Venezuela: Tổng thống Nicolas Maduro lâm nguy

Thứ Tư, 18/05/2016, 16:15
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đang đặt chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào thế nan giải. Những gì khiến Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất hôm 12-5 cũng gần giống với những gì đang diễn ra tại Venezuela hiện nay. Phải chăng chính sách dân túy ở Mỹ Latinh đã hết thời?

Không thực khó vực được đạo

Chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ để phục vụ công tác điều tra luận tội bà vi phạm luật ngân sách do phe đối lập tố cáo và dàn dựng, ngày 14-5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã triệu hồi Đại sứ Alberto Castellar để đánh giá cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Brazil.

Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro còn liên tiếp có những hành động nhằm ngăn ngừa nguy cơ đảo chính như tại Brazil. Trong một thông điệp đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter, ông Maduro gọi tiến trình luận tội bà Rousseff là “một cuộc đảo chính”. Ngày 14-5, Tổng thống Maduro ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng ba tháng để đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Cùng lúc với tình trạng khẩn cấp, ông Maduro ra lệnh tịch biên các công ty mà ông cho là “do bọn tư sản làm tê liệt” và bắt giam các chủ doanh nghiệp bị tố cáo “phá hoại đất nước”. Chưa hết, Tổng thống Maduro ra lệnh vào ngày 21-5-2016 sẽ tổ chức tập trận phối hợp quân đội, dân quân và nhân dân mà ông gọi là để “đề phòng mọi tình huống”.

Tổng thống Nicolas Maduro ban bố tình trạng khẩn tại Venezuela.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại cuộc mít tinh hôm 14-5, ông Maduro nói “tôi ra lệnh cho quân đội hành động để chuẩn bị cho đất nước đối phó với bất cứ tình huống nào”. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Caracas cũng cảnh báo rằng, các thế lực bên ngoài đang lợi dụng tình hình này để gây bất ổn trong nước, tạo những “đợt sóng” biểu tình để từ đó làm tiền đề cho một chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm. Ông Maduro kêu gọi người dân bình tĩnh và cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù và suy xét mọi việc thật thấu đáo, tránh nguy cơ bị lợi dụng vì mục đích chính trị.

Sở dĩ ông Maduro phải “đề cao cảnh giác” là vì nguyên nhân khiến “bà hàng xóm” Rousseff bị lật đổ cũng giống như những gì ông đang phải đối mặt ở Venezuela. Đó là sự khủng hoảng kinh tế. Ở Brazil, những cáo buộc bà Rousseff vi phạm luật ngân sách của phe đối lập sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu người dân không bị chịu cảnh khổ sở vì suy thoái kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của bà Rousseff, Brazil - một trong những quốc gia đang phát triển đầy triển vọng, từng là câu chuyện kinh tế thành công của châu Mỹ - phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế được cho là tồi tệ nhất trong vòng 25 năm. Các tín hiệu xấu của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những người tiêu dùng Brazil. Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây.

Người dân Venezuela xếp hàng mua nhu yếu phẩm.

Trong khi đó, Viện thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết, lạm phát năm 2015 của quốc gia Nam Mỹ này vào khoảng 7,7% - mức cao nhất trong 9 năm qua. Theo IBGE, giá cả các mặt hàng trong tháng trước đã tăng 1,22%, khiến lạm phát nước này vượt mức trần 6,5% mà Chính phủ Brazil đề ra.

Điều đáng nói là tình hình bi đát của Brazil không phải do bà Rousseff gây ra hoàn toàn, mà do bối cảnh quốc tế không thuận lợi. Đó là sự kết thúc chu trình bùng nổ giá hàng hóa cơ bản hồi đầu thế kỷ. Sự bùng nổ đó được duy trì bởi nhu cầu dường như không thể thỏa mãn được của Trung Quốc đối với khoáng sản thô và thực phẩm, và khi nó kết thúc vào năm 2012, sự sụt giảm giá mạnh đã gây thiệt hại trầm trọng cho các nhà xuất khẩu của Mỹ Latinh.

Mặc dù có một thị trường lớn trong nước và một khu vực công nghiệp mạnh, Brazil cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới thời bà Rousseff, lạm phát gia tăng và tỷ giá hối đoái của đồng real (đơn vị tiền tệ Brazil) đã sụt giảm; những dự án hạ tầng lớn không mang lại hiệu quả đã được triển khai và sau đó bị bỏ dở; và nỗ lực để hạ lãi suất một cách nhân tạo đã dẫn đến bong bóng tín dụng tiêu dùng.

