Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên: Công phá... thế bế tắc

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:55
Ngày 9-9, Triều Tiên tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại Bình Nhưỡng để kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh. Cuộc duyệt binh có quy mô nhỏ hơn mọi năm, song, lại gây chú ý sau “lời cảm ơn” mang “thương hiệu” Donald Trump trên Twitter rằng: Tổng thống Donald Trump bày tỏ cảm ơn tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đã không phô trương tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Một lời cảm ơn, một cuộc duyệt binh ẩn chứa thông điệp trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc cho thấy hai phía đều muốn công phá thế bế tắc này.

Thông điệp tích cực từ cuộc duyệt binh không tên lửa?

Khác hẳn mọi năm, CHDCND Triều Tiên lần này không phô trương các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà chỉ có hàng nghìn binh sĩ duyệt đội ngũ cùng xe tăng, trọng pháo và các khối diễu hành cờ hoa. Cũng tại lễ duyệt binh này, đã không xuất hiện các phát biểu khiêu khích Mỹ và Hàn Quốc.

Điều khó hiểu là cuộc duyệt binh “khác thường lệ” để kỷ niệm Quốc khánh của Triều Tiên lại diễn ra trong bối cảnh các thương thuyết giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa hiện đang bế tắc. Mỹ và các đối tác ở khu vực này vẫn tiến hành các cuộc tập trận. Trong khi đó, tiến trình ngoại giao không có tiến triển gì, thậm chí còn bị đánh giá là thụt lùi.

Trên CNN, một số chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng việc Bình Nhưỡng không chọn duyệt binh với ICBM trong năm nay là vì họ có thể đã hoàn thành chương trình hạt nhân của mình và do đó không cần thiết phải phô trương chúng nữa.

Trong khi đó, chuyên gia Dave Schmerler thuộc Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin cho rằng cuộc duyệt binh năm nay khác hẳn những năm trước đây, trên các nòng pháo đều có gắn khẩu hiệu chống Mỹ, chủ đề năm nay dường như tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho nhân dân Triều Tiên.

Ông Schmerler đánh giá nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2018 khá thành công về mặt ngoại giao, cá nhân ông Kim đã gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011. Cuối tháng này, ông Kim sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng.

Những tín hiệu tích cực từ Triều Tiên dường như đang chỉ ra mâu thuẫn với sự bế tắc về các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Và câu chuyện cũ cũng vì thế mà vẫn đeo đẳng hai quốc gia nhiều duyên nợ này. Theo Telegraph, Washington muốn ông Kim Jong-un thúc đẩy phi hạt nhân hóa trước tiên, còn Bình Nhưỡng muốn có một sự bảo đảm an ninh và một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Theo tờ báo này phân tích, những dấu hiệu tích cực từ Triều Tiên và “lời cảm ơn” của Tổng thống Trump cho thấy sự bế tắc này đang có dấu hiệu được giải tỏa trong những ngày tới đây. Tờ báo trên đưa thông tin rằng, ngày 8-9, Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên trên chiếc Không lực 1 rằng một bức thư cá nhân từ ông Kim Jong-un sẽ sớm được chuyển tới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử hồi đầu năm 2018. Ảnh: AP.

“Tôi nghĩ nó sẽ là một bức thư lạc quan”, ông nói. Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã viết trên Twitter gửi lời cảm ơn đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì có “niềm tin kiên định” vào ông và nói thêm rằng: “Chúng ta sẽ làm điều đó cùng nhau!”, hàm ý nhắc tới tiến trình phi hạt nhân hóa.

Chuyên gia phân tích về Triều Tiên Loretta Napoleoni nhận định: “Ông Kim và ông Trump đang có những cử chỉ nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ và chứng minh cho thế giới biết rằng thỏa thuận này đang diễn ra. Và, quả thực, thỏa thuận này đang diễn ra nhưng ông Kim sẽ không phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, bang California, khi nhận định, cuộc duyệt binh năm nay trước hết vẫn là để biểu dương sức mạnh. Tuy nhiên, với quyết định chọn tổ chức duyệt binh một cách chừng mực, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã để ngỏ cánh cửa cho việc tiếp tục các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Xu thế đa cực trong những “cuộc tình tay ba”

Những thông điệp tích cực trên xuất hiện sau khi các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên bắt đầu dùng những từ ngữ tương đối gay gắt để công kích Mỹ, còn các cuộc tập trận của lực lượng đặc nhiệm Mỹ được tổ chức lặng lẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của Mỹ USS Michigan (SSGN-727) thì cập cảng căn cứ hải quân Yokosuka.

