Ukraine ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng

Thứ Năm, 09/03/2017, 15:55
Cuộc khủng hoảng Ukraine trong mấy năm qua vẫn chưa có bất cứ lối thoát nào và ngày càng đi vào ngõ cụt tăm tối. Giao tranh quân sự tạm thời lắng xuống nhưng thay vào đó là cuộc chiến kinh tế và pháp lý đang có nguy cơ đẩy đất nước vốn bị tổn thương sẵn lao xuống vực thẳm.

Trước hết xin nói về tin vui cho Ukraine. Một lệnh ngừng bắn đã được thiếp lập tại đường giới tuyến ở Donbass ngày 5-3 theo sáng kiến của hai nhà nước Cộng hòa nhân dân Donesk và Lugansk tự xưng. Đại diện Bộ Chỉ huy Cộng hòa Donesk tự xưng Edurard Basurin cho biết, thông qua Trung tâm hỗn hợp giám sát và điều phối lệnh ngừng bắn, Cộng hòa Donesk và Lugansk tự xưng đã đề xuất ngừng bắn dọc giới tuyến bắt đầu từ 11 giờ ngày 5-3 theo giờ địa phương và hiện đang được tuân thủ.

Vị Chỉ huy nước Cộng hòa tự xưng nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn có tiếp tục được tuân thủ hay không còn tùy thuộc vào hành động của chính quyền Ukraine và khả năng của Kiev đảm bảo các đơn vị quân đội Ukraine cũng như các nhóm vũ trang cực đoan tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Trong cuộc họp mới đây nhất diễn ra ngày 1-3, Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã đạt được thỏa thuận khôi phục tiến trình rút vũ khí khỏi giới tuyến từ ngày 7-3. Tuy nhiên, căng thẳng giữa miền đông và chính quyền Kiev giờ liên quan tới kinh tế.

Từ cuối tháng 1 vừa qua, các phần tử cực đoan Ukraine đã bắt đầu phong tỏa tuyến đường ở khu vực Donbass, làm gián đoạn hoạt động cung cấp than vốn được khai thác tại các vùng lãnh thổ nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Ukraine. Nhóm này cho rằng, việc mua than từ miền Đông do phiến quân kiểm soát là phản quốc. Điều đáng nói là nếu không có than thì các nhà máy điện ở Ukraine có nguy cơ đóng cửa. Chính quyền Kiev đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng để tiết kiệm tài nguyên.

Đại diện Bộ Chỉ huy Cộng hòa Donesk tự xưng Edurard Basurin ngày 5-3 tuyên bố ngừng bắn ở miền đông.

Thủ tướng Vladimir Groisman cho biết, việc phong tỏa ở Donbass có thể khiến ngành khai thác khoáng sản và công nghiệp luyện kim của nước này mất đi 3,5 tỷ USD thu ngoại tệ và làm cho 75.000 người mất việc làm.

Đáp lại, các nước cộng hòa tự xưng cũng đưa ra quy chế quản lý độc lập với các doanh nghiệp của Ukraine. Hôm 3-3, người đứng đầu nhà nước Donetsk Alexander Zakharchenko đã tuyên bố cấm vận thương mại với Kiev.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 4-3, trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động thương mại của Nga với hai nhà nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, các phần tử cực đoan Ukraine còn công bố mở một trạm kiểm soát mới, phong tỏa hoạt động của các tàu hỏa tới từ Nga, và hiện đóng tại ga đường sắt Konotop, vùng Sumy cách biên giới với Nga khoảng 70 km.

Về phần mình, Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng Moskva không hỗ trợ cho các lực lượng dân quân và cũng không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như không gửi quân đến Donbass. Tuy nhiên, Kiev nhiều lần cáo buộc Moskva "xâm lược quân sự".

Bàn luận về diễn biến mới này của các phần tử cực đoan Ukraine, Jim Jatras, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cũng là một nhà cựu ngoại giao Mỹ, cho biết: “Họ ý thức được hành động này sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế vì họ đã báo trước về hành động này từ ngày 15-2 và cũng đã dự trữ than dùng trong 40 ngày. Khi kỳ hạn này đến, lượng than dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Thủ tướng Ukraine Groisman cảnh báo 300.000 người sẽ mất việc làm vì không có than để duy trì hoạt động. Họ không thể tiếp tục duy trì tình trạng này. Mọi người cho rằng đây là hành động bất hợp pháp vì họ không có quyền để phong tỏa và chính quyền Kiev nên can thiệp. Tôi chỉ có thể đặt ra giả thuyết là chính quyền không dám can thiệp vì họ nghĩ rằng mình không có đủ sức để làm được việc đó. Thực tế, họ sợ những người theo chủ nghĩa dân tộc vì nếu dùng những biện pháp cứng rắn để chống lại thì sẽ dẫn đến bạo động mà chính phủ không thể kiểm soát”.