Ngược lại, người tiền nhiệm của bà Rousseff, Luiz Inácio “Lula” da Silva - một biểu tượng cánh tả cùng thuộc đảng Công nhân của bà - đã gần như tuân thủ những nguyên tắc chính thống của kinh tế vĩ mô, ngay cả khi ông cũng mở rộng các chương trình hỗ trợ xã hội.

Trước bà Rousseff, ở một số nước Mỹ Latinh do cánh tả nắm quyền cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chile và Peru đều phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu đồng. Với giá đồng tuột dốc, các nhà lãnh đạo của cả hai nước phải chịu sức ép thất cử. Đồng thời, việc giảm giá chuối và dầu tạo ra những thách thức chính trị tương tự cho vị Tổng thống cánh tả Rafael Correa của Ecuador, và tương tự là hậu quả mà việc cà phê, dầu, và than giảm giá gây ra cho vị tổng thống theo đường lối trung dung Juan Manuel Santos của Colombia.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa.

Trường hợp của Venezuela không là ngoại lệ. Từ hai năm qua, khi giá dầu giảm từ hơn 100 USD xuống đến mức đáy có khi chỉ 25 USD/thùng, quốc gia phụ thuộc lớn (96% nguồn thu ngân sách) vào xuất khẩu dầu mỏ này đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Mọi thứ nhu yếu phẩm nước này đều phải nhập khẩu. Khi không có đủ tiền, chính phủ không còn “xông xênh” như trước và người dân phải xếp hàng dài, có khi đến vài ngày, mới nhận được.

“Vận đen” cho ông Maduro còn là tình trạng hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra buộc người dân Venezuela chịu cảnh cắt điện luân phiên. Hạn hán, thiếu nước cũng gây hậu quả cho cuộc sống hằng ngày và người dân cũng bị cắt nước luân phiên, thậm chí nhiều khu phố ở Caracas không có nước sinh hoạt tới 3 ngày/tuần.

Nỗ lực không gặp thời

Hậu quả là dân bất mãn. Thất bại đầu tiên của chính quyền Maduro là để mất quyền kiểm soát quốc hội vào tháng 12-2015. Từ đó đến nay, tình hình Venezuela không được cải thiện bởi giá dầu vẫn ở mức thấp. Chính quyền Caracas phải vay tiền tứ tung để trả nợ và trang trải cho các chương trình trợ cấp xã hội. Rõ ràng chính sách dân túy của ông Maduro đang bị người dân tẩy chay.

Trong khi ấy, phe đối lập lại ngày càng làm lớn chuyện, tìm mọi cách lật đổ ông Nicolas Maduro. Từ tháng 4 đến nay, liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) luôn gia tăng sức ép buộc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro. Thậm chí, họ còn sử dụng thủ tục kỹ thuật bằng việc thu thập đủ 200.000 chữ ký đề nghị lập mẫu biểu và khởi động tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tiếp đó, họ dự định thu thập thêm gần 2 triệu chữ ký ủng hộ để đi tới bước cuối cùng là trưng cầu dân ý về bất tín nhiệm. Tờ The New York Times cho biết, các danh sách chữ ký này đã được MUD gửi lên Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela (CNE).

Sau quá trình này, MUD một lần nữa cần thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Venezuela đồng ý bãi nhiệm ông Nicolas Maduro để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn. Theo quy định của Hiến pháp Venezuela, tổng thống sẽ bị phế truất nếu số người bỏ phiếu bất tín nhiệm ông bằng hoặc vượt quá số lượng phiếu ủng hộ mà ông nhận được trong cuộc bầu cử năm 2013, tức là 7,5 triệu phiếu và ít nhất 25% số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu.

Phong trào Liên minh Dân chủ (MUD) đối lập ở Venezuela ăn mừng chiến thắng vào tháng 12-2015.

Hôm 10/5, để tạo thêm nhiều hiệu ứng nhằm chống lại tổng thống, MUD một lần nữa lại kêu gọi người dân tham gia tuần hành trên đường phố và gây sức ép với CNE...

Giải thích về sự thành công của những người tiền nhiệm như Hugo Chavez hay Luiz Inácio “Lula” da Silva, các nhà phân tích cho rằng thực tế gần đây đã chỉ ra rằng sự tiến bộ trong chính sách dân túy của các vị trên bắt nguồn không phải từ sự quản lý “thực tế”, mà nhờ có điều kiện kinh tế quốc tế thuận lợi.

