Ukraine mất kiểm soát vì quyết sách của các nước lớn?
- Nga khẳng định không bao giờ trả Crimea cho Ukraine
- Nga nắm bằng chứng Ukraine dùng vũ khí chiến lược nhằm vào dân thường
- Vòng xoáy mới đang nhấn chìm Ukraine
- Ukraine: Ném đá có động ao bèo?
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được các chuyên ra chỉ ra, đây là đòn trả đũa việc Tổng thống Putin yêu cầu giới chức Nga công nhận giấy tờ được cấp tại miền Đông Ukraine khiến cho miền Đông Ukraine đang rơi vào “rối loạn”.
Ukraine muốn LHQ cải tổ quyền phủ quyết...
Ngày 21-2, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Anatoliyovych Klimkin tuyên bố, nước này đang đề nghị tước quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vì lý do Moscow là một bên trong cuộc xung đột ở Donbass. Ông Klimkin bày tỏ lo ngại Nga sẽ dùng quyền phủ quyết để gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nghị quyết của HĐBA liên quan tới tình hình nước này. Ông Klimkin cho biết, phía Ukraine đòi phải cải tổ lại hình thức của cơ quan quyền lực này.
Nhà ngoại giao Ukraine nhận định rằng hình thức hiện tại của HĐBA đã không còn hiệu quả do các nghị quyết thường xuyên bị phủ quyết. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Klimkin nói rằng: "Chúng ta cần ra sức cải tổ lại HĐBA LHQ để ngăn chặn việc lạm dụng quyền phủ quyết. HĐBA phải có khả năng ứng phó hiệu quả với các cuộc xung đột đẫm máu, dù cho thành viên thường trực của Hội đồng có là một bên trong cuộc xung đột đi chăng nữa".
Ngoại trưởng Ukraine Klimkin tại LHQ. Ảnh: UN. |
Ông Klimkin cũng đề xuất thiết lập quy tắc rõ ràng cho việc thực hiện các quy định có liên quan đến Hiến chương LHQ. Ngoại trưởng Ukraine nhắc lại rằng theo mục 3 Điều 27 điều lệ của tổ chức quốc tế này: "Các bên tranh chấp không được biểu quyết trong các nghị quyết" của HĐBA. Ông cho biết, không thể chấp nhận việc quy định này lại "tiếp tục bị bỏ qua cách trắng trợn".
Trong một diễn biến khác, ngày 22-2, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cáo buộc Nga cung cấp các thiết bị quân sự tại Donbass dưới chiêu bài viện trợ nhân đạo. Phát biểu tại phiên họp lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko đã cáo buộc Moskva gia tăng sự hiện diện quân sự tại bán đảo Crimea, đồng thời cảnh báo mối đe dọa "chiến tranh toàn diện" với Nga. Để tự bảo vệ mình, nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố Ukraine sẽ chi 333 triệu USD để chế tạo và mua sắm vũ khí mới trong năm 2017.
Trước những “đòn” ngoại giao liên tiếp từ Ukraine, Moskva đã nhiều lần bác bỏ thẳng thừng, đồng thời tuyên bố Nga không có mối liên hệ với cuộc xung đột tại Donabass và mong muốn Ukraine vượt qua được khủng hoảng. Phản ứng việc Ukraine đòi tước quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 22-2 rằng, Ukraine nên sắp đặt trật tự ở chính nước mình trước HĐBA LHQ.
Bình luận ý kiến của ông Klimkin, bà Zakharova nói: "Chỉ muốn khuyên ông ấy một điều, trước hết hãy sắp đặt trật tự trong nhà mình, để mọi việc ổn thỏa, rồi sau mới bắt tay vào cải thiện các cơ chế quốc tế”. Theo nhà ngoại giao Nga, "tạm thời thì không cần ông Klimkin, các cơ chế quốc tế vẫn làm việc tốt”.
Chủ đề phủ quyết cũng là một trong những đề tại nóng nhất trong các cuộc thảo luận về việc cải tổ của HĐBA LHQ. Bởi trước đó, khi đại diện thường trực của Nga tại LHQ là cố Đại sứ Vitaly Churkin khi còn sống cũng nhất quyết không chấp nhận bất kỳ ý tưởng nào xâm phạm đến quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực là Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp. Washington và Bắc Kinh có cùng một quan điểm với Nga. Trong khi London và Paris lại ủng hộ phương án tự nguyện từ bỏ quyền phủ quyết trong trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn việc “phạm tội” theo số đông.