Ông Jim Jatras cho rằng với việc phong tỏa này, Ukraine đang tự bắn vào chân mình, hay đúng hơn là nhóm chủ nghĩa dân tộc là “người bóp cò”. Đảng Samopomich theo đường lối cực đoan có một số thành viên thuộc Rada (quốc hội của Ukraine) theo phe thân phương Tây.

“Tôi nghĩ họ có mục tiêu lớn hơn. Họ tuyên bố đang chống tham nhũng... nhưng tôi cho rằng họ đang muốn ngầm phá hoại chính quyền Kiev để gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta đã nghe nhắc đến nguy cơ của một cuộc biểu tình Maidan mới. Tôi không loại trừ khả năng đây là ý định thật sự của họ. Họ nhắm vào điểm yếu của nền kinh tế với mong muốn làm dấy lên một cuộc khủng hoảng nhà nước Ukraine” - ông Jatras nói với đài RT của Nga ngày 5-3.

Nga và Ukraine sẽ gặp nhau ở tòa.

Theo một số nhà quan sát quốc tế, hành động ngăn chặn lưu thông hàng hóa của nhóm cực đoan ở Ukraine phần nào giải thích cho thái độ miễn cưỡng của chính phủ khi thử đối phó với tình trạng này, bởi vì đây có thể là một chất xúc tác tạo ra sự phát triển nào đó. Đừng quên rằng tất cả đồng minh của Ukraine đến từ châu Âu, Mỹ và một số nước G7 cho rằng việc phong tỏa này gây ảnh hưởng xấu cho Ukraine.

Thực tế, nếu muốn được phương Tây viện trợ thì làm thế sẽ không có hiệu quả. Vì đơn giản, họ sẽ nói: "Nơi này không còn ổn định, họ không đáng tin cậy. Chúng tôi sẽ không tăng cường viện trợ".

Trong tình thế này, Ukraine vẫn đang tiếp tục tham gia vào cuộc chiến pháp lý với Nga. Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên Hiệp Quốc trong ngày 6-3 đã bắt đầu xem xét yêu cầu của Ukraine về việc Nga ngừng hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông nước này. Ukraine đã đệ đơn lên ICJ hồi tháng 1-2017. Đơn kiện của Kiev cáo buộc Moskva vi phạm các hiệp ước chống khủng bố và chống phân biệt đối xử bằng cách hỗ trợ các nhóm thân Nga ở Crimea và miền Đông Ukraine, nơi diễn ra cuộc nội chiến khiến khoảng 10.000 người chết trong 3 năm qua.

Trong đơn, Ukraine còn tố cáo lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã thực hiện những hành động khủng bố. Kiev trích dẫn các vụ đánh bom vào khu dân cư và vụ bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7-2014, khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Lực lượng cực đoan Ukraine phong tỏa các tuyến đường sắt từ miền đông về Kiev.

Hồi tháng 9-2016, nhóm điều tra 6 nước do Hà Lan dẫn đầu kết luận MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất, được phóng từ khu vực phe ly khai kiểm soát. Nhóm điều tra này vẫn chưa xác định nghi phạm. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kết quả mà nước này cho là thiên vị và có động cơ chính trị. Ngoài ra, Nga nhiều lần phủ nhận việc gửi binh sĩ hay thiết bị quân sự đến miền Đông Ukraine và dự kiến sẽ thách thức nhận thẩm quyền của ICJ.

Phiên tòa ngày 6-3 tập trung vào các biện pháp tạm thời mà các bên có thể yêu cầu để đảm bảo cuộc xung đột không trở nên tồi tệ hoặc kéo dài hơn. ICJ thường mất vài năm để phân xử các vụ kiện. Mặc dù phán quyết của ICJ là cuối cùng và ràng buộc nhưng tòa lại không có cơ chế thực thi.

Cũng nên biết rằng đây không phải là lần đầu tiên Nga bị các đối thủ đưa ra một tòa án quốc tế. Theo giới quan sát độc lập, chính quyền Kiev không thể không biết giá trị những cơ sở dùng để cáo buộc lực lượng ly khai miền Đông Ukraine và Moskva, song họ vẫn sử dụng những chứng cứ không thuyết phục ấy - thậm chí chống lại họ - để kiện đối phương ra ICJ. Xét về bằng chứng mà Kiev dùng để cáo buộc Nga đều yếu về lý, kém về tình, do vậy một thất bại nữa sẽ lại có thể đến với họ.

Phải chăng những người đứng đầu chính quyền Kiev không tỉnh táo hay họ được sự ủng hộ của những thế lực ngoại quốc muốn sử dụng Tòa án Công lý quốc tế như một công cụ cho mục đích luật pháp hóa chính trị của họ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.