Văn phòng liên lạc chung giữa hai miền Nam-Bắc vốn định thiết lập vào tháng 8-2018 cũng xuất hiện tình hình mới, Hàn Quốc có thể phải trì hoãn kế hoạch này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter, sau đó đã hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ 4 của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ngoại giao đọ sức kiểu Donald Trump một lần nữa được tái hiện.

Các chuyên gia am hiểu tình hình nhận xét: Tình hình Bán đảo Triều Tiên luôn có biến động lớn, rất khó dùng quan hệ song phương để tìm hiểu tình hình của Bán đảo, sự thay đổi của bất kỳ quan hệ song phương nào đều do bên thứ 3 gây ra hoặc bắt nguồn từ bên thứ 3, đây là mối quan hệ 3 bên điển hình. Về lý thuyết, Bán đảo Triều Tiên có hơn 10 cặp quan hệ 3 bên nhưng trong khuôn khổ lớn của quan hệ 3 bên Trung-Mỹ-Triều, cặp quan hệ 3 bên Trung-Triều-Hàn và Mỹ-Triều-Hàn có sự tác động nhau liên tục, còn quan hệ 3 bên và phe cánh Mỹ-Nhật-Hàn và Trung-Triều-Nga thay đổi thất thường.

Bán đảo Triều Tiên thể hiện rõ xu thế đa cực. Nhưng logic của ngoại giao phe cánh cũng có lúc được lộ rõ. Địa chính trị và địa kinh tế đang trải qua quá trình phân tách công năng và tổ chức lại mang tính kết cấu, mỗi bên đều tìm kiếm vai trò then chốt và địa vị ưu thế của mình, sự tác động chồng chéo nhau của các cặp quan hệ 3 bên cuối cùng rất có thể xuất hiện trạng thái “hòa bình lạnh” mới.

Từ sau khi nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên thực hiện cuộc gặp mang tính lịch sử và đạt được nhận thức chung 4 điểm vào tháng 6/2018, cục diện Bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện sự chuyển đổi quan trọng - tiến vào giai đoạn mới của ngoại giao, thông qua biện pháp ngoại giao dần dần giải quyết vấn đề. Điều này đã có những thay đổi mang tính thực chất so với trước đó khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ gây sức ép tối đa, hai bên lúc nào cũng ở trạng thái có thể xảy ra chiến tranh.

Chủ đề của cục diện Bán đảo cũng chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, làm sống lại các hoạt động ngoại giao của Bán đảo, có thể nói hoạt động ngoại giao được triển khai xoay quanh vấn đề Bán đảo cũng đạt đến mức độ mới trong những năm gần đây.

Bán đảo Triều Tiên hiện nay vừa không phải là sự đối đầu phe cánh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không có ranh giới phe cánh rõ ràng, vừa không hình thành cơ chế an ninh tập thể, mà là giai đoạn ngoại giao linh hoạt, ranh giới thật khó xác định. Ai cũng không muốn bị ràng buộc vào một phe. Tình cảnh là thử thách gay gắt đối với mỗi bên, bất kỳ hoạt động ngoại giao nào đều có hiệu ứng hệ thống.

Sự thay đổi của quan hệ song phương đều sẽ ảnh hưởng đến bên thứ 3, cũng như mối quan hệ giữa hai bên với bên thứ 3, nói một cách đơn giản chính là quan hệ 3 bên. Trong quan hệ 3 bên, không có thực lực của bất kỳ bên nào đủ để đạt đến mức không cần kiêng dè 2 bên kia, cũng không có bất kỳ bên nào muốn trở thành kẻ thù của 2 bên kia, bất kỳ bên nào cũng hy vọng chiếm địa vị then chốt trong quan hệ 3 bên, hoặc trở thành tiêu điểm quan trọng nhất của quan hệ 3 bên, hoặc đều có mối liên hệ với 2 bên, điều này cũng có nghĩa là mọi việc diễn ra thuận lợi.

Trong quan hệ 3 bên, không có bất kỳ mối quan hệ song phương nào có thể kết thành đồng minh, càng không nói đến đồng minh bền vững. Quan hệ 3 bên cũng là một cơ chế hòa bình, hoặc có thể nói là cơ chế ngăn chặn chiến tranh. Một nhân tố rất quan trọng làm bùng nổ chiến tranh chính là việc đồng minh bền vững cuối cùng đã thay thế quan hệ 3 bên.

Cục diện ngoại giao của Bán đảo Triều Tiên ngày càng tiếp cận định nghĩa và tiêu chuẩn quan hệ 3 bên. Tiêu chí trực tiếp nhất chính là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện sự đột phá về ngoại giao, thực hiện cuộc gặp với nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ..., Triều Tiên đã thoát khỏi trạng thái cô lập.

