Ứng cử viên hàng đầu chức Tổng thống Hàn Quốc không “mặn mà” với THAAD

Thứ Hai, 08/05/2017, 16:05
Bắt đầu từ sáng sớm 4-5, người dân Hàn Quốc đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống, chọn 1 trong 5 ứng cử viên gồm Moon Jae-in (đảng Dân chủ), Hong Joon-pyo (đảng Hàn Quốc tự do), Yoo Seong-min (đảng Bareun), Sim Sang-jeung (đảng Công lý) và Ahn Cheol-soo (đảng Nhân dân). Cuộc bầu cử sẽ kết thúc vào cuối ngày 5-5. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 9-5.

Theo các cuộc thăm dò cử tri trước ngày bỏ phiếu, trong 5 ứng cử viên trên, ông Moon Jae-in đang vượt lên dẫn đầu, với tỉ lệ ủng hộ khá cao, hơn 42% so với khoảng 18% của hai ứng cử viên tiếp theo. Với đà dẫn điểm này, giới quan sát nhận định ông Moon hầu như chắc chắn giành chiến thắng để trở thành tổng thống mới của Hàn Quốc, thay thế bà Park Geun-hye đã bị luận tội và đang hầu tòa.

Điều Washington quan ngại nhất chính là ông Moon không mặn mà với kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn mang tên Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Moon lo sợ rằng việc triển khai THAAD của Mỹ sẽ khiến cho Chính phủ Hàn Quốc bị đặt trong một “chiếc hộp” và tiến trình dân chủ, quyền tự chủ của Hàn Quốc bị Mỹ can thiệp một cách trắng trợn. Chính vì thế, ngay trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Moon đã tuyên bố sẽ xem xét lại quyết định cho triển khai THAAD của chính quyền tiền nhiệm.

Thêm một điều không bình thường trong kỳ bầu cử này là ông Moon sẽ trở thành Tổng thống Hàn Quốc ngay sau khi được bầu chứ không qua một giai đoạn chuyển tiếp như trước đây. Nhận thức được khả năng kế hoạch triển khai THAAD gặp nguy hiểm, chính quyền Mỹ đã hành động một cách nhanh chóng, chuyển các cấu kiện cuối cùng của THAAD đến và lắp đặt ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Vào ngày 2-5-2017, tức hai ngày trước bầu cử, hệ thống THAAD đã chính thức đi vào vận hành.

Ông Moon Jae-in.

Việc Mỹ gấp rút đưa THAAD vào vận hành đang gây nên dư luận tranh cãi và nhiều lời chỉ trích ở Hàn Quốc, trong đó giới chính trị Hàn Quốc do ông Moon dẫn đầu chỉ trích Mỹ đã cố tình đặt ông vào tình thế nan giải, nếu không nói là không thể, lật ngược quyết định triển khai THAAD. Thông tin chính thống cho rằng hệ thống phòng thủ này được thiết kế nhằm đánh chặn các tên lửa của CHDCND Triều Tiên, nhưng nhiều người ở Hàn Quốc lại sợ rằng chính nó có thể sẽ biến họ thành mục tiêu tấn công nhiều hơn.

Ông Moon cho rằng, thời điểm hiện tại rất nhạy cảm về mặt chính trị, đất nước Hàn Quốc đang trong giai đoạn chưa có chính phủ chính thức do cuộc bầu cử chưa được tiến hành. Trong bối cảnh đó, việc đưa THAAD vào vận hành một cách vội vã, bỏ qua quy trình lấy ý kiến công chúng hay đánh giá tác động môi trường. Ý kiến cá nhân các trợ lý của ông Moon cho rằng họ “tức giận” về việc Mỹ cho triển khai lắp đặt THAAD quá nhanh.

Ông Moon còn cảnh báo: hành động triển khai THAAD như thế có thể làm thương tổn đến lòng tin của người Hàn Quốc đối với Washington và ảnh hưởng đến liên minh an ninh giữa hai nước. Ông Moon mong muốn Mỹ dành nhiều thời gian hơn để người Hàn Quốc bàn bạc, thảo luận về THAAD một cách dân chủ, từ đó sẽ giúp cho việc đưa THAAD vào vận hành với niềm tin cao hơn nơi người dân Hàn Quốc, và mối liên minh về an ninh giữa hai nước có thể được củng cố chặt chẽ hơn.

Hệ thống THAAD của Mỹ vừa được đưa vào vận hành tại Hàn Quốc.

Theo nhận định của báo chí Hàn Quốc, việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD và những hành động khiêu khích gần đây của CHDCND Triều Tiên, đã làm cho chính sách đối ngoại trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động mùa bầu cử. Năm nay 64 tuổi, ông Moon từng là một luật sư chuyên lĩnh vực nhân quyền. Ông cũng từng là Chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun. Từ đó, Moon được xem là người có quan điểm gần với “chính sách ánh dương” trước đây là lôi kéo, đối thoại với CHDCND Triều Tiên.

Moon muốn mở lại khu công nghiệp liên Triều, và trong các cuộc tranh luận trên truyền hình ông đã nhắc đến việc Hàn Quốc chủ trì sáng kiến đối với vấn đề CHDCND Triều Tiên. Ông muốn Hàn Quốc chứ không phải Mỹ nắm quyền kiểm soát liên minh quân sự nếu có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ đánh giá một số lời hứa của ông Moon trong chiến dịch tranh cử - như việc mở lại khu công nghiệp liên Triều - mang tính “mơ mộng” hơn là thực tế.

Trả lời báo chí về việc tái cân bằng quan hệ an ninh giữa hai nước, Moon cho rằng ông sẽ không đi theo hướng đó. Moon khẳng định, liên minh quân sự giữa hai nước là nền tảng quan trọng nhất đối với an ninh và chính trị Hàn Quốc. Ông khẳng định cả Mỹ và Hàn Quốc sẽ cùng làm việc với CHDCND Triều Tiên. Và ông cho rằng mình có thể đi đến bất cứ đâu, kể cả Bình Nhưỡng, ngồi xuống nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để làm cho việc phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên có tiến triển.

Về điểm này, giới phân tích cho rằng ông Moon có sự tương đồng với quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump thời gian gần đây. Ngoài ra, Moon cũng đồng ý với Trump một số ý kiến, như việc xem chính sách “kiên trì chiến lược” của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với CHDCND Triều Tiên là thất bại; phương pháp áp dụng lệnh trừng phạt và áp lực đối với CHDCND Triều Tiên để đưa nước này quay trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.

An Châu (tổng hợp)
.
.