Venezuela - Mỹ: “Ăn miếng trả miếng”

Thứ Năm, 05/03/2015, 08:20
Mỹ và Venezuela bỗng gia tăng mức độ đối đầu trong mấy tuần qua. Tất cả đều bắt nguồn từ một lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quan chức Chính phủ Venezuela hồi cuối năm 2014: Ngày 18/12/2014, Tổng thống Obama ký“Luật về bảo vệ nhân quyềnvà xã hội dân sự ở Venezuela” của Quốc hội Mỹ, nhắm vào các quan chức cao cấp có liên can đến vụ “đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2014”.

Các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nói trên bao gồm việc phong tỏa tài sản ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào nước Mỹ…

Ngày 1/3 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố tại một cuộc míttinh: Chính quyền Caracas vừa bắt giữ một phi công Mỹ bị cáo buộc làm gián điệp. Ông Maduro nói: “Tại bang Tachira, chúng tôi đã bắt giữ một phi công gốc Mỹ Latinh lái một máy bay của Mỹ mang theo đủ loại tài liệu. Người này đang bị thẩm tra”. Ông Maduro còn cho biết có mấy người Mỹ nữa cũng đang bị bắt giữ.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phất cờ trong cuộc tuần hành kỷ niệm cuộc Cách mạng Caracazo. Trong bài phát biểu tại cuộc míttinh, ông Maduro cho biết chính quyền của ông vừa bắt giữ một phi công Mỹ bị cáo buộc làm gián điệp.

“Chúng tôi đã bắt giữ vài công dân Mỹ có những hoạt động trá hình. Quý vị gọi đó bằng ngôn từ quân sự là gì? Các hoạt động gián điệp – họ đang tìm cách tuyển mộ người ở các tỉnh thành duyên hải Venezuela, tại nhà ở của họ”. Hiện Mỹ chưa đưa ra bình luận về việc này.

Cũng trong ngày 1-3, nhà chức trách Venezuela đã thả 4 nhà truyền giáo Mỹ bị thẩm vấn về những cáo buộc làm gián điệp. Những người Mỹ này đã rời khỏi Venezuela.

Chưa hết, Tổng thống Maduro còn thông báo đã áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này nhằm "kiểm soát" sự can thiệp của Washington. Ông Maduro cũng chỉ thị xem xét lại và giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ ở thủ đô Caracas, viện dẫn việc Mỹ có 100 nhân viên ngoại giao tại Caracas trong khi Venezuela chỉ có 17 người tại Washington. Tổng thống Venezuela muốn có sự ngang bằng giữa hai bên.

Chính phủ Venezuela đã ra thời hạn 2 tuần cho Mỹ để giảm số lượng nhân viên Đại sứ quán tại Caracas xuống còn 17 người. Bộ trưởng Ngoại giao Venezuea Delcy Rodriguez hôm 2/3 đưa ra thông báo này sau cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Caracas. Bà cho biết tùy Mỹ quyết định đưa những người nào trong số 100 nhà ngoại giao của mình trở về nước.

Ngoài ra, Tổng thống Venezuela còn áp đặt trừng phạt nhằm vào một số chính khách Mỹ mà chính quyền Caracas coi là "khủng bố", cho rằng "một nhóm lãnh đạo chính trị Mỹ đã vi phạm nhân quyền khi ném bom" các quốc gia như Iraq, Afghanistan... "sẽ không được phép đi vào Venezuela bởi vì họ là khủng bố".

Theo ông Maduro, trong số những chính khách bị trừng phạt có cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cùng Phó tổng thống Dick Cheney, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez và nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio. Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng cảnh báo rằng phái bộ ngoại giao Mỹ cần thông báo trước và nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương đối với bất cứ cuộc họp nào do các nhà ngoại giao Mỹ tiến hành ở Venezuela.

Trước đó, ngày 20/2, Tổng thống Maduro tuyên bố chính phủ nước này vẫn đang chiến đấu với "một cuộc đảo chính". Trong một loạt tin nhắn đăng trên trang mạng xã hội Twitter, ông Maduro cáo buộc phe cực hữu với sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ đã âm mưu đánh bom các văn phòng chính quyền trên khắp thủ đô Caracas.

Theo Hãng thông tấn Venezuela (AVN), trong số các mục tiêu ném bom theo kế hoạch của phe đối lập có Dinh Tổng thống, trụ sở Bộ Quốc phòng và Hãng truyền hình TeleSur. Ông Maduro khẳng định cùng với người dân, Chính phủ Venezuela sẽ vượt qua thử thách này để dân chủ và tự do tiếp tục giành chiến thắng.

Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham gia đảo chính.

Số là trước đó một ngày, nhà chức trách Venezuela bắt giữ Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma với cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính. Antonio Ledezma, cựu thành viên đảng Dân chủ Hành động, bị bắt ngày 19/2 với cáo buộc liên quan đến âm mưu hòng lật đổ chính quyền hợp hiến, chống lại an ninh và hòa bình của đất nước. Theo AVN, Ledezma là một trong những người ký vào cái gọi là "Thỏa thuận quốc gia nhằm chuyển giao chính phủ" công bố ngày 11/2/2015 với nội dung kích động làn sóng biểu tình bạo lực và là một phần trong chuỗi kế hoạch lật đổ chính quyền của phe cực hữu.

Ngoài ra, Thị trưởng Ledezma cũng bị cáo buộc dính líu đến kế hoạch mưu sát thủ lĩnh phe đối lập Leopoldo López vào tháng 2/2014 nhằm tạo ra sự hỗn loạn vào thời điểm đó, qua đó dễ dàng lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Maduro.

Viện Công tố Venezuela cho biết sẽ đưa đối tượng này ra khởi tố trong thời gian tới với cáo buộc chính thức “cùng âm mưu tổ chức và thực hiện một số hành động bạo lực chống chính phủ”.

Mỹ đã phản ứng lại hành động trên bằng thông báo đang xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với giới chức Venezuela. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, các biện pháp trên nhằm “đưa Venezuela trở lại hướng đi tích cực hơn” nhưng đồng thời cho rằng các cáo buộc mới đây của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về việc Washington đang tiếp tay cho các âm mưu gây bất ổn tại quốc gia Nam Mỹ này “là phi lý”.

Như vậy có thể thấy mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này đang ngày càng trở nên tồi tệ. Điều này có lẽ bắt nguồn từ đạo luật trừng phạt Venezuela của Quốc hội Mỹ. Ngày 18/12/2014, Tổng thống Obama ký “Luật về bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự ở Venezuela” của Quốc hội Mỹ, nhắm vào các quan chức cao cấp có liên can đến vụ “đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2014”.

Các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nói trên bao gồm việc phong tỏa tài sản ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào nước Mỹ. Tổng thống Maduro đã có phản ứng ngay lập tức, xem các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “ngu xuẩn”.

Ngày 18/12/2014 cũng là ngày Mỹ công bố bình thường hóa quan hệ với Cuba. Trong một phản ứng sau đó, Tổng thống Maduro lên tiếng hoan nghênh “hành động dũng cảm” của Tổng thống Obama với Cuba nhưng là “ngạo mạn” và không chịu có các hành động hòa giải với Venezuela.

Ông Maduro đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra các khó khăn kinh tế và xã hội cho quốc gia này. Nền kinh tế của Venezuela chủ yếu dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ. Từ gần một năm qua, giá dầu tuột dốc khiến ngân sách của quốc gia này thêm eo hẹp dẫn đến nhiều khoản cắt giảm. Điều này càng đẩy đời sống khó khăn của người dân do bị lệnh phong tỏa của Mỹ thêm nguy kịch.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.