Vận mệnh khối đồng tiền chung châu Âu

Thứ Tư, 21/09/2011, 05:40

Một viễn cảnh nguy hiểm đang được đặt ra cho các nhà hoạch định châu Âu: Nếu Hy Lạp phá sản, mất khả năng chi trả nợ công thì điều gì sẽ xảy ra?". Liệu khối đồng tiền chung euro sẽ tan rã?

Khả năng phá sản của Hy Lạp đã trở thành mối quan tâm sâu sắc trong khối Liên minh châu Âu (EU) sau khi nó được Bộ trưởng Kinh tế gốc Việt Philipp Rôsler đề cập trong một phát biểu hôm thứ tư 14-9 về vấn đề khủng hoảng nợ công. Dư luận Đức và châu Âu chia làm 2, một bên ủng hộ và một bên phản đối. Tựu trung, nguy cơ phá sản của Hy Lạp là có thật và đang treo lơ lửng trên đầu, nó sẽ thành hiện thực nếu các nỗ lực cứu vãn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng với lãnh đạo Hy Lạp không mang lại kết quả như mong muốn.

Không chỉ có Bộ trưởng Rosler, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng đã bàn đến vấn đề này một cách chi tiết. Trong một bài xã luận đăng trên tờ Der Spiegel mới đây, ông Schauble đưa ra 2 kịch bản cho khu vực đồng euro nếu Hy Lạp tuyên bố phá sản. Thứ nhất, theo ông Schauble, Hy Lạp vẫn ở trong khu vực đồng tiền chung, và thứ hai, nước này ra khỏi khu vực đồng tiền chung, tái lưu hành đồng tiền bản địa drachma.

Các ngân hàng đang có nguy cơ thất thoát hơn 2.000 tỉ USD khủng hoảng nợ công.

Trong kịch bản Hy Lạp được tồn tại trong khu vực đồng tiền chung, Liên minh châu Âu (EU) sẽ dùng Quỹ ổn định tài chính (EFSF) để "cứu nợ" cho Hy Lạp. Điều này cũng sẽ lại kéo theo những hệ lụy do việc trích quỹ EFSF cho Hy Lạp. Hiện tại trong khối cũng đang có những bất đồng xung quanh việc đóng góp và trích quỹ EFSF. Đặc biệt là giữa các chính đảng ở các quốc gia, tiêu biểu là Đức, Pháp, cũng mâu thuẫn gay gắt do một bên ủng hộ việc đóng góp quỹ EFSF nhằm duy trì sự ổn định của khu vực đồng tiền chung, mục tiêu cao nhất là cứu lấy đồng euro khỏi tan rã, nhưng đã gặp phải sự phản đối dữ dội do những khó khăn trong nước còn chưa được giải quyết rốt ráo lại đi lo chuyện bên ngoài. Đức - quốc gia đầu tàu trong cuộc giải cứu đồng tiền chung euro, hiện đang chia rẽ nội bộ vì chuyện cứu nợ cho các quốc gia khủng hoảng như Hy Lạp.

Quan điểm bi quan của 2 vị Bộ trưởng nội các Roesler và Schauble đã khiến cho bà Merkel bực mình, đồng thời làm lộ rõ mối rạn nứt trong liên minh Chính phủ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Philipp Rosler.

Kịch bản thứ 2 là Hy Lạp ra khỏi khối đồng tiền chung, và ở châu Âu hiện cũng đang có nhiều tiếng nói, kể cả Bộ trưởng Tài chính Đức Schauble, kêu gọi loại Hy Lạp ra khỏi khối. Đây là kịch bản mà các chính trị gia hàng đầu EU đang muốn tránh vì nó có thể gây ra hệ lụy nguy hiểm cho khu vực đồng tiền chung lẫn sự thống nhất của khối EU. Khủng hoảng nợ công xảy ra trong khối đồng tiền chung euro là một dấu hiệu nghiêm trọng của sự liên kết lỏng lẻo trong nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chung ở châu Âu.

Chính vì sự lỏng lẻo đó, sự thiếu thống nhất đó đã tạo cơ hội cho những hoạt động kinh tế, những chính sách tài chính không lành mạnh tung hoành. Đến khi không còn tiền mặt trong ngân khố để chi tiêu cho các hoạt động thường nhật mới giật mình xem lại thì đã quá muộn. Tình trạng nợ ngập đầu của Hy Lạp và một số nước cũng chính là vì lý do đó. Mà khi Hy Lạp đã phá sản thì một loạt quốc gia khác cũng có khả năng đi theo "vết xe" Hy Lạp - một kiểu sụp đổ dây chuyền có thể khiến cho khối đồng euro tan rã, kéo theo nguy cơ sự sụp đổ của cả khối EU.

Cho dù Hy Lạp (và các quốc gia phá sản khác) có rời khỏi đồng tiền chung hay không thì khối này vẫn đối mặt với những nguy cơ rất lớn. Đó là việc hạ chỉ số đánh giá tín dụng đối với hệ thống ngân hàng châu Âu, là vấn đề "bù lỗ" cho các ngân hàng do thất thoát "nợ xấu". Sự hạ chỉ số tín dụng này sẽ càng làm nặng thêm "bệnh trạng" đang đeo đuổi các ngân hàng châu Âu, khiến cho cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn xung quanh vấn đề về mức độ tin cậy của các ngân hàng, về khả năng bơm thêm hàng tỉ USD vốn tín dụng cho các ngân hàng.

Đây cũng là ý kiến của bà Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, đồng thời là vấn đề chính trong cuộc họp giữa các bộ trưởng Tài chính châu Âu tại Ba Lan diễn ra hôm 16/9 và sẽ được bàn bạc kỹ tại hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tuần tới. Tuy nhiên, phản ứng của giới lãnh đạo châu Âu trước vấn đề này hiện đang bị phê phán là "chậm chạp" và "lạc hậu" so với yêu cầu thực tế.

Đồng euro sẽ đi về đâu nếu Hy Lạp phá sản?

Hiện tại, tổng mức nợ xấu mà các ngân hàng châu Âu đang bị kẹt tại 5 quốc gia khủng hoảng nợ công (Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia) đã lên đến 2.100 tỉ USD, trong đó Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha đã nhận cứu trợ của IMF và Quỹ EFSF của EU. Nếu Hy Lạp phá sản, các ngân hàng sẽ bị mất từ 50-60% trên tổng giá trị trái phiếu các quốc gia mà họ nắm trong tay.

Ngoài ra, do hệ lụy từ việc Hy Lạp phá sản khiến các chỉ số tín dụng quốc gia bị giảm theo, giá trị của các trái phiếu quốc gia còn lại cũng bị sụt giảm, làm cho các ngân hàng bị thất thoát tài chính nhiều hơn. Điều này sẽ làm tăng hơn nữa nguy cơ khủng hoảng tín dụng lan rộng, nhấn chìm nền kinh tế đang suy thoái của châu Âu

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.