Vấn nạn hạt nhân Iran: Mềm nắn rắn buông

Thứ Hai, 07/05/2012, 03:55

Chính quyền Mỹ sẵn sàng đồng ý cho Iran tự làm giàu uranium ở mức 5% để đổi lấy việc quốc gia này cho phép các thanh sát viên quốc tế đặt chân tới tất cả các cơ sở hạt nhân của họ - đó là nội dung một bài báo mới đây trên tờ The Los Angeles Times, dựa trên tiết lộ của nguồn tin cao cấp trong chính quyền Barack Obama.

Với động thái mới trên, dường như Washington đã nhận ra rằng, sẽ không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran nếu không có những nhượng bộ nghiêm túc. Tehran bước đầu cũng có dấu hiệu "đáp lễ" với tuyên bố, họ dự định sẽ gặp gỡ các đại diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào giữa tháng 5 này. Một số nhà quan sát lại đánh giá, việc sẵn sàng thỏa hiệp với Tehran là một bước đi khôn ngoan của chính quyền Obama với hy vọng tránh leo thang căng thẳng trong vấn đề hạt nhân Iran trước thời điểm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới.

Cụ thể theo như The Los Angeles Times, một nguồn tin cao cấp tại Nhà Trắng đã khẳng định: chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xem xét khả năng đưa ra những nhượng bộ thực sự trong vấn đề hạt nhân của Iran. Theo lời ông này, Mỹ sẵn sàng đồng ý để Iran tự làm giàu số uranium hiện có của mình tới mức độ 5%. Mức độ trên là hoàn toàn đủ để Tehran sử dụng nguyên liệu hạt nhân trên cho các mục đích hòa bình, cho dù họ hiện đang triển khai hoạt động làm giàu uranium tới mức 20%. 

Để đổi lại, Washington yêu cầu chính quyền Iran phải cho phép các quan sát viên quốc tế đặt chân tới tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này, đồng thời cung cấp các đảm bảo bổ sung sao cho họ không thể sử dụng các vật liệu phân rã hạt nhân cho mục đích quân sự. Có vẻ như Washington đã nhận thức được rằng, khả năng gia tăng áp lực để Iran chấm dứt hoàn toàn việc làm giàu uranium gần như là không thể, trong khi việc tiếp tục "chính sách hành xử" trước đây cũng không thể giúp cho cả hai phía thoát khỏi bế tắc. Trước đó, đã có nhiều cựu cố vấn tổng thống về an ninh quốc gia - Zbignev Bjesinski và Brent Scowcroft - cùng một loạt những tiếng nói có ảnh hưởng khác trong lĩnh vực đối ngoại của Mỹ đã kêu gọi chính phủ không nên "dồn Iran vào đường cùng".

Theo các nhà quan sát, Mỹ đã hiểu ra rằng, Tehran bằng mọi giá sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, bất chấp mọi biện pháp cấm vận, thậm chí cả nguy cơ bị tấn công quân sự. Chính vì vậy, Washington đang nghiêm túc xem xét tới khả năng về một thỏa hiệp với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nhất là phương án này chắc chắn sẽ có lợi cho Barack Obama, tránh nguy cơ leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran, khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đang tới gần.

Các nguồn tin thân cận với Washington cho biết, yếu tố mang tính nguyên tắc với Mỹ là làm sao phải ngăn chặn Tehran tiếp tục làm giàu uranium tới mức độ 20% đồng thời phải chuyển ra nước ngoài 100kg nguyên liệu hạt nhân làm giàu cao đã được quốc gia này tích lũy. Cần biết là với một lượng uranium làm giàu 20%, Tehran hoàn toàn có thể nhanh chóng làm giàu tới 90% để sử dụng cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Để có thể xác định được nguy cơ này, việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran là yếu tố hết sức quan trọng, đặc biệt là tại tổ hợp ngầm Fordo phía bắc đất nước. 