Nói về xu hướng của chính sách dân túy ở Mỹ Latinh trong tương lai, giới quan sát nhận định, trong mọi trường hợp, bởi vì môi trường toàn cầu bất lợi đã làm lộ ra sự quản lý kinh tế sai sót của các nhà lãnh đạo, điểm mấu chốt là việc các cử tri Mỹ Latinh đang ngày càng trở nên thất vọng. Không nhất thiết là họ cự tuyệt các nhà lãnh đạo cánh tả; mà thay vào đó, họ đang bác bỏ các lãnh đạo đương nhiệm dù là của đảng nào, và ngẫu nhiên phần lớn các lãnh đạo này đang thuộc về cánh tả.

Có lẽ sai lầm của ông Maduro là không nghe lời khuyến cáo của Bộ trưởng Dầu lửa, Rafael Ramirez, vào mùa xuân năm 2014, khi ông kế nhiệm chức Tổng thống của ông Hugo Chavez. Đó là giảm các món trợ cấp, giảm chi tiêu công, thống nhất các hối suất và tập trung dự trữ ngoại hối… Nhưng ông Maduro nhanh chóng từ bỏ dự án “giai đoạn kinh tế mới” này, kiên quyết đi theo chính sách dân túy.

Các chuyên gia độc lập khuyến cáo để vực dậy nền kinh tế, cần thống nhất ba hối suất chính thức hiện nay (chưa kể tỉ giá chợ đen hiện cao gấp 125 lần), hủy bỏ kiểm soát giá cả, tăng giá xăng dầu, khuyến khích tư nhân đầu tư và giảm chi tiêu công. Tháng 12-2015, sau khi giành quyền kiểm soát quốc hội, phe đối lập đã tự hạn định trong vòng sáu tháng phải làm cho ông Maduro rời ghế tổng thống. Giờ là thời hạn của lời đe dọa đó.

Ngoài sức ép từ dân, từ phe đối lập, chính quyền của Tổng thống Maduro còn đang bị các nước thù địch chống phá từ bên ngoài. Trong mọi trường hợp, bởi vì môi trường toàn cầu bất lợi đã làm lộ ra sự quản lý kinh tế sai sót của các nhà lãnh đạo, điểm mấu chốt là việc các cử tri Mỹ Latinh đang ngày càng trở nên thất vọng. Không nhất thiết là họ cự tuyệt các nhà lãnh đạo cánh tả; mà thay vào đó, họ đang bác bỏ các lãnh đạo đương nhiệm dù là của đảng nào, và ngẫu nhiên phần lớn các lãnh đạo này đang thuộc về cánh tả.

Hiện nay khi xu hướng phản ứng dữ dội chống lại các chính phủ đương nhiệm đã bắt đầu, các cuộc tranh luận về ý thức hệ chắc chắn sẽ gia tăng. Các chính phủ cánh tả như ở Argentina và Venezuela từ lâu đã áp dụng các chính sách gây phân cực, đặc biệt là về các vấn đề như bạo lực, đoàn kết với các nước bị cô lập (Cuba trong trường hợp Venezuela; Iran trong trường hợp Argentina), và tham nhũng - những chính sách mà hiện nay có thể bị thử thách hoặc bị đảo ngược bởi các nhà lãnh đạo mới.

Trường hợp của Venezuela là đặc biệt. Dù đang giữ đa số ghế trong Quốc hội, phe đối lập biết rằng họ sẽ phải thương lượng với nhánh hành pháp vốn đang được dẫn dắt bởi Maduro.Nhưng họ sẽ không thể thỏa hiệp trên mọi phương diện. Một trong những thách thức quan trọng mà phe đối lập đang phải đối mặt là phải làm gì đối với việc viện trợ quy mô lớn cho Cuba bắt đầu từ năm 2004.

Thông qua những cơ chế không rõ ràng như trợ giá dầu mỏ và trả tiền quá cao cho các bác sĩ, nhân viên an ninh, và giáo viên người Cuba, Venezuela đã giải cứu nền kinh tế đổ nát của Cuba trong hơn một thập niên qua. Liên quan tới khả năng ông Maduro bị lật đổ như tại Brazil, các chuyên gia cho rằng kế hoạch lật đổ một chính thể kiểu như ở Brazil khó có thể thực hiện được bởi lẽ cho đến nay, các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn tuyên bố khẳng định trung thành với chính phủ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.