Sắc lệnh gây tranh cãi ở Ukraine
Theo bình luận của các chuyên gia, sở dĩ căng thẳng ngoại giao Nga-Ukraine đột nhiên bùng lên như vậy là do việc lãnh đạo Ukraine tỏ ra không hài lòng với việc Tổng thống Putin yêu cầu giới chức Nga công nhận giấy tờ được cấp tại miền Đông Ukraine. Đây là vấn đề được cho là vô cùng nhạy cảm trong thời điểm hiện tại.
Trước đó, ngày 18-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát. Theo sắc lệnh của ông Putin được đăng tải trên trang mạng của Điện Kremlin, nhà chức trách Nga sẽ tạm thời công nhận các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy đăng ký phương tiện, được cấp tại hai khu vực Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Quyết định này sẽ cho phép người dân ở các khu vực xung đột có thể du lịch, làm việc và học tập tại Nga. Theo Điện Kremlin, sắc lệnh trên sẽ có hiệu lực cho đến khi "một sự ổn định chính trị" dựa trên thỏa thuận Minsk được thiết lập tại khu vực xung đột.
Ngay sau khi sắc lệnh của Tổng thống Nga đưa ra, bình luận về quyết định của người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh, sắc lệnh của ông Putin vi phạm luật pháp quốc tế. "Trên quan điểm của luật pháp quốc tế việc công nhận các thành phần này là bất hợp pháp và phủ nhận thỏa thuận Minsk, đây là động thái không tương thích với việc thực hiện thỏa thuận hòa bình này. Tôi tin rằng đây là một hành vi rất đáng lo ngại và nó đòi hỏi hành động quyết liệt nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt", ông Poroshenko nói.
Trong khi đó, Cộng hòa tự xưng Donetsk đã gọi tuyên bố của ông Poroshenko là một phần trong nỗ lực làm mất uy tín của sứ mệnh hòa bình trong con mắt của dư luận thế giới. Đại diện quốc phòng của nước cộng hòa tự xưng Donetsk cho biết: "Đây là một tuyên bố sai sự thật, một phần là nhằm làm mất uy tín của sứ mệnh nhân đạo và một phần là để biện minh cho việc Kiev phong tỏa khu vực Donbass".
Liên quan tới sắc lệnh này, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin quan chức của Ủy ban Biên phòng quốc gia Belarus Anton Bychkovsky ngày 20-2 khẳng định những người mang giấy tờ tùy thân do chính quyền Đông Ukraine cấp không thể nhập cảnh vào nước này. Phát biểu với phóng viên, ông Bychkovsky cho hay, sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không thay đổi chính sách của cơ quan biên phòng Belarus.
Liên quan tới sắc lệnh này, ngày 20-2, Đức và Pháp cũng không ủng hộ quyết định của Nga, công nhận hộ chiếu do phe nổi dậy ly khai tại các khu vực Lugansk và Donetsk thuộc miền Đông Ukraine cấp, coi đó là động thái không thể chấp nhận.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert nêu rõ: "Việc công nhận các giấy tờ đi lại của cái gọi là các nước cộng hòa nhân dân Lugansk và Donetsk tự xưng gây phương hại đến sự thống nhất của Ukraine". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh "Pháp lấy làm tiếc về quyết định này".
Theo bộ trên, Paris muốn Moskva chú trọng vào việc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với phe nổi dậy tại Ukraine nhằm đảm bảo việc áp dụng các điều khoản của Thỏa thuận hòa bình Minsk. Bộ này cũng cho rằng đó là con đường duy nhất để đảm bảo một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Hàng ngày có nhiều người dân Donetsk xếp hàng chờ đợi để vào lãnh thổ của Nga. Ảnh: AP. |
Ukraine đang mất kiểm soát
Thực tế tại Ukraine đáng báo động. Ukraine đang ngày càng không thể kiểm soát nổi tình hình khi nhu cầu hộ chiếu của người dân tại Donetsk và Lungansk đã tăng nhanh chóng. Ngày 22-2, phát biểu với báo giới, ông Aleksandr Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết số lượng người dân xin cấp giấy tờ tại khu vực này đã tăng mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền đã phải điều động thêm nhân lực để giải quyết. Trước đó, kể từ ngày 16-3-2016, DPR đã bắt đầu cấp hộ chiếu và đến nay đã có hơn 50.000 người nhận được hộ chiếu của nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Theo Sputnik, tại trạm hải quan Uspenskays trên lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk, hằng ngày có nhiều người xếp hàng chờ đợi để vào lãnh thổ của Nga. Có người đi thăm người thân, có người đi vì mục đích công việc. “Sau khi được phép, tôi gọi điện hỏi, họ nói xin mời. Bạn có thể đi bất cứ nơi nào trên toàn bộ lãnh thổ. Đến tận Bắc Cực cũng được, không có vấn đề gì”, Sputnik dẫn lời cư dân DNR Pavel Lazarets cho hay.