Với những tín hiệu mới trên, dư luận hy vọng cuộc đàm phán được khôi phục từ tháng 4 giữa nhóm 6 nước trung gian với Iran có thể đem lại những tín hiệu tích cực vào ngày 23/5 tới, khi vòng 2 được tổ chức tại thủ đô Baghdad của Iraq. Cho đến thời điểm đó, Mỹ có thể đạt được thỏa thuận với các đối tác tham gia đàm phán - Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức - về những đề xuất mới có thể chấp nhận được để thoát khỏi bế tắc. 

Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo của Iran.

Hiện Tehran vẫn chưa có phản ứng chính thức về sáng kiến của Nhà Trắng. Tuy nhiên, họ đã có những dấu hiệu tỏ vẻ sẵn sàng "đáp lễ" với phương Tây. Theo tuyên bố của quan chức đại diện thường trực của Iran tại IAEA là Ali Asgar Soltanieh, họ quyết định sẽ tham gia vào vòng đàm phán tiếp theo với IAEA vào ngày 13 và 14/5 tới tại Vienna.

"Quyết định này một lần nữa đã khẳng định những cáo buộc nhằm vào Iran là vô căn cứ, đồng thời cho thấy chương trình hạt nhân của chúng tôi thuần túy vì mục đích hòa bình" - Soltanieh còn bổ sung như vậy. Còn nhớ phiên đàm phán trước đó đã đã bị gián đoạn vào tháng 2, sau khi Tehran khước từ cho phép các chuyên gia của IAEA kiểm tra một loạt các cơ sở chiến lược của mình.

Iran chắc chắn cũng sẽ có lợi từ biện pháp thỏa hiệp trên, khi họ đã phải đương đầu với một loạt vấn đề khó khăn nghiêm trọng từ các biện pháp trừng phạt đang ngày một siết chặt của Mỹ và quốc tế. Chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU) đã giảm bớt đáng kể lượng dầu mua của Iran và chuẩn bị chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu từ ngày 1/7. Mỹ trong khi đó đã gây sức ép đáng kể lên một loạt các nước châu Á là những nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất từ Vùng Vịnh - kể cả Nhật và Hàn Quốc - yêu cầu họ chuyển sang ký kết với các nhà cung cấp mới như Arập Xêút. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ trong thời gian tới có thể thông qua các đạo luật mới nhằm bổ sung các biện pháp cấm vận chống Tehran.

Cho dù phe Cộng hòa tại Quốc hội vẫn liên tục gây áp lực đòi phải triển khai những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, chính quyền Obama từ trước vẫn giữ một quan điểm thận trọng, không vội vàng ủng hộ những đề xuất từ phía các nhà làm luật. "Nếu như chính quyền ủng hộ những biện pháp cấm vận mới, họ có nguy cơ phải đương đầu với sự đổ vỡ đàm phán với Iran ngay từ giai đoạn đầu tiên. Còn nếu như chính quyền không ủng hộ các biện pháp mới, họ tiếp tục hứng chịu những cáo buộc từ phe Cộng hòa về sự yếu đuối trong quan hệ với Iran vào đúng thời điểm cao trào của chiến dịch tranh cử" - tạp chí  Foreign Policy bình luận về "thế khó" của chính quyền Obama.

Nhưng dù thế nào, một thỏa hiệp với Tehran vào thời điểm này, dù phải hứng chịu sức ép gia tăng của phe Cộng hòa, vẫn mang lại những lợi ích toàn cục nhiều hơn cho Nhà Trắng. Đối với đương kim Tổng thống Mỹ, điều quan trọng nhất lúc này là tránh gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Iran, không để phương án sử dụng vũ lực xảy ra vì nó có thể phát triển theo một kịch bản hết sức bất lợi, hoàn toàn có khả năng phá hỏng mọi cơ hội tái đắc cử của Obama vào tháng 11 tới đây

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.