Mỹ - Iran đang "nắn gân" nhau?

Thứ Hai, 29/07/2019, 12:24
Trong bối cảnh “cuộc khủng hoảng tàu chở dầu” và cuộc đối đầu căng thẳng với phương Tây, Iran mới đây đã tuyên bố về việc vạch trần một mạng lưới gián điệp của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Tehran cũng không quên nhấn mạnh, Washington chính là kẻ chủ mưu chính trong âm mưu thúc đẩy London và các đồng minh khác đối đầu với Iran. Về phần mình, Mỹ đã gọi thông tin về vụ bắt giữ gián điệp trên là giả dối, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán với Tehran nếu cần thiết…

Thông tin về việc bắt giữ 17 gián điệp CIA được một cục trưởng Cục chống khủng bố thuộc Bộ Thông tin (tên gọi chính thức của Bộ Tình báo) Iran công bố trong cuộc họp báo hôm 22-7-2019 vừa rồi.

Theo lời quan chức này, những gián điệp bị phát hiện và bắt giữ từ ngày 18-6 từng làm việc tại những lĩnh vực quan trọng thiết yếu của Iran như kinh tế, năng lượng hạt nhân và an toàn thông tin. Tất cả được xác định là hoạt động độc lập không có liên hệ trực tiếp với nhau. Một vài kẻ trong số này, theo các phương tiện truyền thông đại chúng Iran, trên thực tế đã bị xử tử.

Bộ trưởng phụ trách tình báo Iran Mahmoud Alavi.

Nếu chỉ tính riêng trong năm 2019, đây không phải là thông báo đầu tiên về việc bắt giữ các gián điệp Mỹ trên đất Iran. Trước đó vào ngày 19-4, bộ trưởng thông tin, đồng thời là lãnh đạo cơ quan mật vụ Iran là Mahmoud Alavi từng tuyên bố, cơ quan tình báo nước này đã đập tan một mạng lưới 290 gián điệp của CIA.

Tiếp đó đến ngày 17-6, thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani cũng thông báo vô hiệu hóa “một mạng lưới gián điệp của CIA từng hoạt động trong không gian mạng” của nước này.

Trong cuộc họp báo vừa qua, nhân viên Bộ Thông tin Iran còn giới thiệu một đoạn phim có nhan đề “Mạng lưới của CIA”, trong đó mô tả chi tiết về quá trình tuyển mộ của CIA và quá trình điều tra phát hiện những tên gián điệp.

Trong phim, khuôn mặt của những phần tử gián điệp đều bị che mờ. Theo như nội dung phim được báo chí Iran tường thuật lại, một phần những gián điệp trong đợt này là những kẻ muốn nhận được visa vào Mỹ, cũng như muốn ra làm việc tại nước ngoài. Cho dù giữa Iran và Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1980, nhưng người Iran vẫn có thể nhận được visa Mỹ tại một số đại sứ quán nước khác, chẳng hạn như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Âm mưu tuyển mộ của người Mỹ cũng được triển khai qua các hội nghị khoa học được tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, các nhân viên CIA còn tìm cách tiếp cận với người Iran qua các mạng xã hội để tìm cách tuyển mộ. Tất cả những kẻ được tuyển mộ đều được trải qua các khóa huấn luyện đặc biệt của CIA.

Biểu tượng của CIA.

Cũng theo đoạn phim, CIA để liên lạc với gián điệp của mình tại Iran đã sử dụng “những chương trình gián điệp siêu hiện đại”, lắp đặt tinh vi trong những chiếc hộp ngụy trang dưới dạng các hòn đá. Những tên gián điệp sẽ thu thập những viên đá này từ những vị trí đã được thỏa thuận trước. Trong trường hợp nguy hiểm, điệp viên có thể gửi tín hiệu cho CIA đề nghị được cho chạy trốn khẩn cấp, nhưng cơ quan phản gián Iran đã kịp thời ngăn chặn.

Theo báo chí Iran, việc phát hiện thành công mạng lưới gián điệp mới nhất trên là thành quả của việc thay đổi chính sách hoạt động tình báo “từ phòng thủ sang tấn công”, được bắt đầu khởi động từ một năm trước, khi căng thẳng trong quan hệ Washington-Tehran bắt đầu gia tăng.

Còn nhớ bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái, Washington đã bất ngờ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời khôi phục lại các biện pháp cấm vận chống lại nước này.

Hậu quả chính sách mới của Washington không chỉ dẫn tới cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iran, mà còn dẫn tới việc bùng phát cái gọi là “cuộc khủng hoảng tàu chở dầu” tại khu vực vịnh Persian và Oman, trong đó đối thủ chính của Iran chính là nước Anh. Đầu tháng 7 vừa qua, Anh đã bắt giữ một chiếc tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar, bị nghi ngờ vận chuyển dầu trái phép tới Syria, vi phạm các điều khoản cấm vận của EU. Để đáp trả, Iran cũng bắt giữ một tàu chở dầu của Anh vào tuần trước.

Quay trở lại với vụ án gián điệp mới nhất, Washington kiên quyết khẳng định, thông tin của Tehran hoàn toàn là chuyện giả dối. Quan điểm trên cũng được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại trong một chương trình của kênh Fox News.

“Chế độ tại Iran rất giàu kinh nghiệm gian dối” – Ngoại trưởng Mỹ đã bình luận như vậy, sau câu hỏi của phóng viên về tuyên bố bắt giữ gián điệp của Tehran. Ông Pompeo còn kêu gọi phía Iran nên đưa ra quyết định rõ ràng, liệu họ có muốn hành xử như “một quốc gia bình thường” hay không. “Nếu như họ làm được điều này, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với họ về một loạt các vấn đề mà không cần điều kiện tiên quyết nào. Tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy” – Ngoại trưởng Mỹ cam kết.

Theo các nhà quan sát, hai bên trên thực tế vẫn đang tìm cách nắn gân nhau trong cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran. Phía Tehran vẫn luôn có thói quen phản ứng ngay trước mỗi một áp lực mới nhằm vào họ, tương tự như vụ bắt giữ tàu chở dầu của Anh mới đây.

Việc giải quyết căng thẳng tại khu vực trên chỉ có thể khả thi trên cơ sở hòa giải giữa Washington và Tehran, cách họ giải quyết mọi vấn đề trong mối quan hệ song phương đã tích lũy suốt 40 năm kể từ sau cuộc cách mạng hồi giáo và vụ chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.