Trong khi đó, người đứng đầu Dịch vụ di trú của Bộ Nội vụ DNR Vladimir Krasnosek tiết lộ, chỉ mới tháng trước, cơ quan này đã cấp hơn 8.000 hộ chiếu. “Và số lượng người đến nhận hộ chiếu công dân chỉ có tăng lên. Tôi nghĩ rằng do thực tế hôm Thứ bảy đã ban hành sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, dòng chảy tối thiểu tăng gấp hai, gấp ba lần. Về nguyên tắc, không đủ năng lực kỹ thuật để đáp ứng”, ông Krasnosek tuyên bố. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Ông Igor Kornet, người đứng đầu Bộ Nội vụ LPR cho biết, nhu cầu hộ chiếu tại khu vực này cũng đang tăng cao những ngày gần đây. Cụ thể, trung bình một ngày, ở LPR đang cấp gần 200 hộ chiếu cho người dân.
Việc ngày càng có nhiều người dân tại khu vực Donetsk và Lugansk xin cấp giấy tờ, hộ chiếu vào thời điểm này là hệ quả tất yếu từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát hôm 18-2.
Tuyên bố trên của điện Kremlin đã gây ra sự xáo trộn không hề nhẹ trong nội bộ Ukraine khi người dân miền Đông nước này háo hức còn giới chức Kiev bày tỏ nhiều phẫn nộ và không ngừng lên tiếng chỉ trích Nga. Ông Oleksandr Turchynov, Bộ trưởng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho rằng việc thông qua sắc lệnh cho thấy Tổng thống Putin đã công nhận tính hợp pháp của chính quyền phe nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
“Đây cũng là hành động cho thấy Nga đang can thiệp vào tình hình Donbass”, ông Turchynov tuyên bố.
Quyết định công nhận một số giấy tờ tùy thân cấp cho người dân thường trú ở một số khu vực Donetsk và Lugansk thuộc miền Đông Ukraine của điện Kremlin đang đẩy chính quyền Kiev vào những bất lợi mới, nhất là việc duy trì thỏa thuận hòa bình vừa mới đạt được hôm 20-2. Rõ ràng những động thái mới từ điện Kremlin đang khiến chính quyền Ukraine ngày càng mất dần sự kiểm soát.
Không chỉ khó khăn trong việc duy trì ổn định tình hình khu vực miền Đông, Kiev đang đối diện với việc ngày càng có nhiều người dân di cư sang Nga.
Khấp khểnh con đường đi tới hòa bình
Mặc dù đã có lệnh ngừng bắn mới tại các khu vực giao tranh ở Ukraine từ ngày 20-2, song, trong một báo cáo mới nhất, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, ông Jeffrey Feltman đã báo cáo về tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine trước HĐBA, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng các bên tham chiến vi phạm luật pháp quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo. Hai năm đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận Minsk II về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine được ký kết, nhưng các cuộc xung đột đẫm máu ở đây vẫn tiếp tục diễn ra, cướp đi thêm sinh mạng của hàng nghìn người.
Điều mà Minsk II đã làm được đó là giúp kiềm chế mối lo ngại về một cuộc chiến lan rộng hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa bao giờ giúp chấm dứt tình trạng bạo lực và những hoài nghi sâu sắc cản trở tiến trình tiến tới một giải pháp chính trị.
Các chuyên gia nhận định không nhiều khả năng cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine phát triển thành xung đột quân sự quy mô lớn, nhưng việc hai bên không thể ngồi lại với nhau càng khiến cho khu vực trở nên bất ổn. Mâu thuẫn Nga-Ukraine; Nga - phương Tây bao gồm EU, NATO, Mỹ ngày càng sâu sắc hơn vì vấn đề Ukraine. Có thể thấy rõ, quan hệ nước lớn luôn phủ bóng lên cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như quan hệ Nga - Ukraine.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Ukraine đã trở thành tiêu điểm thảo luận toàn cầu. Tháng 2-2014, người Ukraine thông qua cách mạng sắc màu đường phố đã lật đổ Tổng thống Ukraine Yanukovych. Sau đó, tình hình nhanh chóng mở rộng và được đẩy lên cao trào sau khi Crimea trưng cầu dân ý tuyên bố độc lập và gia nhập Liên bang Nga.
Phong trào ly khai của lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine tiến tới bắt đầu tìm cách lấy việc tách khỏi Ukraine làm mục tiêu, khiến cho nội chiến Ukraine bùng nổ. Đến nay, dường như toàn bộ quốc gia này đều mất kiểm soát, ngoài miền Đông rơi vào trạng thái chiến tranh hỗn loạn, hơn nữa sự tranh giành giữa các nước lớn đã khiến cho Ukraine mất dần khả năng kiểm soát.