Ukraine tiếp tục xóa dấu ấn Nga

Thứ Ba, 30/05/2017, 14:12
Chỉ trong một tuần qua, Ukraine liên tiếp tung ra 2 quyết định nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Nga tới người dân. Đây không phải lần đầu và cũng chưa chắc là lần cuối chính quyền Ukraine tìm cách xóa dấu ấn Xôviết khỏi đời sống của người dân kể từ khi cuộc khủng hoảng liên quan tới Crimea nổ ra cách đây 3 năm.

Ngày 23-5, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật truyền thông mới quy định 3/4 các chương trình truyền hình nước này chỉ được phát bằng tiếng Ukraine. Luật hạn chế tiếng Nga trên truyền hình được 269 đại biểu quốc hội Ukraine ủng hộ, 15 người chống đối và 10 nghị sĩ bỏ phiếu trắng.

Theo luật mới, tất cả các kênh truyền hình quốc gia phải đảm bảo 75% các chương trình phát sóng của họ bằng tiếng Ukraine. Với các đài địa phương, tỉ lệ trên là 50%.

Đa phần người Ukraine nói được cả hai thứ tiếng, Ukraine và Nga, nhưng tiếng Nga được sử dụng nhiều hơn ở các tỉnh miền đông, trong khi ở miền tây, người dân ưa nói tiếng Ukraine hơn. Một cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy, 29% người dân Ukraine coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ.

Trước đó, trang web Korrespondent.net đưa tin, một số trường trung học ở Kiev đã cho lưu hành một bản ghi nhớ với lời khuyên về việc làm thế nào để quên tiếng Nga. Bản ghi nhớ khuyến cáo trước hết phải "tiêu diệt" bàn phím chữ Nga "để thoát khỏi sự cám dỗ" chuyển sang ngôn ngữ Nga. Bản ghi nhớ cũng kêu gọi nói tiếng Ukraine khi giao tiếp với những người nói tiếng Nga. "Hãy quên lịch sử đi" - bản ghi nhớ nêu rõ.

Rousslan Balbek, nghị sĩ Duma Quốc gia Nga, đại diện cho vùng Crimea gọi luật mới của Ukraine là cuộc “thập tự chinh” chống lại tiếng Nga. “Giới tinh hoa ở Ukraine đã không thể phá hủy được vùng Donbass và phong tỏa được Crimea, nay họ tìm thấy một kẻ thù mới: cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine” - ông Rousslan Balbek phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ngày 24-5.

Biện pháp hạn chế tiếng Nga của Quốc hội Ukraine diễn ra chỉ một tuần sau khi hàng loạt các hãng truyền thông của Nga bị cấm hoạt động tại Ukraine. Ngày 16-5, Ukraine công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Theo đó, nhiều hãng truyền thông, trang web, công cụ tìm kiếm, các công ty an ninh mạng và cả một số nghị sĩ của Nga bị cấm hoạt động hoặc đến Ukraine.

Biểu tượng búa liềm ở Kiev.

Theo đài RT, tổng cộng 468 công ty của Nga và 1.228 cá nhân có liên quan tới lệnh trừng phạt lần này. Ngoài các ngân hàng, hãng hàng không, nhiều hãng truyền thông Nga trong đó có đài RT, kênh truyền hình Zvezda, công cụ tìm kiếm Yandex, Mail.ru và các mạng xã hội VKontakte và Odnoklassniki cũng nằm trong danh sách bị cấm.

Tất cả các đối tượng nằm trong danh sách trên bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Ukraine trong thời hạn từ một năm đến ba năm. Giám đốc các đài RT, Dimitri Kisselev, ban lãnh đạo đài Sputnik bị cấm vào Ukraine trong thời gian một năm.

Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng giữa Ukraine và Nga liên quan tới vấn đề Crimea, nhiều chương trình truyền hình và phim của Nga đã bị cấm chiếu trên các kênh truyền hình ở Ukraine. Kiev cũng đã cấm nhập khẩu sách từ Nga vào Ukraine.

Hồi tháng 4-2016, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã ký sửa đổi luật "Về phim điện ảnh, truyền hình", trong đó có nội dung cấm trình chiếu các loại phim Nga và các chương trình truyền hình của Nga được sản xuất sau ngày 1-1-2014.

Trang web của Quốc hội Ukraine đã đăng văn bản giải thích cụ thể rằng lệnh cấm này liên quan không chỉ đến phim truyện nhựa mà còn đến các thể loại khác như phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyền hình nhiều tập và tất cả các chương trình truyền hình của Nga, nếu những loại hình kể trên được sản xuất sau ngày 1-1-2014. Văn bản này ghi rõ rằng đây là “biện pháp cần thiết để cải thiện việc bảo vệ an ninh quốc gia của Ukraine trong lĩnh vực thông tin – văn hóa”.

Ngoài ra, vào tháng 8-2015, Ukraine đã công bố một danh sách đen gồm các nghệ sĩ Nga “có thể tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Ukraine”. Đến cuối tháng 12-2015, danh sách này đã được mở rộng lên đến 83 người, trong đó có cả diễn viên nổi tiếng người Pháp Gerard Depardieu, vì ông đã lấy thêm quốc tịch Nga.

Cũng trong năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài các nhà lãnh đạo Liên Xô. Theo lời giám đốc Viện Di tích Quốc gia Ukraine, Vladimir Vyatrovich, viện này đã đề nghị đổi tên các khu dân cư hiện nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Ukraine ở Crimea và một phần lãnh thổ của Donbass.

Ông Vyatrovich cho biết, những địa danh có từ thời Sa hoàng, không liên quan đến thời Xô viết thì vẫn giữ nguyên, thí dụ Yalta vẫn là Yalta, còn những địa danh có thành  tố Komsomol, Lenin… thì sẽ bị đổi.

Ngày 9-4-2015, Quốc hội Ukraine đã thông qua điều luật cấm tuyên truyền các biểu tượng của CNXH. Sau đó, Tổng thống Poroshenko đã ký thêm bốn điều luật nữa, được công luận gọi là “gói đoạn tuyệt”, theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm đổi tên các tỉnh, huyện, thành phố, thị trấn, làng, đường phố, trường học, bệnh viện v.v nếu các đối tượng đó có những cái tên liên quan đến thời Xô viết.

Viện Di tích Quốc gia Ukraine đã công bố danh sách 520 nhân vật lịch sử bị các điều luật nói trên lên án và do đó tên của họ phải bị xóa khỏi các tên gọi địa lý. Viện này cho biết, có tới hơn 900 khu dân cư (bao gồm làng mạc, thị trấn, thành phố…) phải đổi tên, không mang tên các nhân vật lịch sử thời Xô viết nữa.

Sau các biện pháp gần đây của chính quyền Kiev, Nga cảnh báo rằng Ukraine sẽ gặp rắc rối nếu thi hành những chính sách thù địch chống Moskva, trong đó có cả việc chối bỏ quá khứ. "Những nỗ lực của Kiev để xuyên tạc quá khứ của đất nước và bỏ qua những thành tựu đạt được trong thời gian sống dưới mái nhà Liên Xô sẽ chỉ dẫn đến một sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.