Cuộc bứt phá ngoạn mục để “tìm ánh sáng cuối đường hầm”

Nguyên nhân căn bản khiến Triều Tiên có cuộc bứt phá ngoạn mục nằm ở chỗ Triều Tiên có vai trò then chốt trong hệ thống ngoại giao này. Trên ý nghĩa nhất định, Triều Tiên có không gian lựa chọn: tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân hay có sự nhượng bộ nhất định.

Cuối tháng 11-2017, Triều Tiên đã 2 lần tiến hành thử tên lửa tầm xa, về cơ bản tạo thành sự răn đe hạt nhân đối với Mỹ, ít nhất là sức răn đe về lý thuyết. Và tới thời điểm hiện tại, sự điều chỉnh của Triều Tiên trong chính sách ngoại giao đang cho thấy họ vẫn giữ thế chủ động.

2 tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un rõ ràng đang chiếm ưu thế. Đối với ông Trump, mục đích chính của cuộc gặp là đạt được một cam kết “phi hạt nhân hóa” từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng nghĩa với việc ông Kim phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Đối với ông Kim Jong-un, mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh là bắt tay Trump như một bên bình đẳng và với tư cách là nhà lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân. Đó cũng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa chiến dịch “gia tăng tối đa sức ép” của Mỹ.

Hình ảnh đoàn tụ đầy xúc động của các gia đình hai miền Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: North Korean Review.

Từ những nỗ lực của mỗi bên, tình thế đã xoay chuyển theo những phép thắng lợi tinh thần mà mỗi bên đều tuyên bố đạt được. Thực tế, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có các cuộc đàm phán trong nhiều tháng để bàn về cách Bình Nhưỡng giải giáp kho vũ khí hạt nhân. Và xem ra, điều này đang có triển vọng tốt. Có một số lý do để nói như vậy.

Lý do thứ nhất là ngày 6-9, ông Kim Jong-un nói với quan chức hàng đầu của Hàn Quốc là Chung Eui-yong rằng ông muốn phi hạt nhân hóa vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lịch trình cụ thể đầu tiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra liên quan đến việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Chắc chắn, ông Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc - Tổng thống Moon Jae-in - sẽ thảo luận về điều này trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng, theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18-9. 

Ngoài các mối quan hệ chủ yếu, có tác động trực tiếp là Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, không thể không tính tới yếu tố Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, cho dù các nước này không phải là nước tham gia chủ yếu trong cục diện Bán đảo Triều Tiên. Các mối quan hệ 3 bên và phức tạp hơn không phải là trật tự quốc tế lý tưởng hoặc trật tự quốc tế bất ổn, nhưng đối với tình hình Bán đảo Triều Tiên, tình hình này có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Vấn đề phi hạt nhân hóa không được giải quyết khi sách lược của các bên không thống nhất, trì hoãn, hay có dấu hiệu bỏ hoặc muốn lợi dụng quan hệ 3 bên nhằm thực hiện lợi ích riêng trong vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ khiến tiến trình phi hạt nhân hóa rất khó trở thành hiện thực, và đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên.

Đối với Triều Tiên, bảo đảm an ninh là lợi ích và nền tảng cốt lõi của đất nước, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành thị sát với mật độ cao các cơ sở kinh tế trong nước, từ nhà máy đến đồng ruộng, đều để lại hình bóng và ý kiến phê bình. Đây là một sự chuyển đổi rất tế nhị, tính hợp pháp chính trị của Triều Tiên trong thời đại Kim Jong-un đã có sự chuyển đổi mô hình, khi ông mới lên cầm quyền cũng đã đề xuất phải làm cho nhân dân được ăn no, đến khi Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (gọi tắt là Đại hội VII, được tổ chức vào tháng 4-2016 - ND) được tổ chức, thời đại Kim Jong-un mới thực sự bắt đầu và Hội nghị Trung ương 3 Khóa VII của Đảng Lao động Triều Tiên chính thức đưa ra sự chuyển đổi của trọng tâm chiến lược, đã hoàn thành sự nghiệp của chính trị “ưu tiên quân đội”, toàn đảng chuyển sang xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Từ nội dung thị sát của ông Kim Jong-un cho thấy sau khi trải qua thời kỳ thực hiện đường lối chính trị “ưu tiên quân đội” và xây dựng lực lượng hạt nhân, Triều Tiên đã bước vào thời kỳ ưu tiên kinh tế. Các biểu ngữ tuyên truyền trên đường phố Triều Tiên cũng đang lặng lẽ thay đổi.

Hoa Huyền
.
.