Gửi các đội sửa chữa đến những điểm dân cư Donbass bị ảnh hưởng để khôi phục các công trình bị phá hủy.

Kế hoạch này của Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước phương Tây và các nước liên quan. Tổng thống Poroshenko cho rằng kế hoạch hòa bình (của Tổng thống Putin) cần có cam kết của cả hai bên về lệnh ngừng bắn song phương sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Ông cũng hy vọng kế hoạch hòa bình này là cơ sở cho cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk diễn ra vào ngày 5/9.

Trong khi đó, Stefan Dyuzharrik người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tuyên bố: Tổng thư ký Ban Ki-moon tin tưởng kế hoạch hòa bình của Nga sẽ có hiệu quả trong trường hợp tất cả các bên có bước đi cụ thể, bắt đầu từ cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tới đây.

Người đứng đầu chính quyền "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" Alexander Zakharchenko tuyên bố lực lượng đòi liên bang hóa ở Đông Nam Ukraina sẵn sàng ngừng bắn nhưng chỉ trong trường hợp các đơn vị vũ trang Ukraina có bước đi tương tự.

Các chiến binh thuộc lực lượng dân quân Donetsk. Ảnh: AP.

Trước đó, 2 vị tổng thống Nga và Ukraina đã gặp nhau tại thủ đô Minsk của Belarus, song không đạt được tiến triển nào trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng trên. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết đã thỏa thuận với Tổng thống Poroshenko về việc cần nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina bằng các biện pháp hòa bình và thông qua đàm phán. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí rằng, đây là bài học cho tất cả, trong đó có cả những nước phương Tây, và không ai được lặp lại sai lầm như cuộc đảo chính bất hợp pháp tại Ukraina.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel 1 của Nga hôm 31/8, Tổng thống Putin nêu rõ, việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraina phần lớn phụ thuộc vào ý muốn của giới lãnh đạo Kiev. Họ cần phải nhanh chóng chấm dứt chiến dịch quân sự tại khu vực miền Đông và khởi động các cuộc đàm phán độc lập, không chỉ về các vấn đề kỹ thuật và còn về cả cách thức tổ chức chính trị xã hội và cương vị nhà nước cho khu vực Đông Nam.

Theo Tổng thống Putin, nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch ngày hôm nay là do các nhà lãnh đạo ở Kiev hiện nay không muốn đối thoại trực tiếp với miền Đông.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì nhấn mạnh, chỉ Ukraina mới có thể thỏa thuận để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột ở Donbass, khi tính tới các lợi ích của khu vực Đông Nam, và chỉ bằng cách này mới có thể đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Ông Peskov nhấn mạnh, một thỏa thuận giữa Tổng thống Nga và Ukraina về việc giải quyết cuộc xung đột là không thể, vì đây không phải là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, mà là cuộc xung đột nội bộ Ukraina.

Trong khi đó, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Chủ tịch Tổ chức OSCE, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết, không loại trừ khả năng tình hình ở Ukraina "phát triển theo kịch bản rất ảm đạm". Theo ông, tình hình hiện nay ở Ukraine đang trong "giai đoạn nhạy cảm" khi tại miền Đông giao tranh ác liệt tiếp diễn giữa quân đội chính phủ và lực lượng ủng hộ liên ban hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực ngoại giao.

Ông Burkhalter cũng cho rằng, hiện chưa có những điều kiện cần thiết để khởi động một cuộc đối thoại cụ thể về những nội dung quan trọng như ngừng bắn, kiểm soát biên giới, phóng thích con tin, giải trừ quân bị và khởi động cuộc đối thoại quốc gia đích thực

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.